Hiểm họa rác trời, bong bóng trách nhiệm

Dây điện, cáp viễn thông như mạng nhện trên đường ở TPHCM
Dây điện, cáp viễn thông như mạng nhện trên đường ở TPHCM
TP - Hệ thống dây điện, cáp điện thoại, cáp internet, truyền hình… đan xen chằng chịt như mạng nhện dọc các tuyến đường, xuyên qua ngã tư, sát vách nhà ở TPHCM. Những lúc dây lơ lửng không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn trở thành mối hiểm họa với người dân.  

Mạng nhện “tử thần”

Hàng loạt sự cố dây điện đứt rơi xuống đường, rò rỉ điện tại các trụ điện dọc đường gây chết người khiến người dân không khỏi lo lắng mỗi khi phải ra khỏi nhà. Khi miền Nam đang vào cao điểm mùa mưa, ngập nước, nỗi lo này càng lớn. Trong khi đó, các đường dây điện, cáp viễn thông… đan xen như mạng nhện vắt vẻo trên đầu người dân.

Trở lại đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TPHCM, sau khi xảy ra vụ đứt dây điện khiến ông Lương Nhật Hoà (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị điện giật tử vong, chúng tôi được biết, người dân nơi đây vẫn chưa hết lo lắng về hệ thống dây chằng chịt trên đường.

Tại giao lộ Nguyễn Trọng Tuyển - Phạm Văn Hai, một trạm biến thế trên cao đeo trên mình hàng chục cuộn dây điện, cáp viễn thông nằm chằng chéo nhau như mạng nhện. Ngay cạnh đó, một trụ điện bằng sắt mỏng manh và gỉ sét đang phải “cõng” cả dây điện lẫn những bó cáp khổng lồ võng xuống đường chực chờ gây tai hoạ.

Hành nghề xe ôm ở khu vực này nhiều năm, ông Nguyễn Văn Thể (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết, đã nhiều lần ông phải bỏ chạy khi nghe tiếng nổ lẹt đẹt từ trên trụ điện phát ra mỗi khi trời mưa. Theo ông Thể, thời gian gần dây các loại dây điện, cáp viễn thông mắc chung vào trụ điện mới được bó gọn gàng hơn nhưng cũng khó đảm bảo an toàn cho người dân khi mưa gió, giông lốc. “Mỗi lần trời có gió lớn, giông lốc thì mấy bó dây điện kia lại đu đưa như võng, ai đi qua nhìn cũng phát khiếp”, ông Thể nói.

Ông Thể cho rằng, việc dây điện đứt rơi xuống quán cà phê giật chết người đã được cảnh báo từ trước, bởi trong các tuyến đường hẻm, dây điện vắt vẻo trên đầu, gắn trên những cây trụ tạm bợ, không có thiết bị chằng chống. Thậm chí, nhiều sợi dây diện được gắn vào thanh sắt trên bờ tường rào của nhà dân có thể gây rò rỉ điện bất cứ lúc nào.

Không chỉ hệ thống dây điện chằng chéo, hệ thống điện tại nhiều khu vực ở TPHCM hiện đã lỗi thời xuống cấp. Từng có nhiều vụ chập điện, cháy nổ trụ điện khiến người dân hoang mang. Cụ thể, tối 3/12/2018, trụ điện ở hẻm 373, đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TPHCM phát nổ, cháy ngùn ngụt, nhiều sợi dây điện đứt rơi xuống đường. Hôm đó, hàng chục người ôm trẻ em, tài sản hốt hoảng tháo chạy toán loạn.

Lỗi tại ai?

Trước tình trạng dây điện, cáp quang, truyền hình… như ma trận lơ lửng trên đầu người dân, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng: Đây là trách nhiệm của ngành Điện; Phải xử lý nặng những trường hợp để xảy ra sự cố gây chết người, thiệt hại tài sản của người dân.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về đô thị cho rằng, việc để dây điện thòng lọng khắp nơi không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người dân. Nguyên nhân của việc này là sai lầm trong quy hoạch đô thị khi xây nhà trước sau đó làm hạ tầng, quy hoạch chắp nối thiếu đồng bộ dẫn đến mỗi ngành làm một nẻo.

