Hiểm nguy trên cây cầu trăm tuổi

Nhân viên đường sắt gia cố lại đường ray sau sự cố đâm va cầu Bình Lợi. Ảnh: Huy Thịnh
Nhân viên đường sắt gia cố lại đường ray sau sự cố đâm va cầu Bình Lợi. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Đang đi, cây cầu bất ngờ chao đảo như bị động đất. Nhiều người vứt xe bỏ chạy, tiếng gọi nhau í ới. Toàn bộ khu vực bị phong tỏa. Khung cảnh vô cùng ngổn ngang, đáng sợ…

Chị Hà (37 tuổi) bán nước giải khát dưới chân cầu sắt Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TPHCM nhớ lại khoảnh khắc hãi hùng xảy ra vào trưa 3/6, khi chiếc sà lan 500 tấn số hiệu ST3619H chở bùn đâm va và mắc kẹt dưới gầm cầu sắt Bình Lợi.

Thừa nguy hiểm   

Sáng 12/6, gần 10 ngày sau sự cố đâm va, hai nhân viên tuần tra thuộc cung cầu đường sắt Bình Lợi vẫn đang kiểm tra sự ổn định của các thanh ray. Những chiếc bù loong bị lỏng được siết chặt để đảm bảo sự thông suốt cho tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Cầu đường sắt Bình Lợi được xây dựng từ năm 1902, có chiều dài khoảng 800m, rộng 8m dành cho tàu hỏa và xe gắn máy lưu thông. Phía làn đường dành cho xe máy, mặt cầu đầy lỗ thủng, được vá nham nhở bằng những miếng thép lồi lõm, các phương tiện lưu thông qua lại rất khó khăn. Dầm cầu bằng sắt đoạn thông thuyền có nhiều vị trí méo mó, biến dạng sau những lần va chạm với tàu thuyền qua lại trên sông Sài Gòn.

Chị Hà kể: Tôi đi lấy nước đá về bán. Đang chạy xe thì cây cầu bất ngờ chao đảo như bị động đất. Có tiếng la hét báo cầu bị sà lan đâm. Nhiều người vứt xe bỏ chạy. Sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông phong toả toàn bộ khu vực.

Ông Lê Phương Nam, trưởng Cung cầu đường sắt Bình Lợi cho biết: Chỉ trong bốn ngày đã xảy ra hai vụ đâm va. Sà lan đâm va mạnh vào cầu sẽ làm các thanh ray chuyển vị. Cũng may phương tiện đã giảm tốc độ khi qua cầu và lực lượng cứu hộ đã giải cứu kịp thời, nếu không, khi triều cường dâng cao, chiếc sà lan có thể sẽ làm
sập cầu.

“Trưa 3/6, chuyến tàu Thống Nhất TN2 đi Hà Nội đã rời ga Sài Gòn, chỉ còn cách cầu Bình Lợi vài kilomet. Chúng tôi đã báo động khẩn cấp cho phòng điều độ dừng tàu kịp thời tại ga Gò Vấp, nếu không, chưa biết chuyện gì đã xảy ra” - ông Nam nhớ lại.

Đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa TPHCM cho biết, hiện nay, độ tĩnh không thông thuyền của cầu khi nước ròng là 3,5 - 3,7m. Lúc triều cường đạt đỉnh gầm cầu chỉ cách mặt nước 1,5m -1,7 m nên hầu như các phương tiện giao thông đường thủy đều không qua được.

Ông Nguyễn Văn Hùng, thuyền trưởng tàu kéo sà lan SG 073… chở cát từ Tiền Giang về Bình Dương cho biết cầu đường sắt Bình Lợi là nỗi ám ảnh của nhiều tài công.      

“Chỉ cần chậm vài phút, thủy triều lên cao thì phải neo lại khoảng 6 tiếng, chờ đến khi nước rút mới qua được. Tình trạng ùn tắc trên sông Sài Gòn xảy ra thường xuyên”- ông Hùng nói.

Thiếu cảnh báo

Đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa TPHCM, cho biết cầu Bình Lợi đã bị sà lan, tàu thuyền đâm va hàng chục lần. Nghiêm trọng nhất là vào năm 2009, một sà lan 500 tấn mắc kẹt nhiều giờ đã đội cầu, làm đường ray xe lửa bị nâng cao hơn 20cm khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn.

Việc điều tiết giao thông thủy hiện chỉ do nhân viên Khu Quản lý đường thủy nội địa phụ trách. Cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra giao thông - những lực lượng có thẩm quyền xử phạt chỉ có mặt khi sự cố đâm va đã xảy ra.

Các nhân viên điều tiết có nhiệm vụ hướng dẫn, cảnh báo, còn chấp hành hay không phụ thuộc vào ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông thủy. Điển hình là hai vụ đâm va cầu gần đây nhất (ngày 29/5 và 3/6), nhân viên điều tiết đã yêu cầu người điều khiển phương tiện neo đậu lại chờ nước rút nhưng họ không chấp hành.

Ông Lê Phương Nam cho biết, khi đêm xuống, đoạn sông Sài Gòn tại khu vực cầu Bình Lợi không đủ ánh sáng nên nguy cơ tàu thuyền đâm va vào cầu rất cao. Ngoài ra, cầu chỉ lắp biển báo độ tĩnh không 1,5 m, thiếu bảng thông tin về mức nước cầu Bình Lợi để từ đó cho phép hoặc không cho phép tàu thuyền lưu thông qua cầu.

“Cần lắp thêm đèn chiếu sáng và sơn phản quang dưới dạ cầu Bình Lợi để các phương tiện nhận biết khi lưu thông vào ban đêm. Ngoài ra, các ngành chức năng cần có quy định các phương tiện thủy trước khi lưu thông qua cầu Bình Lợi buộc phải chấp hành sự hướng dẫn của lực lượng điều tiết”- ông Nam đề nghị.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan tính toán thời gian triều cường lên xuống để quy định phân luồng lưu thông qua cầu. Trường hợp nào không chấp hành, cố tình chạy ẩu thì xử phạt nghiêm. 

Theo Phòng Quản lý giao thông thủy (Sở GTVT), ngoài cầu Bình Lợi, TPHCM hiện có khoảng 30 cầu yếu, được xây dựng từ thế kỷ trước, không đạt độ tĩnh không quy định như cầu Bà Hom, Phước Long, Rạch Tra, Ông Dầu, Xây Dựng, Thị Nghè, Tư Dinh, Đa Khoa, Rạch Đỉa 1, Phước Lộc, Rạch Tôm... 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.