Cầu Long Biên Bảo tồn hay xây mới?

Hết vai trò giao thông, thành công trình văn hóa

Cầu Long Biên nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý
Cầu Long Biên nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý
TP - Một số chuyên gia cho rằng, nên nhanh chóng đưa cầu Long Biên vào danh sách di sản, để đối xử, bảo vệ cầu theo Luật Di sản văn hóa. Đã đến lúc cầu cần giã từ vai trò giao thông để trở thành công trình văn hóa.

Tại hội thảo về cầu Long Biên do ĐH Phương Đông tổ chức hôm 25/2, một nữ kiến trúc sư cho rằng, cần cân nhắc vấn đề công nhận cầu Long Biên thành di sản.

“Việc chúng ta muốn đưa cầu Long Biên vào danh sách di sản rất nguy hiểm, bởi nếu đưa vào thì theo Luật Di sản văn hóa, ta không đụng được đến nó nữa.  Như thế thì làm kinh tế như thế nào, lấy tiền đâu để bảo tồn, để làm du lịch”, vị này nói. 

“Di sản là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng. Chúng ta có di sản thế giới, di sản quốc gia, di sản địa phương, đây là yếu tố quyết định để xây dựng các sản phẩm du lịch. Với cây cầu Long Biên, chẳng qua chúng ta chưa quyết tâm nên khai thác nó chưa tốt. Đấy là hiện vật sống, hoàn toàn có thể khai thác ở nhiều mặt, trong đó có văn hóa, du lịch”. 

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, phản đối: “Suy nghĩ đó là của một doanh nhân chứ không phải suy nghĩ của một người làm bảo tồn.

Di sản có nhiều cách để bảo tồn, chứ không phải chỉ có phương pháp để nguyên trạng. Văn kiện của Liên Hợp Quốc về di sản cũng nói rõ 5 cách bảo tồn.

Cái tài của người làm kiến trúc là làm sao bảo tồn giá trị văn hóa của nó, mà vẫn thỏa mãn nhu cầu sử dụng đương đại, thu hồi lợi ích kinh tế, phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Đã có một số cây cầu được đưa vào danh sách Di sản Thế giới, như cầu Vizcaya nằm trên cửa sông Ibaizabal, phía Tây thành phố Bilbao của Tây Ban Nha. Là sự kết hợp của truyền thống đúc kim loại của thế kỷ 19 với công nghệ dây thép nhẹ hiện đại, hoàn thành năm 1893, cây cầu này được coi là công trình kiến trúc nổi bật thời kỳ Cách mạng Công nghiệp. 

Đây là cây cầu đầu tiên trên thế giới trung chuyển người và xe cộ bằng giỏ treo dưới cầu - mô hình sau này được áp dụng ở một số nơi tại châu Âu.

“Cây cầu này được đưa vào danh sách Di sản Thế giới vì đây là một bổ sung hết sức phù hợp vào cảnh quan xung quanh, và thể hiện một sự sáng tạo lớn về kỹ thuật, tạo ra mối quan hệ hài hoà giữa hình thức và công năng”, bà Dương Bích Hạnh, Trưởng Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO Việt Nam, cho biết. 

Dù đã có tiền lệ, nhưng để đưa cầu Long Biên vào danh sách Di sản Thế giới, chúng ta phải chứng minh cầu có những “giá trị nổi bật toàn cầu, những giá trị xuyên qua thời gian và biên giới quốc gia”, bà Hạnh nói.

Lâu nay, nhiều nhà quản lý luôn có tư duy biến văn hóa thành rào cản thay vì là động lực của phát triển bền vững. Khái niệm ngành công nghiệp văn hóa còn khá mới ở nước ta, nhưng đóng góp của ngành này là không thể chối cãi. Theo số liệu của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, văn hóa đóng góp 10,3% trong GDP của Thái Lan.

Đánh giá tác động di sản

Theo bà Hạnh, về vấn đề cầu Long Biên, các bộ, ngành liên quan nên có cái nhìn dài hơi, tham vấn rộng rãi, cụ thể đối với cộng đồng dân cư, chuyên gia trong nước và quốc tế.

“Đồng thời sử dụng phép toán đánh giá tác động di sản đối với mỗi hành động được đưa ra, để đảm bảo rằng, những thế hệ tương lai luôn được thưởng thức và hưởng thụ những giá trị của di sản do những thế hệ đi trước để lại”, bà nhấn mạnh.

Trong một hội thảo khác, bàn về phương án biến cầu Long Biên thành bảo tàng ngoài trời, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận định: “Cầu Long Biên có giá trị lịch sử đích thực về nhiều phương diện, như một chứng nhân lịch sử, như một thành tựu về kỹ thuật, như một kỳ công về kỹ thuật và lao động.

Đồng thơi, cầu Long Biên lại là yếu tố tạo ra khung cảnh không lặp lại của Thủ đô. Thủ đô ta đẹp về chi tiết, nhưng cái đẹp rộng lớn thì chỉ có cầu Long Biên. Đã đến lúc cầu Long Biên giã từ vai trò là cầu giao thông mà trở thành công trình văn hóa”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.