Hồ Hà Nội "chết"

Hồ Hà Nội "chết"
Mỗi ngày hàng trăm tấn rác, nước thải được đổ xuống lòng hồ. Những ngôi nhà tạm, chuồng lợn và cả nhà cao tầng kiên cố được xây lấn bờ hồ. Hồ Hà Nội đã và đang “chết”.
Hồ Hà Nội "chết" ảnh 1
Hồ Hữu Tiệp, nơi lưu giữ xác máy bay B52, đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Hồ Hữu Tiệp là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng xác chiếc máy bay B52, dấu tích của trận chiến Điện Biên Phủ trên không của Hà Nội xưa, đang chìm nổi giữa đám rong rêu, bèo tấm và rác rưởi lập lờ.

Ven hồ là một chợ cóc. Những chiếc xe cải tiến chở phế thải xây dựng từ trong các ngõ nhỏ tuôn ra, đổ ngay xuống nền đường lớp nhớp vết bùn đen. Đám trẻ từ một trường học gần đó ăn hoa quả, kẹo bánh... xong, vứt luôn rác xuống hồ. Những túi rác từ các gánh hàng rong cũng thản nhiên bay vèo xuống mặt hồ.

Cùng nằm trong cụm di tích hồ Hữu Tiệp còn có hồ Dài. Nước hồ cũng xanh đen, nổi váng và rác rưởi, cỏ lác mọc từng đám cao tới gần 1m.

Bà Phương, nhân viên quản lý trong khu di tích đình, chùa Hữu Tiệp, cho biết hồ Dài và hồ Hữu Tiệp thuộc di tích lịch sử đình và chùa làng Hữu Tiệp.

Trước đây, hai hồ này có hệ thống cống thông với hồ Bảy Gian của làng, nước vừa trong vừa mát, có thể tắm giặt, thậm chí vo gạo rửa rau được.

Nay hồ Bảy Gian vừa bị lấn chiếm lại bị lấp mất một phần nên nước không lưu thông được, lại thêm nước thải của dân quanh khu vực nên ngày càng ô nhiễm nặng nề. Mặt khác, rất nhiều người thiếu ý thức thường xuyên xả rác xuống hồ.

Cách đó không xa, hồ Đình Ngọc Hà, hồ Bảy Mẫu (nằm trong khu vực công viên Thống Nhất) cũng ô nhiễm trầm trọng. Ông Thức, tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường và cây xanh thuộc Công ty TNHH một thành viên công viên Thống Nhất Hà Nội, cho biết nước cạn, khí độc trong bùn sục lên làm chết mỗi ngày hàng tấn cá.

Cán bộ công nhân công ty phải vất vả vớt cá chết, mùi xú uế tràn qua các khu phố đông dân cư. Đến nay, hồ chỉ còn sót lại rất ít cá rô và các sinh vật nhỏ.

Về mặt sinh thái, những hồ này đang chết và có nguy cơ trở thành những ổ dịch bệnh khổng lồ.

Hồ Linh Quang (ngõ Văn Chương, quận Đống Đa) là một trong số ao hồ có dự án xây kè nhưng chưa thể thi công. Những ngôi nhà tạm lợp fibro ximăng, tôn nhựa, hàn khung sắt kiểu chuồng cọp hay bằng gỗ chênh vênh trên mặt nước đen ngòm, chen giữa cỏ lác và khoai nước. Có cả những ngôi nhà cao 3-4 tầng ung dung ngự trên đất hồ.

Theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm quản lý các hồ nước bao gồm: Sở Giao thông công chính, Sở Tài nguyên & môi trường, ngành thủy sản, ngành du lịch (đối với những hồ có cảnh quan đẹp, có công viên).

Chính quyền cấp quận và phường sở tại có trách nhiệm quản lý hồ nằm trên địa bàn và quản lý các hộ dân sống cạnh hồ.

Ngoài ra, các công ty, tổ chức, các hợp tác xã và cá nhân tham gia kinh doanh, khai thác mặt nước cũng có trách nhiệm đối với hồ.

Anh Hùng, một cư dân sống cạnh hồ, cho biết chẳng có hộ nào sống cạnh hồ mà không lấn chiếm. Có nhà vài chục mét, có nhà cả mấy trăm mét. Họ cắm cọc, đổ đất, xây nhà, chia cho con cháu và bán. So với bờ cũ đến nay bờ hồ đã lấn vào lòng hồ 20-50m. Diện tích hồ 15 năm về trước rộng gấp hơn hai lần diện tích còn lại.

Anh Nguyễn Trọng Phượng, cán bộ phòng kế hoạch, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, cho biết hiện khu vực nội thành cũ còn bốn hồ thuộc phạm vi quản lý của công ty chưa được xây kè.

Đó là các hồ Linh Quang, Kim Liên, Văn Chương và Tân Mai. Các hộ dân chung quanh hồ lợi dụng tình hình này để đổ trộm phế thải xây dựng, đóng cọc lấn chiếm làm nhà tạm và chuồng lợn.

Trên thực tế, diện tích của các hồ này đã bị thu hẹp 1/3-1/2 so với thời điểm năm 1993.

Ông Nguyễn Hoàng Trưởng, cán bộ địa chính phường Yên Sở, cho biết chỉ riêng năm 2005, phường mất đi 16 ha ao hồ do chuyển thành đất đô thị và đưa vào xây dựng. Ao Cửa Làng rộng 15 ha, đã bị lấy 7 ha làm nhà tái định cư.

Ao Thứ Sáu rộng 8 ha, đã thu hồi trên 5 ha chuyển sang đất đô thị, số còn lại đường vành đai III lấy nốt. Ao Chín Mẫu đã thu hồi và đang tiến hành đền bù hoa mầu cho dân.

Sắp tới, 2/3 đầm Yên Duyên rộng gần 10ha cũng sẽ được thu hồi để mở rộng đường vành đai III. Tất cả ao hồ này đều được hình thành tự nhiên từ mấy trăm năm nay.

Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở phường Yên Sở mà ở tất cả phường khác của quận Hoàng Mai. Những vùng đất ngập nước mênh mông trước kia của các phường Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt, Tân Mai, Đại Kim... đã bị quá trình đô thị hóa tiêu diệt rất triệt để, nhanh chóng.

Cũng là một quận mới thành lập, quận Long Biên vốn có quĩ hồ ao, mặt nước tự nhiên tương đối lớn. Theo anh Nguyễn Hữu Toàn, cán bộ Phòng Tài nguyên & môi trường quận này, những phường có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Đức Giang, Ngọc Lâm, Việt Hưng, Sài Đồng thì ao hồ hầu như không còn.

Những phường còn lại, nhiều ao hồ cũng bị chuyển sang các công trình công cộng, số còn lại đang nằm trong các dự án đô thị mới hoặc vườn sinh thái.

Theo Việt Hằng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.