Hiệu quả hoạt động của ngư dân là quyết định

Do kỹ thuật khai thác và bảo quản kém, tổn thất giá trị của CNĐD Việt Nam là từ 30-70%
Do kỹ thuật khai thác và bảo quản kém, tổn thất giá trị của CNĐD Việt Nam là từ 30-70%
TP - Cần nhận thức sâu sắc bài học từ các chương trình đánh bắt xa bờ trước đây: Trách nhiệm phải rõ ràng, giải pháp phải đồng bộ, hiệu quả hoạt động của ngư dân trên biển là quyết định. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu, tại hội nghị tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

Thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị

Nghề khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) tập trung ở 3 tỉnh miền Trung, là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to năm 2013 đạt 15.942 tấn. Tổn thất về giá trị cá ngừ trong nghề câu vàng từ 30 - 40%, trong nghề câu tay từ 60 - 70%. 

Bộ NN&PTNT nhận định, nguồn lợi CNĐD ở Việt Nam, còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ CNĐD trên thế giới còn rất lớn, còn nhiều cơ hội để sản phẩm CNĐD của Việt Nam mở rộng thị phần. Tuy nhiên, nghề khai thác CNĐD Việt Nam lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp, việc tổ chức các khâu trong khai thác, thu mua chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. 

Tại hội nghị được tổ chức tại Khánh Hòa ngày 4/7, Bộ NN&PTNT đã trình bày Đề án tổ chức thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. 

Theo đó, đến năm 2020 sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to là 19.000 tấn/năm, sản lượng cá ngừ vằn đạt 70.000 tấn/năm, giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%. Đội tàu hiện có được hoán cải, trang bị máy thủy mới 100% có công suất trên 400cv, nâng cấp hầm bảo quản. Sẽ đóng mới 950 tàu, tải trọng 40- 150 tấn, động cơ từ 400 - 1.000 cv. 

Tại mỗi tỉnh sẽ xây dựng một cảng cá ngừ chuyên dụng, tổ chức thí điểm một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gồm: 3 mô hình liên kết dọc giữa chủ tàu khai thác với doanh nghiệp thu mua chế biến, cung ứng dịch vụ hậu cần, xuất khẩu sản phẩm cá ngừ và mô hình liên kết ngang theo từng khâu… Tổng kinh phí thực hiện đề án là 5.774 tỷ đồng. 

Một số đơn vị đã giới thiệu các mẫu thiết kế tàu khai thác CNĐD và công nghệ bảo quản trên tàu, nhưng chưa được đánh giá cao. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận xét, có nhà thiết kế chỉ quen thiết kế tàu vận tải, nên thiết kế tàu cá có một số bất cập. 

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị, ngư dân phải được quyền chọn mẫu tàu cho rằng, tàu to mà không phù hợp với nghề khai thác và khả năng vận hành của ngư dân thì sẽ không có hiệu quả. 

Đề nghị này của bà Hà đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát tán thành và nhấn mạnh trong phát biểu kết luận hội nghị. Đại diện hãng Yanmar (Nhật Bản) đã đề xuất một số giải pháp về vật liệu vỏ tàu, công nghệ xử lý và bảo quản cá ngừ, tổ chức mô hình khai thác… để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành sản xuất CNĐD Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT và lãnh đạo các địa phương phải tổ chức thực hiện chu đáo, có hiệu quả, đến tận ngư dân các chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân sản xuất có hiệu quả. 

Khu vực khai thác cá ngừ là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giữa hai quần đảo này, là nơi chúng ta đang phải hành động quyết liệt để bảo vệ chủ quyền. Tập trung hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác có hiệu quả ở các vùng biển này là nhiệm vụ ưu tiên. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung, là nâng cao đời sống của ngư dân, từ đó khuyến khích ngư dân bám biển. Chính việc ngư dân bám biển là góp phần hiện thực hóa chủ quyền của ta, bảo vệ chủ quyền của ta. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Theo Đại diện hãng Yanmar, năm 2012 Việt Nam đạt sản lượng CNĐD 16.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 570 triệu USD, nhưng nếu xử lý cá nguyên liệu đúng kỹ thuật, cùng sản lượng cá đó có thể được giá tối thiểu 1,5 tỷ USD. Cụ thể hơn, giá cá ngừ vây vàng ngày 2/4/2014 tại Phú Yên là 73.000đ/kg, lẽ ra phải được giá 195.000đ/kg nếu đạt chất lượng sashimi để xuất khẩu tươi sang Nhật.

MỚI - NÓNG