Hiếm hoi một Bùi Chu

Hiện trạng nhà thờ Bùi Chu với nhiều chỗ chắp vá sơ sàii Ảnh: Minh Đức
Hiện trạng nhà thờ Bùi Chu với nhiều chỗ chắp vá sơ sàii Ảnh: Minh Đức
TP - Lần này về xã Xuân Ngọc của huyện Xuân Trường (Nam Định) nơi có thánh đường Bùi Chu hình như mọi sự không được êm thuận như mọi bận. Như có gì nghịch với cái tên của vị giám mục tác giả ngôi nhà thờ kỳ vĩ Bùi Chu Wenceslao Onate Thuận?

Lại về xứ đạo Bùi Chu. Hơn hai năm trước về Giáo xứ Phương Lạc Nghĩa Hưng, tôi có một buổi chiều ngồi ở nhà người cựu binh họ Đoàn tên Thạnh, con chiên lành Giuse Maria Đoàn Văn Thạnh bố của Đoàn Thị Hương. Người lính sư 308 dự trận đánh ác liệt năm 1972 ở Ái Tử Quảng Trị đã bỏ lại một chân bên phải đã bộc bạch nhiều ân tình cảm mến về vị linh mục coi sóc giáo xứ Phương Lạc thuộc giáo phận Bùi Chu này. Con gái Đoàn Thị Hương bị bắt ở xứ người bị quy tội giết người. Bấn loạn, vợ chồng ông Thạnh không biết hỏi ai đành lên gặp cha xứ… Cha khuyên cứ bình tĩnh, con các con nếu ngoan lành như thế thì khó mà sa vào mưu ma chước quỷ của quân dữ. Cha cũng nói sẽ kêu cầu Bề Trên và chính quyền cứu giúp!

Lại nhớ thêm mười lăm năm trước, đoàn nhà báo về Bùi Chu vinh hạnh được Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm cho hầu chuyện. Lại được ngài đích thân giới thiệu cho gặp linh mục Phạm Ngọc Oanh là cha giám đốc Cô nhi viện Thánh An ngay cạnh nhà thờ Bùi Chu có nhiều công quả trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi, tật nguyền. Được ngồi chuyện với đức cha giám đốc quả là một cái thú. Biết thêm Cô nhi viện đây được lập năm 1852 theo sáng kiến của cha cố người Tây Ban Nha Diaz Sanjujo An Diaz - thuở ấy có tên nhà Dục anh Bùi Chu. Lại nghe thêm chuyện đức cha khác cũng người Tây Ban Nha tên là Wenceslao Onate Thuận, năm 1884 đã trải bao nhọc nhằn thương khó cùng giáo dân dựng nên ngôi Thánh đường Bùi Chu nhớn nhao đẹp đẽ dường này!

Quanh chuyện hạ giải và giải… cứu nhà thờ Bùi Chu

Công luận đang xôn xao trước quyết định sẽ hạ giải để xây dựng lại nhà thờ Bùi Chu vào ngày 13 tháng 5 tới đây! Lẩn thẩn nghĩ thêm, phàm việc hạ giải, đa phần là việc mừng chứ sao lại phải lăn tăn? Cái từ giải hàm nghĩa cởi (áo), giải phóng, giải toả… Hạ giải nhà, chùa, đền, nhà thờ… là tháo dỡ xuống để xây mới trên nền cũ nên là việc vui chứ? Ngành kiến trúc, văn hóa có cụm từ hạ giải chỉ hoạt động tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích nhằm mục đích tu bổ di tích hoặc di chuyển cấu kiện đến một nơi khác để lắp dựng lại mà vẫn giữ gìn tối đa sự nguyên vẹn các cấu kiện đó.

Vậy nên rất nhiều ý kiến đang lo, đang ngại ngôi nhà thờ Bùi Chu chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m xây cất cách nay 134 năm đương hội đủ dung chứa bao yếu tố quý giá. Về lịch sử giáo hội, về kiến trúc mỹ thuật độc đáo vv… Lần ấy, sang một cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, tôi đụng một nhóm họa sĩ đương làm cái việc xin công văn về giáo phận Bùi Chu, cụ thể là được vào nhà thờ Bùi Chu. Chỗ quen biết hỏi thêm, được biết họ xin được đến đó để quay chụp và chép lại tượng Đức Mẹ cho con bú. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng tía, võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng ngay tại gian giữa của Thánh đường Bùi Chu. Đức Mẹ được Việt hóa với áo dài hồng nhung kim tuyến, quần trắng sa tanh, chân đi hài, mái tóc đen óng ánh. Họ nói rằng đó là một bức tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam đậm đà cốt cách dân tộc.

