Hiệp sĩ không phải là phép màu

Hiệp sĩ không phải là phép màu
Ngay khi hai từ hiệp sĩ được giới truyền thông đặt tên cho những thanh niên dũng cảm giúp dân bắt cướp đầu tiên, rồi câu lạc bộ phòng chống tội phạm tập hợp các hiệp sĩ ra đời tại Bình Dương và, các địa phương tổ chức học tập, nhân rộng mô hình này, đã có không ít ý kiến băn khoăn về cách tiếp cận hiện tượng này.

> 'Hiệp sĩ' Bình Dương lại bắt được trộm
> 10 “hiệp sĩ” Bình Dương đã sai?

Anh Nguyễn Hoàng Thiên, thành viên câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương) trong một lần truy bắt tội phạm đã bị đâm trọng thương. Ảnh: nguyenhoangthien
Anh Nguyễn Hoàng Thiên, thành viên câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương) trong một lần truy bắt tội phạm đã bị đâm trọng thương. Ảnh: nguyenhoangthien.

Trong một xã hội đang ngày càng trở nên vô cảm và ai cũng đề phòng sợ hãi trước tội phạm như hiện nay, những hành động nghĩa hiệp kia hiển nhiên khiến nạn nhân và dư luận cảm kích.

Nhưng, hiệp sĩ, anh là ai? Ngoài lòng dũng cảm, hiệp sĩ không được trang bị kỹ năng, phương tiện chống tội phạm cũng như sự hiểu biết luật pháp. Hiệp sĩ không nhận thức đầy đủ về giới hạn về quyền hành động của mình và quan trọng nhất, anh không có chức năng, nhiệm vụ bắt cướp, hay nói rộng ra là chống tội phạm như lực lượng công an.

Phong trào toàn dân phòng – chống tội phạm chỉ nên giới hạn ở cách hiểu phòng để chống chứ không phải là phòng và chống. Nếu vì lý do nào đó mà tội phạm phát triển thì ngoài việc truy tìm căn nguyên xã hội của nó để can thiệp, thì giải pháp phải tính đến đầu tiên là nâng cao năng lực của ngành công an, bởi theo phân công xã hội, đó là nhiệm vụ của lực lượng này.

Xem phim ảnh nước ngoài, ta hình dung người dân của họ được khuyên khi gặp cướp không nên chống cự, dù đang trong vai nạn nhân hay người ngoài. Trong trường hợp ấy, người dân chỉ nên ghi nhớ đặc điểm giúp truy tìm bọn cướp để trình báo lực lượng chức năng.

Tối hôm kia, đài truyền hình của ta đã phải phát một phóng sự mang tính nói lại cho rõ nhân sự kiện một chuyên gia trong lĩnh vực xã hội đã thực hiện và phổ biến clip hướng dẫn người dân cách ứng phó với tội phạm, trong đó có tình huống bị cướp dí dao từ sau lưng khi đang ngồi trên xe máy.

Một anh công an cũng được truyền hình phỏng vấn. Nội dung quan trọng nhất lẽ ra không nên xoáy vào tính đúng đắn của các lời tư vấn cần chống lại việc bị dí dao như thế nào mà nên thông điệp, hãy đừng làm gì để dẫn đến tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ của mình, vì đã có công an, công an sẽ lo.

Hiệp sĩ có thể dũng cảm, tài trí hơn dân nhưng chắc chắn không phải là công an. Nói một cách biểu cảm, Hiệp sĩ của dân đáng ra phải là công an.

Phong trào toàn dân phòng chống tội phạm chỉ nên giới hạn ở cách hiểu phòng để chống chứ không phải là phòng và chống. Nếu vì lý do nào đó mà tội phạm phát triển thì ngoài việc truy tìm căn nguyên xã hội của nó để can thiệp thì giải pháp phải tính đến đầu tiên là nâng cao năng lực của ngành công an.

Hiệp sĩ có nguy cơ phải mất mạng, thương tật trong khi “bắt cướp”, “bắt trộm”, bắt tội phạm liên quan đến “ma tuý”… như các dòng tít đăng đều trên các báo thời gian qua. Hiệp sĩ cũng có nguy cơ bị trả thù.

Và, thật đau lòng, những nguy cơ này đã thành hiện thực. Khi hình ảnh của các hiệp sĩ nằm trên giường bệnh viện được phát đi, cả nước thương xót, nể phục, chia sẻ nhưng cuối cùng thì vết thương vẫn còn đó trên cơ thể họ. Cho dù họ có vượt qua được thì nó cũng là bằng chứng tồn tại của nỗi đau.

Và cũng có khả năng trong lúc nhân danh lòng nghĩa hiệp để hành động, hiệp sĩ lại vượt quá giới hạn cho phép gây những hậu quả đáng tiếc. Thử đặt tình huống khi bắt cướp họ làm tên cướp chết thì thế nào?Chưa và sẽ khó có luật pháp nào điều chỉnh việc này. Rủi ro ở phía trước họ thật lớn.

Mới đây, công an quận 12 đã triệu tập mười hiệp sĩ ở Bình Dương để làm rõ chuyện họ bị tố cáo là đã tham gia vào việc cưỡng đoạt tài sản. Theo các hiệp sĩ này, kẻ bị cho là cưỡng đoạt tự xưng là mình bị tống tiền, và họ đã ra tay giúp đỡ.

Còn quá sớm để kết luận về động cơ và gọi tên hành vi của các hiệp sĩ, nhưng chính việc trong tình huống như vậy các hiệp sĩ đã không báo công an mà tự mình can thiệp đã cho thấy lỗ hổng lớn trong nhận thức về vai trò, sứ mạng và phương cách thực hiện nó của chính họ.

Thật khó để bịt lỗ hổng này, cho nên tốt nhất là không để cho nhận thức đó tồn tại. Ngay cả trong lực lượng công an, những người được phép nhân danh quyền lực công, được dạy về giới hạn của quyền lực đó, cũng không ít lần vượt qua ranh giới, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Lê Nguyên
Sài Gòn tiếp thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.