Cải cách bộ máy - Thách thức và kỳ vọng

Hiệu quả tăng, nhân sự giảm

Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Kim Anh
Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Kim Anh
TP - Ngay sau khi Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động thì đội xe của trung tâm cũng ra đời. Với sự quyết tâm thực hiện của lãnh đạo tỉnh, đội xe đi vào hoạt động không những giảm số lượng xe công, biên chế, tiết kiệm ngân sách hàng tỷ đồng... mà vẫn phục vụ tốt 19 sở ngành và 34 đơn vị sự nghiệp công lập tại đây.

Không bàn lùi!

 Theo ông Nguyễn Tấn Đa, Trưởng Ban quản lý Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 4/2015. 19 sở ngành và 34 đơn vị sự nghiệp công lập được bố trí làm việc tại đây để vừa tổ chức vận hành bộ máy hành chính của tỉnh hiệu quả theo phương thức hiện đại vừa tạo điều kiện cho công dân đến liên hệ công việc dễ dàng, thuận tiện hơn.

Ông Lê Đức Hân, Phó Ban quản lý kiêm Đội trưởng Đội xe của Trung tâm Hành chính tỉnh, cho biết: Khi các sở ngành về làm việc tập trung một chỗ, chúng tôi thấy rõ những bất cập trong sử dụng ô tô như trung bình mỗi sở có 2 chiếc, lúc chẳng dùng đến khi lại thiếu xe trầm trọng. Một số đơn vị cần xe “chuyên trị” leo núi nhưng không có, trong khi đơn vị khác sở hữu loại xe này nhiều  khi không dùng tới. Trước tình hình đó, có ý kiến đề xuất dùng chung xe công cho tất cả các sở ngành, đơn vị làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. “Ban đầu nhiều sở ngành không đồng tình nhưng lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm. Khi tổ chức cuộc họp với các ban ngành liên quan về vấn đề này, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên quán triệt “Chỉ bàn tới chớ không bàn lùi”. Tháng 4/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Đề án thí điểm tổ chức quản lý xe ô tô chung của các cơ quan đơn vị đang làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh”, ông Hân cho hay. 

Hiệu quả tăng, nhân sự giảm ảnh 1 Lái xe cọ rửa bảo dưỡng xe cẩn thận sau mỗi chuyến công tác

Theo đó, tỉnh đã điều chuyển 43 trong tổng số 60 xe ô tô của các sở, ngành và đơn vị sang Đội xe dùng chung do Trung tâm Hành chính tỉnh quản lý. 17 chiếc còn lại, do không đảm bảo an toàn, không phù hợp để phục vụ nhiệm vụ… đều được thanh lý, điều chuyển cho các cơ quan khác hoặc bàn giao cho ngành chức năng xử lý theo quy định hiện hành. Như vậy, với Đề án này đã giảm được 17 ô tô công. Kèm theo đó là giảm biên chế và hợp đồng lái xe: Từ 43 lái xe ban đầu giảm xuống còn 37 người. Đối với những trường hợp dôi dư, tỉnh đã giải quyết cho một số lái xe nghỉ việc theo nguyện vọng; cử đi học chuyên môn để chuyển sang công tác tại lĩnh vực khác. 

Nhờ giảm số lượng ô tô và lái xe mà tổng kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, tiền xăng xe, công tác phí, chi phí phòng nghỉ… đều giảm đáng kể. Mặt khác bộ máy quản lý điều hành Đội xe hầu hết là kiêm nhiệm nên tiết kiệm được nguồn nhân lực và các chi phí liên quan đến con người. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đề án tổ chức quản lý xe ô tô chung đã tiết kiệm cho ngân sách 3,058 tỷ đồng/năm.

Chấm dứt tình trạng lấy xe công làm việc riêng

 Thực tế nếu để các đơn vị, tổ chức sử dụng xe riêng rẽ sẽ có nhiều hạn chế, bất cập. Chẳng hạn khi nhiều cơ quan đơn vị cùng tham gia công tác tại một địa điểm và trong cùng một thời điểm như hội nghị, làm việc liên ngành… mà mỗi sở đi riêng một chiếc ô tô sẽ rất lãng phí; đồng thời gây phản cảm trong dư luận nhân dân. “Trước đây, công tác quản lý xe công tại một số đơn vị chưa chặt chẽ, còn sử dụng xe công vào việc riêng như đi đám cưới, lễ hội, đưa đón người nhà... Cá biệt có những lãnh đạo sở, ban ngành tự lái xe biển xanh đi làm việc riêng gây dư luận không tốt. Tình trạng này đã chấm dứt từ khi toàn bộ ô tô được đưa vào Đội xe ở Trung tâm Hành chính tỉnh”, ông Hân khẳng định.

