Hết thời chuyển viện

Các bác sĩ tuyến dưới tiếp cận nhiều kỹ thuật, hạn chế bệnh nhân phải chuyển viện Ảnh: L.N
Các bác sĩ tuyến dưới tiếp cận nhiều kỹ thuật, hạn chế bệnh nhân phải chuyển viện Ảnh: L.N
TP - Sau 2 năm thực hiện luân phiên bác sĩ về cơ sở với tên gọi Đề án 1816, lượng bệnh nhân ở bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên giảm hẳn.

> Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe

Các bác sĩ tuyến dưới tiếp cận nhiều kỹ thuật, hạn chế bệnh nhân phải chuyển viện Ảnh: L.N
Các bác sĩ tuyến dưới tiếp cận nhiều kỹ thuật, hạn chế bệnh nhân phải chuyển viện. Ảnh: L.N.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân hôm 30-5, nhiều bệnh viện trên cả nước thừa nhận sự thay da đổi thịt sau 2 năm thực hiện luân phiên bác sĩ.

Trước đây, hệ thống y tế ở BV Tây Giang - Quảng Nam vẫn sơ sài, ai đau ốm gì cũng phải băng rừng, lội suối cả trăm cây số lên tỉnh. Nhưng khi Đề án 1816 được triển khai, Bệnh viện C Đà Nẵng về tận Trung tâm Y tế huyện chỉ dẫn cán bộ y bác sĩ nơi đây cách cứu người. “Họ huấn luyện chúng tôi cách cấp cứu, mổ xẻ và hỗ trợ trang thiết bị, xe cấp cứu”- đại diện BV này cho biết.

Gần hai năm nay khi một đội ngũ cán bộ bác sĩ của BV Bắc Quảng Nam luân phiên xuống Trung tâm Y tế huyện Tây Giang chuyển giao các kỹ thuật mổ đẻ, mổ u nang buồng trứng, kế hoạch hóa gia đình, mổ ruột thừa, phẫu thuật xương, chấn thương chỉnh hình…, nay Tây Giang đã làm rất thông thạo. Số bệnh nhân xin chuyển lên tỉnh đã giảm 30%”- Bí thư Huyện ủy Tây Giang khoe.

Tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đều đặn hai năm nay hàng chục lượt bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Huế đến chuyển giao kỹ thuật cắt dạ dày nội soi, cắt đại trực tràng nội soi, phẫu thuật cắt gan, cắt u phổi…

Theo Bộ Y tế, sau 2 năm đã có 72 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên với 3.665 lượt người, chuyển giao 2.504 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành, giảm chuyển viện lên tuyến trên khoảng 30%.

 

TS Đào Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, tỉnh có 17 bệnh viện đang hoạt động nhưng chỉ đạt tỷ lệ 7,2 bác sĩ/vạn dân. Trước đây, do trình độ cán bộ y tế còn hạn chế, trang thiết bị không đủ, lạc hậu, các dịch vụ kỹ thuật cao vẫn chưa được triển khai nên bệnh hơi khó là chuyển viện.

2 năm thực hiện đề án, 7 bệnh viện T.Ư về chuyển giao 181 kỹ thuật, trực tiếp phẫu thuật cho 1.155 bệnh nhân, khám và điều trị cho 5.616 bệnh nhân, nên hoạt động y tế ở cơ sở có khởi sắc. Từ việc bó tay với các kỹ thuật mổ sọ não, Phaco (mổ mắt kỹ thuật cao), nay các bác sĩ ở tỉnh làm rất tốt.

TS Nguyễn Quốc Anh- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng một số bệnh viện tuyến tỉnh có cơ sở xuống cấp, thiếu trang thiết bị, trình độ cán bộ không đồng bộ, đặc biệt thiếu các labo xét nghiệm nên rất hạn chế trong việc chuyển giao kỹ thuật. Và ông lo ngại khi bác sĩ tuyến trên chuyển đi thì bác sĩ được chuyển giao không duy trì các kỹ thuật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh sự tận tụy, sáng tạo của các bộ ngành y tế tuyến trên. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của Đề án 1816 cho giai đoạn tới. Các bệnh viện tuyến dưới phải xác định kỹ thuật, mục tiêu chuyển giao cụ thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.