Hiệp hội Lương thực “thiếu dân chủ”

Hiệp hội Lương thực “thiếu dân chủ”
TP - Vụ 53.500 tấn gạo chưa được xuất khẩu ở Kiên Giang đang như giọt nước tràn ly. Cách điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLTVN), nơi mà việc điều hành bị cho là thiếu minh bạch, độc đoán và cục bộ.
Hiệp hội Lương thực “thiếu dân chủ” ảnh 1
Nhiều tàu nằm chờ gạo ở cảng Mỹ Thới (An Giang)

Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng giám đốc Cty Du lịch – Thương mại Kiên Giang, thành viên HĐQT HHLTVN nói: “Vụ giải quyết 53.500 tấn gạo của chúng tôi vừa qua là điển hình cho sự độc quyền, mất dân chủ, tùy tiện ở Hiệp hội Lương thực.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 16/4, Hiệp hội báo cho chúng tôi được xuất 10.000 tấn, buổi chiều cùng ngày lại cho xuất thêm 43.500 tấn còn lại nhưng phải giao hàng tại cảng ở TP HCM và ủy thác cho đơn vị khác 30 phần trăm của 53.000 tấn gạo.

Chiều tối 20/4 lại có văn bản đồng ý cho xuất hết 53.500 tấn mà không qui định bắt buộc xuống hàng ở bến cảng nào, nhưng vẫn phải ủy thác 13.000 tấn cho bảy đơn vị, trong đó, có năm đơn vị thuộc TCty Lương thực Miền Nam”.

Ông Linh nói thêm: “Hầu như các hoạt động điều hành của Hiệp hội đều do ông Chủ tịch Hiệp hội tự quyết, chúng tôi không được biết. Giá sàn Hiệp hội muốn đưa lên đưa xuống như thế nào thì đưa, việc phân bổ ủy thác cũng tùy thích, không dựa vào một tiêu chí nào.

Đáng lưu ý, giá của Hiệp hội đưa ra thường cao hơn giá thị trường bên ngoài vài chục USD/tấn. Đã có thời điểm Hiệp hội đột ngột hạ giá sàn để cho TCty lương thực Miền Nam ký hợp đồng với đối tác, và ngay sau khi ký hợp đồng xong lại điều chỉnh giá lên.

Thị trường xuất gạo qua Philippines lãi cao thì Hiệp hội ưu ái cho TCty lương thực Miền Nam và những đơn vị thân quen. Trong khi thị trường Malaysia do chính ông TGĐ TCty Lương thực Miền Nam đi ký với đối tác, giá thấp, xuất không hiệu quả lại đẩy cho các đơn vị khác”.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL phản ánh, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam qua Philippines năm 2008 chủ yếu được thực hiện theo nghị định của hai chính phủ, và các Cty xuất khẩu gạo Việt Nam được cử đại diện tham dự thầu.

Các Cty sau khi trúng thầu có nghĩa vụ chia số lượng xuất khẩu lại cho các đơn vị khác. Đáng lưu ý, việc phân chia này lại do ông Chủ tịch HHLTVN tự quyết mà không thông qua HĐQT. Điều này lý giải vì sao TCty Lương thực Miền Nam được xuất khẩu gạo qua thị trường Philippines số lượng lớn.

Hiệp hội vì một TCty 

Nhiều người đặt vấn đề: Hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo vừa qua phải chăng để đẩy giá lúa xuống nhằm giúp các đơn vị của TCty Lương thực Miền Nam mua lúa giá rẻ? Và, 3,6 triệu tấn gạo đã đăng ký xuất khẩu vì sao Hiệp hội không công khai cụ thể, ngay cả thành viên trong HĐQT Hiệp hội cũng không biết.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, công tác hậu cần xuất khẩu như mua bao bì, thuê tàu vận chuyển, giám định… đều do Hiệp hội chỉ định. Trong khi đó, một doanh nghiệp bao bì phản ánh: “Để được làm bao bì cũng phải “biết điều” với Hiệp hội, khi thanh toán phải ghi giá chênh lệch cao hơn nhiều so với thực tế sản xuất”.

Ông Lê Văn Nguyên, giám đốc Cty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang bức xúc: “Cty chúng tôi đủ điều kiện để trở thành hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (xuất khẩu đạt 10.000 tấn trở lên và thời gian hoạt động trên một năm), hồ sơ đã nộp cho Hiệp hội từ lâu nhưng vẫn chưa được xem xét.

Do đó không được hưởng các quyền lợi như hội viên chính thức, như các chỉ tiêu xuất qua Philippines. Ngược lại, những hợp đồng thương mại do chúng tôi ký với đối tác lại bị quản lý bởi giá cả của Hiệp hội”.

Việc thanh toán tiền thực hiện hợp đồng, Hiệp hội cũng gây khó cho doanh nghiệp. Cty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang hợp đồng xuất 10.000 tấn gạo, Hiệp hội yêu cầu phải xuất trình L/C (thanh toán tín dụng thư).

Quá trình thực hiện, 5.000 tấn khách hàng thanh toán bằng L/C, 5.000 tấn họ đề nghị chuyển qua đi bằng container để khoản vay vốn thấp hơn do tình hình tài chính của họ đang khó khăn, nhưng Hiệp hội lại không đồng ý.

Những quy định, đòi hỏi như trên khiến HHLTVN đáng lẽ là tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì đang ngược lại, nhất là với những doanh nghiệp ở ngoài TCty Lương thực Miền Nam.

Một số doanh nghiệp than thở là không định hướng được hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, đang làm ăn thuận lợi với khách hàng thì Hiệp hội có văn bản ngưng, không cho đăng ký, doanh nghiệp không biết đường nào xoay xở.

Ông Lê Văn Nguyên, GĐ Cty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang, kiến nghị: “Hiệp hội phải là tổ chức ngành nghề đúng nghĩa. Chủ tịch Hiệp hội không kiêm chức Tổng Giám đốc TCty Lương thực Miền Nam”.

Ông Danh Út, Đại biểu Quốc hội Tỉnh Kiên Giang: “Tôi chưa nói đến vấn đề tiêu cực, HHLTVN tham gia quản lý nhà nước là không được”.

Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Kiên Giang: “Hiện nay các bộ, ngành và Hiệp hội Lương thực không họp bàn và cũng không giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tỉnh là bao nhiêu. Do đó, địa phương hoàn toàn không nắm được số lượng mình được xuất”.

Ông Nguyễn Văn Bấu, PGĐ Sở Công Thương Tỉnh Kiên Giang: “Kiên Giang đứng thứ hai toàn quốc về sản lượng lúa (3,4 triệu tấn) nhưng Hiệp hội Lương thực luôn khống chế xuất khẩu”.  

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.