“Hiệp sĩ” gác đường tàu

“Hiệp sĩ” gác đường tàu
Chợt có tiếng còi tuýt vang inh ỏi, sau đó là tiếng hét: “Xích vào lề đường! Có thấy thằng E đang chạy qua không mà đứng xớ rớ ở đó!”. Tôi giật mình nhìn lại. Một người đàn ông gầy gò, cổ lủng lẳng chiếc còi cũ kỹ, tay cầm cờ đón tàu bằng tín hiệu an toàn.
“Hiệp sĩ” gác đường tàu ảnh 1
“Hiệp sĩ” gác đường tàu

Trông ông vừa hùng dũng lại vừa... buồn cười. Sau lưng ông, một dãy dài người chờ tàu qua.

Hơn 15 năm nay, người dân sống xung quanh khu vực ga An Hòa, xã Hương Sơ, thành phố Huế đã quen với hình ảnh người đàn ông ấy: đen thui, ốm nhách, hò hét, thổi còi toét toét cầm cờ đứng chắn đường ray mỗi khi có chuyến tàu qua. Người ta gọi ông là Sỹ “khùng” hay “hiệp sĩ gác chắn”. Tên ông là Nguyễn Văn Sỹ, 43 tuổi...

Trông Sỹ “khùng” như bơi trong bộ áo quần rộng thùng thình. Trò chuyện với người đàn ông có di chứng thần kinh này, chúng tôi ngạc nhiên bởi trí nhớ tuyệt vời về lịch trình các chuyến tàu chạy qua đây trong ngày...  Bà Tám - mẹ Sỹ, than thở: “Khổ lắm! Từ nhỏ nó đã ốm yếu bệnh tật. Nhà tôi vừa nghèo vừa đông con, không có tiền chữa chạy cho nó.

Mỗi lần nhìn con lên cơn động kinh co quắp dưới nền nhà, lòng tôi cứ như đang xát muối. Vậy mà ngày nào nó cũng ra gác tàu. Vừa rồi đau một trận thập tử nhất sinh, nằm ở phòng hồi sức cấp cứu, rứa mà hắn vẫn biểu tui cầm còi, cầm cờ vô cho hắn không thôi hắn không chịu ăn”.

Bây giờ tuy đã gần 70 tuổi, bà vẫn phải đi lên tận Lao Bảo (Quảng Trị) bán cơm thuê cho người ta kiếm tiền. Sỹ  thương mẹ nên cứ nửa tháng một lần lại lên trạm xá xã lấy thuốc thần kinh về uống. Hằng ngày với xấp vé số, Sỹ tự mình kiếm tiền phụ giúp mấy đứa em trong nhà. Bà con chòm xóm người nào cũng thương quí Sỹ. Sỹ nói: “Ngày mô cũng phải lo uống thuốc. Không uống là lại lên cơn, không ra gác tàu được”.

Rồi Sỹ nhớ lại mười mấy năm trước, một lần đi bán vé số về tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn thương tâm. Nạn nhân là một đứa trẻ chừng lên tám, lên chín ham chạy chơi, người lớn không ai để ý bị tàu cán. Cái chết của đứa bé ám ảnh ông bao nhiêu đêm. “Tui không muốn có thêm đứa trẻ nào của làng mình chết như vậy nữa nên tui đi gác tàu cho bà con”.

Sỹ “khùng” đem bộ đồ nghề của mình ra khoe với chúng tôi: “Chiếc áo phản quang này là do anh em công nhân đường tàu cho tui. Họ bảo tui phải mặc cái này vào thì nói bà con mới nghe. Còn cái cờ vàng ni là tui mua vải về may. Cái băng đỏ này cũng của anh em công nhân cho tui. Riêng cái còi này tui mua ở chợ Tây Lộc. Năm nghìn một cái chứ mấy! Từ trước tới giờ hàng chục cái rồi”.

Tuy đi bán nhưng Sỹ chẳng đi đâu xa, cốt là mỗi lần chuẩn bị có tàu qua lại có thể xăng xái ngăn cản những kẻ liều lĩnh băng qua đường trong khi đoàn tàu đang sầm sập lao tới. Ông Lê Đức Phổ, một người trong thôn, cho biết: “Ở đây có cơ sở 2 của Trường tiểu học Hương Sơ nên tụi tui cứ lo bọn học sinh ham chơi. Chừ thì mọi người quen rồi, cũng biết ơn ông khùng lắm!”.

Cung cầu An Hòa là giao điểm của thôn An Hòa với quốc lộ A nhưng không có thanh chắn. Sau nhiều vụ tai nạn thương tâm, người trong thôn đã làm một thanh chắn bằng tre, về sau phải dỡ bỏ vì quá vướng víu và không có người canh giữ...

MỚI - NÓNG