Bùi Chu, tài sản quý báu không những của giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam mà của dân tộc này. Liệu sau việc giải hạ xây mới liệu có còn giữ được trạng thái như ban đầu? Rằng nhà thờ Bùi Chu như là lát cắt để soi chiếu lịch sử, đời sống tinh thần công giáo Việt Nam. Di sản nhà thờ Bùi Chu là vừa sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Rằng việc đại tu nhưng thực chất là đập bỏ công trình cũ xây công trình mới và không có gì đảm bảo rằng công trình sẽ đặc sắc hơn? Gay gắt hơn, nhiều ý kiến còn cho rằng "hành động làm mới một di tích nhà thờ Bùi Chu là hành động phá hoại di sản Việt"?! "Bùi Chu chỉ có ý nghĩa khi còn giữ đúng nguyên trạng mà lịch sử đã tạo tác và khẳng định như hôm nay".

Trên diễn đàn của nhiều tờ báo và các trang mạng đang dẫn lại những mất mát hụt hẫng thời điểm tháng 3 năm 2017, nhà thờ Trà Cổ ở Móng Cái cổ kính từng hội đủ giá trị lịch sử thẩm mỹ bị đập bỏ để xây mới. Rồi mới nhất, tác phẩm Vườn Xuân Trung Nam Bắc nổi tiếng của Nguyễn Gia Trí được coi là báu vật quốc gia; đùng cái, đã xuống cấp biến dạng thảm hại qua cái việc được gọi là tôn tạo, phục chế như thế nào? vv… và vv…

Tôi lần theo địa chỉ của mấy nhà chức việc thành Nam bấm máy hy vọng nối được một cuộc gặp. Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chất giọng vui vẻ nhưng nhỏ nhẹ thông báo ngay là ông đương sắp chủ trì một cuộc họp trọng! Trọng? Đến xứ đạo gần như là toàn tòng này cần phải hiểu sắc thái của chữ trọng. Biểu đạt đầy đủ nhất là cụm từ lễ trọng bên giáo. Na ná cái tầm tương tự như giỗ trọng của bên lương. Đã nói là họp trọng thì mình khó mà có cơ hội gặp? Ông Chủ tịch hào phóng giới thiệu nên gặp ông Giám đốc Sở xây dựng. Dò tìm được số máy của ông GĐ Vũ Văn Hưng. Gọi 5 lần máy nhưng không có người nghe. Thì bấm cho ông Chủ tịch huyện Xuân Trường Đặng Ngọc Cường vậy. Ông Cường nghe máy nhưng nói đang bận họp. Tôi xin một phút hối hả rằng, UBND huyện có biết việc hạ giải này? Và đã có ý kiến như thế nào? Ông nói luôn, nội dung này không thể trao đổi trên điện thoại được…

Thấy vẻ thất vọng của tôi, một đồng nghiệp giải tỏa ngay bằng việc chia sẻ nội dung trao đổi hôm kia giữa anh với ông chủ tịch huyện. Rằng việc xây dựng nhà thờ mới đã được các cha xứ xin cấp phép xây dựng từ năm 2016 rồi!  Nhưng không biết vì lý do gì có lẽ chưa chuẩn bị kịp nên năm 2018 lại xin gia hạn và đã được Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đồng ý.

May, tôi được anh bạn cho ngó qua một văn bản. Đó là tờ Giấy phép xây dựng.

Nam Định ngày 29-12-2016

Giấy phép xây dựng số 128/ GPXD Cấp cho Tòa giám mục Bùi Chu. Người đại diện Linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang. Chức vụ Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu, địa chỉ xã Xuân Ngọc huyện Xuân Trường Nam Định. Được phép xây dựng công trình nhà thờ Bùi Chu theo thiết kế xin phép xây dựng.

Vị trí xây dựng trên vị trí mặt bằng móng nhà thờ cũ tại thửa đất số 110 từ bản đồ số 09 bản đồ xã Xuân Ngọc lập năm 1999. Diện tích 9400m2.

