'Hô biến' nhà hát thành khách sạn, nhà hàng

Rạp Minh Châu đã bị đập bỏ, chuẩn bị xây khách sạn.
Rạp Minh Châu đã bị đập bỏ, chuẩn bị xây khách sạn.
TP - Tại TPHCM, nhiều nhà hát, rạp chiếu phim được “hoá kiếp” làm khách sạn, dùng để đổi lấy dự án BT (xây dựng - chuyển giao) hoặc cho thuê làm nhà hàng, quán bar… 

Theo ghi nhận của Tiền Phong chiều 28/9, rạp Minh Châu (số 369 Lê Văn Sỹ, quận 3) đã bị đập bỏ hoàn toàn. Khu đất được chủ đầu tư rào kín và đào hố sâu để làm tầng hầm. Trên hàng rào, chủ đầu tư ghi rõ là CT Plaza Minh Châu.

Sáng cùng ngày, tại phiên họp giải trình về tình hình đầu tư – hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn do thường trực HĐND TPHCM tổ chức, ông Trương Quang Hiền, đại diện Tổng Cty Văn hóa Sài Gòn xác nhận đang đàm phán với đối tác để xây khách sạn tại mặt bằng rạp Minh Châu cũ.

Ông Hiền cho biết Tổng Cty được tách ra từ Sở Văn hóa và Thể thao từ 2003, được giao quản lý 4 rạp hát cũ, trong đó có rạp Minh Châu. Doanh nghiệp phải liên kết với một số đối tác để sửa chữa, nâng cấp. Hiện nay, rạp Văn Hoa đã sắp hoàn thành. Riêng rạp Minh Châu, do vốn của Tổng Cty văn hóa Sài Gòn chỉ chiếm 25% nên phải đàm phán rất căng thẳng với đối tác để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. 

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cảnh báo: Các anh đàm phán theo hướng đó thì “tiêu” thiết chế văn hóa luôn. Rất nhiều thiết chế văn hóa tại TPHCM đang cho thuê bán bia, làm quán bar, nhà hàng…

Bà Tâm kể: Tôi nghe lời một số nghệ sỹ, xuống một rạp hát bội ở quận 5 khảo sát, mới biết thành phố đã đưa rạp hát này vào diện sắp xếp lại mặt bằng nhà đất theo Nghị định 09. Tôi hỏi chị Hồng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng) tại sao không sửa lại để phục vụ người dân mà đưa rạp hát vào danh mục nhà đất cần sắp xếp thì chị Hồng cho biết chính Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất như vậy.

“Rạp đó hiện nay như thế nào? Một nhà hát Trần Hữu Trang vừa xây dựng xong, rất quy mô nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa có một vở diễn nào tầm cỡ. Trách nhiệm của ai?”, bà Tâm chất vấn.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) cho biết ban đầu UBND TPHCM bố trí nhà hát bội tại mặt bằng 234 Lý Tự Trọng. Đến cuối năm 2006, UBND thành phố thu hồi, đưa hát bội về địa điểm khác. Sở VHTT bố trí về rạp Thủ Đô (quận 5). “Cơ sở vật chất của rạp Thủ Đô xây từ năm 1960. Mặt tiền rạp hát là chung cư, bên hông là chợ đông đúc. Hiện nay rạp dùng làm văn phòng, nơi tập dượt, trong rạp còn 7-8 hộ đang sinh sống. UBND TPHCM đã cho xã hội hóa với yêu cầu phải giữ lại rạp, quy hoạch lại không gian”, ông Nam cho biết.

Nhiều cơ sở không đúng mục đích

Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết đã cùng ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở VHTT xuống nhà hát Trần Hữu Trang khảo sát. Nhà hát hiện nay hoạt động cầm chừng, chỉ biểu diễn 2 vở tuồng/tuần và luôn trong tình trạng thua lỗ vì ít người vào xem. Một trong những lỗi lớn nhất là thiết kế nhà hát. Khán giả ngồi ở dưới nhìn lên không thấy diễn viên.

Bà Thu thừa nhận nhiều cơ sở, thiết chế văn hóa tại TPHCM đang sử dụng không đúng mục đích. Một số thiết chế văn hóa không chỉ nằm trong danh mục 09 mà còn dùng để đổi lấy các dự án hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

“Tôi đã chỉ đạo ngành văn hóa có thể hợp tác công tư, xây nhà hát, rạp phim cao tầng, nhà đầu tư sử dụng vài tầng, mình vài tầng để hoạt động văn hóa chứ hoán đổi thì không còn nhà hát, rạp phim nữa. Có một nghiệt ngã là công trình nằm trong khu vực 930 ha, quy định hiện nay khống chế chiều cao, khoảng lùi…  cho phép xây tối đa 5 tầng nên không thu hút được các nhà đầu tư”, bà Thu nói.

Việc đào tạo diễn viên trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cũng đang là một thách thức. Theo ông Võ Trọng Nam, TPHCM đã mời gọi, thậm chí trả lương, hỗ trợ tiền trang phục, tập luyện nhưng không tuyển được học viên nghệ thuật hát bội nên các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật không còn đào tạo bộ môn hát bội. Để duy trì nghệ thuật truyền thống này, TPHCM tổ chức một lớp đào tạo theo hướng truyền nghề cho 8 -12 học viên.

“TPHCM mở một lớp trung cấp cải lương. Có 25 em từ các tỉnh đăng ký học, trong đó có 15 em chưa có bằng cấp 3, phải học bổ túc văn hóa cùng với học nghề. Vừa qua, cả 15 em này đã tốt nghiệp”, ông Nam cho biết.

Theo ông Lê Văn Làm, phó giám đốc Sở Nội vụ, tuyển dụng các đối tượng trong ngành văn hoá luôn thiếu bằng cấp. Sở tạo mọi điều kiện tuyển. Tuy nhiên, khi tuyển, muốn xếp ngạch chuyên viên phải tốt nghiệp đại học, ngạch cán sự phải tốt nghiệp trung cấp.

“Một số thiết chế văn hóa không chỉ nằm trong 09 mà còn dùng để đổi các dự án BT. Nhiều công trình xuống cấp rất nghiêm trọng. Có một thực tế nghiệt ngã là công trình nằm trong khu vực 930 ha, quy định hiện nay là khống chế chiều cao, khoản lùi…  cho phép xây tối đa 5 tầng nên không thu hút các nhà đầu tư”.

                Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu

MỚI - NÓNG