Sau hơn một năm thực hiện Đề án thí điểm, lượng xe công mà Trung tâm được giao quản lý đã giảm hơn 28% nhưng vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ công việc cho toàn bộ 19 sở, ngành và 34 đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Điều đáng ghi nhận nữa là việc bố trí phương tiện phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của tất cả các cơ quan đơn vị đều thuận lợi. Chẳng hạn, vì chủng loại xe của đội xe khá phong phú nên việc bố trí xe phù hợp đi công tác ở các vùng có điều kiện giao thông khác nhau đều rất dễ dàng. Hoặc khi tỉnh có sự kiện lớn như tổ chức kỳ thi quốc gia, các hoạt động lễ hội, diễn tập phòng thủ… cần huy động lượng phương tiện lớn là có thể đáp ứng được ngay.

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với ông Hân liên tục bị gián đoạn, bởi khi thì ông Hân dừng lại để trả lời các cuộc điện thoại đăng ký sử dụng xe, lúc lại chủ động điện thoại để điều lái xe nhận nhiệm vụ… Ông bảo nhiều khi phải mang việc về nhà làm bởi có cơ quan, đơn vị cần điều xe để đi công tác ngoài giờ, đi vùng sâu vùng xa vào những ngày cuối tuần...

“Mình bận rộn là thế, anh em lái xe đôi lúc còn cực hơn. Có anh đi công tác về lúc 1-2 giờ sáng, bèn ngủ luôn trong xe để 5 giờ sáng đi tiếp. Để anh em yên tâm công tác, chúng tôi thực hiện khoán công tác phí, tiền phòng nghỉ ...; tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng để anh em trong đội xe phản ánh những vấn đề khúc mắc, tâm tư nguyện vọng, qua đó kịp thời điều chỉnh những gì chưa hợp lý. Nhờ vậy, anh em lái xe có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, chấp hành nghiêm sự phân công, điều động của đội xe, sẵn sàng làm nhiệm vụ và hỗ trợ nhau lúc khó khăn; phục vụ các đoàn đi công tác chu đáo, an toàn”, ông Hân nói.

Thêm việc, giảm người

Từ tháng 5/2018, Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Đề án “Thành lập Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban Đảng Tỉnh ủy”. Theo đó, sáp nhập văn phòng của các ban Đảng trực thuộc Tỉnh ủy, gồm Ban Tổ chức, Dân vận, Tuyên giáo, Nội chính, Ủy ban Kiểm tra về Văn phòng Tỉnh ủy để phục vụ chung. Văn phòng Tỉnh ủy mới được thành lập chỉ tiếp nhận toàn bộ nhiệm vụ văn thư, lưu trữ, kế toán, thủ quỹ… từ các ban Đảng về văn phòng Tỉnh ủy nhưng không nhận người. Nghĩa là tiếp nhận thêm nhiệm vụ nhưng không tăng biên chế. Mặt khác, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng trước đây có 6 phòng, nay sáp nhập thành 2 phòng và thành lập mới Khối Tham mưu Tổng hợp để thực hiện chế độ chuyên viên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên khẳng định đề án đã đem lại hiệu quả không chỉ về kinh tế mà còn khắc phục được tình trạng sử dụng xe ô tô vào việc riêng hoặc sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức gây tốn kém, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công và ngân sách nhà nước. Từ hiệu quả đã đạt được, UBND tỉnh sẽ chính thức phê duyệt Đề án để tiếp tục tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Anh Hoàng Văn Bằng, Phó Chánh Văn Phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, quá trình triển khai đề án này đã giảm được 3 phòng, 4 trưởng phòng, 12 phó trưởng phòng của Văn phòng Tỉnh ủy và giảm được công việc 11 người làm công tác văn thư, lưu trữ, kế toán và thủ quỹ của các ban của Tỉnh ủy. Sau mấy tháng hoạt động theo mô hình mới, cách thức vận hành đã thay đổi hợp lý để công tác tham mưu, phục vụ nhanh, chính xác và đầy đủ hơn. 

MỚI - NÓNG