Diện tích sàn 1396m2 chiều cao mái nhà thờ 13,8m chiều cao 2 tháp chuông 29,75m (tính từ nền sân khuôn viên nhà thờ) vv…

Trong giấy phép quy định cụ thể rõ ràng như chủ đầu tư phải thực hiện về thời hạn giấy phép có hiệu lực trong 12 tháng kể từ ngày cấp phép. Ngoài ra chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai. Việc xây dựng không ảnh hưởng đến các hộ liền kề.

Tôi chú ý đến chi tiết trong câu chuyện, anh bạn đồng nghiệp có phản ánh lại ý kiến của các kiến trúc sư đánh giá nhà thờ Bùi Chu đang còn tốt, cần được bảo vệ…. Ông Đặng Ngọc Cường rành rẽ ngay rằng, nếu các cơ quan có thẩm quyền xác định có thể bảo tồn giữ lại thì phải có văn bản. "Nếu xác định đó là di sản, là di tích lịch sử hay là cái gì thì cơ quan có thẩm quyền công nhận thì mình mới có thể quản lý nó theo quy định được chứ".

Vênh nhau? Hay ván đã đóng thuyền?

 Cũng lạ cho xứ mình nhiều sự nước đến chân thì mới nhẩy? Một văn bản do Tòa Giám mục Bùi Chu phát rộng khắp hôm 11/3/2019 do Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu ký có nội dung "Về việc trợ giúp đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu". Xin trích: "Trải qua hơn 130 năm, do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, nhất là chống chọi với những cơn bão, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thờ đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái bị rớt xuống, ảnh hưởng không chỉ tới việc thờ phượng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của giáo dân."

"Để bảo vệ di sản quý giá, chúng tôi đoàn thuận theo đề nghị của đa số giáo dân, đã quyết định đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu..."

Không thấy có ý kiến phản hồi gì trên các phương tiện thông tin đại chúng sau thông báo?

Rồi nữa một lễ trọng của giáo phận Bùi Chu là lễ truyền dầu cũng diễn ra sau đó ít ngày. Cũng thông báo từ Tòa giám mục với nội dung.

… Nhiều anh chị em giáo dân vẫn thắc mắc sao các năm trước thánh lễ Truyền dầu được tổ chức ở các giáo xứ thuộc các giáo hạt khác nhau để tiện cho anh chị em tín hữu tham dự đông đảo và nhất là giáo xứ đăng cai có cơ hội phục vụ giáo phận, nhưng năm nay lại tổ chức tại nhà thờ Chính Toà Bùi Chu? Thưa, việc gì cũng có lý do của nó. Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ Chính Toà sẽ được hạ giải vào ngày 13.05.2019. Do đó, có thể nói đây là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ Chính Toà cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm.

Cũng chưa thấy ý kiến gì?

Nhưng trong hai ngày 29 và 30-4 một nhóm KTS và các nhà bảo tồn hơn 20 vị đã bỏ ra hai ngày nghỉ cất công về nhà thờ Bùi Chu để nghiên cứu, khảo sát. Sau chuyến đi họ đã ký tên vào "đơn đề nghị cứu xét" gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, kiến nghị tạm dừng phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng Di sản quốc gia.

Trong đơn, các KTS cho biết sau 2 ngày khảo sát, có thể nhận thấy công trình nhà thờ Bùi Chu chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc. Kết cấu khung chịu lực còn tốt, bảo đảm khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm. Tường ngoài nhà rêu mốc vì lâu năm không được tu sửa, việc này khắc phục đơn giản.

Qua khảo sát và đọc bản vẽ xây dựng mới, các KTS này cho rằng việc đập bỏ để xây dựng công trình mới với hình thức và quy mô khác lạ nhà thờ hiện có. Khung gỗ và bước cột hoàn toàn khác với hiện trạng công trình. Đồng thời, các cột gỗ hoàn toàn được làm mới và đã được thi công ngay bên cạnh công trình. Tại công trường và theo bản vẽ thiết kế mới mà nhóm có được, công trình đang được thực hiện xây mới.

Tạm kết luận sơ bộ về hiện trạng Di sản:

Không có dấu hiệu cho thấy công trình xuống cấp nghiêm trọng và không có khả năng chịu lực như thông tin mà Tòa Giám Mục đưa ra.