“Ở các nước, người ta làm quy hoạch thì hạ tầng được chú trọng, điện, đường, hệ thống giao thông, thoát nước làm trước. Khi người dân xây nhà chỉ cần đấu nối vào hệ thống chung được ngầm hoá. Còn mình là nông thôn hoá đô thị nên mới có tình trạng dây điện, cáp quang, cáp truyền hình… như mạng nhện trên trời”, ông Bá nói.

Theo ông Bá, cơ quan quản lý gần như bỏ ngỏ lĩnh vực này. Nhiều địa phương giao đường điện cho người dân tự quản lý dẫn đến mất an toàn, tình trạng rò rỉ điện ở các trụ đèn chiếu sáng thường xuyên xảy ra. Dẫn chứng vụ việc một bé trai bị điện giật chết do rò rỉ điện trong lúc trời mưa ở quận 5, TPHCM, ông Bá cho rằng, hệ thống điện xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, nguy cơ rò rỉ điện khi trời mưa, đường ngập là rất cao. Vì vậy, cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, thay thế các thiết bị có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho rằng, xảy ra các sự cố gây nguy hiểm cho người dân, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành Điện, công ty điện quản lý khu vực xảy ra sự cố. Tình trạng đường dây điện trên cao đã tồn tại từ trước đến nay nên phải chấp nhận sử dụng khi chưa ngầm hoá kịp. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay là nhiều cơ quan quản lý, công ty điện lực còn thiếu trách nhiệm trong quản lý đường dây, khoảng cách an toàn ở khu vực có lưới điện.

“Dây điện lâu ngày bị lão hoá sẽ chùng, dãn, các mối nối lâu ngày sẽ xuống cấp. Hơn nữa, khi vào mùa mưa và gió giật mạnh thì các bó dây sẽ bị rung lắc, lâu ngày có thể bị cọ xát vào sắt dẫn đến đứt. Vì vậy, việc kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên là yêu cầu số một. Nếu để xảy ra tình trạng đứt, đổ gây nguy hiểm tính mạng, tài sản người dân thì công ty điện lực ở nơi xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm”, ông Ninh phân tích.

Ngầm hoá lưới điện gặp khó khăn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban truyền thông, Tổng Công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC) thừa nhận hệ thống điện ở một số nơi tại TPHCM đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, tình trạng dây điện thòng lòng trên đường gây mất an toàn cho người dân. Sau khi xảy ra sự cố đứt dây điện ở quận Tân Bình khiến người đàn ông bị điện giật tử vong, Điện lực TPHCM đã có công điện khẩn gửi các công ty điện lực trực thuộc tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại hệ thống đường dây điện trên cao.

Điện lực TPHCM cũng yêu cầu các công ty điện lực địa phương gấp rút điều tra lại các đường dây điện lâu năm, thiết bị nhỏ, các đường dây có nhiều mối nối, đường dây bắc ngang các trường học, khu chợ, những khu vực thường xuyên ngập nước… để xử lý ngay các điểm không an toàn. 

Về lâu dài, Điện lực TPHCM đang nghiên cứu một số giải pháp như dùng khánh định vị để định vị 3 dây điện lại chung với nhau. Trong trường hợp một dây bị đứt thì hai dây còn lại sẽ giữ, không để rơi xuống đất gây mất an toàn cho người dân. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ ngầm hoá lưới điện, đặc biệt là các khu vực ở trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, việc ngầm hoá lưới điện vẫn gặp không ít khó khăn do thủ tục thỏa thuận tuyến, thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng... vẫn kéo dài, một phần do vỉa hè một số tuyến đường khá chật hẹp, không đủ mặt bằng tái bố trí, lắp đặt thiết bị. Trong khi đó, việc phối hợp hạ ngầm dây thông tin của các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hồi trụ điện.

Đại diện EVNHCMC cho biết, khối lượng ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch gồm: 650 km lưới điện trung thế, 1.150 km lưới điện hạ thế, 11 km lưới điện 110kV. 

Đông Sơn - Đại Dương
MỚI - NÓNG