Công trình có kiến trúc rất đẹp, hoàn toàn có khả năng sửa chữa, trùng tu. Nhóm nghiên cứu hiện trạng đề nghị cho dừng ý định hạ giải công trình để đợi các chuyên gia di sản xem xét.

"Mặc dù không hiểu vì sao nhà thờ Bùi Chu chưa được công nhận là di sản quốc gia, nhưng theo tinh thần Công ước quốc tế về bảo vệ di sản mà Việt Nam là thành viên, theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, chỉnh sửa năm 2009 và các nghị định thông tư hướng dẫn, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng việc phá dỡ di sản chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng Di sản quốc gia, xem xét đưa công trình vào diện cần phải bảo tồn tôn tạo theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam".

Chiều tối ngày 3 tháng 5, thông tin từ Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu - LM Giuse Nguyễn Đức Giang đã xuất hiện trên báo chí. Vị Tổng đại diện giáo phận Bùi Chu mà giấy phép xây dựng từng ghi rõ đã khẳng định rằng đại tu nhà thờ là cần thiết phù hợp với nguyện vọng của giáo dân!

Rằng nhà thờ đã mời các đơn vị chuyên môn, đại diện cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá hiện trạng làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và được cấp phép xây dựng từ năm 2016.

Do chưa đủ nguồn vật liệu gỗ phục vụ thi công nên đến tháng 10-2018 công trình này mới chính thức được khởi công hạng mục về mộc; dự kiến ngày 13-5-2019 sẽ tiến hành làm các hạng mục khác theo kế hoạch. Thời gian đại tu nhà thờ trong khoảng 4 - 5 năm.

Vị Tổng đại diện cho biết thêm, theo hồ sơ thiết kế, ngoài việc sử dụng các vật liệu xây dựng kiên cố đảm bảo chất lượng công trình và có một số thay đổi nhỏ, còn lại nhà thờ chính tòa Bùi Chu sau khi được đại tu về cơ bản vẫn giữ quy mô, kiến trúc, hoa văn như nhà thờ cũ.

Nhân nói về Di sản, buồn thay, cho đến thời điểm này chỉ có Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, Nhà thờ Đức Bà ở TP.Hồ Chí Minh, nhà thờ Lớn và Nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội được xếp hạng và được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa.

Liệu đến thời điểm này mọi sự đã muộn?

Liệu những thông tin từ vị Tổng đại diện Bùi Chu nói trên có dịu đi những thắc mắc băn khoăn và cả những sửng sốt này khác? 

Trước khi về Bùi Chu, tôi có hỏi ông Phạm Quang Nghị nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa rằng tại sao trước đây, ngoài 4 nhà thờ được xếp hạng Di sản ta không làm sớm cái việc công nhận xếp hạng công trình kiến trúc tôn giáo trong đó có nhà thờ Bùi Chu chẳng hạn? Ông cựu Bộ trưởng cho hay có nhiều nguyên nhân nhưng điều kiện tiên quyết phải có sự ủng hộ cộng tác nhiệt thành của giáo hội công giáo! Tôi cũng trao đổi thêm với ông về lá đơn của nhóm KTS và chuyên gia bảo tồn gửi Thủ tướng tạm dừng việc tháo dỡ di sản nhà thờ Bùi Chu… Ông vắn tắt, lẽ ra phải sớm hơn có ngay động thái là Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định cùng Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh đồng kính gửi giáo hội công giáo...

Có lẽ Đạo với Đời phải cấp bách làm cái gì đó tất thảy nhằm đến cái đích nhân văn là không chỉ giải cứu được nhà thờ Bùi Chu mà còn cứu được các Di sản tôn giáo quý giá khác hiện đang xập xệ già nua ốm yếu ở miền Bắc Việt Nam?

Làm sao để đạt đạo theo tinh thần Hiến chế về Phụng Vụ thánh số 124 đã từng rành rẽ.

“Giáo Hội đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc… những kiểu nghệ thuật này, trải qua các thế kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần phải hết sức duy trì cẩn thận”.

Hiếm hoi một Bùi Chu ảnh 1 Nhiều phần trang trí đã cũ
Hiếm hoi một Bùi Chu ảnh 2 Tường nhiều chỗ bong tróc
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.