Hồ sen nổi tiếng gần Hồ Tây bị băm nát, có lấy lại được không?

Nhà hàng Ao Sen được dựng khá công phu bằng cọc bê tông kiên cố. Ảnh: M.Đ
Nhà hàng Ao Sen được dựng khá công phu bằng cọc bê tông kiên cố. Ảnh: M.Đ
TPO - Nhiều nhà hàng lấn chiếm, thậm chí dựng nhà trên mặt hồ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường và có nguy cơ băm nát hồ Đầm Trị - hồ sen nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch Hồ Tây  

Sẽ cưỡng công trình mọc trên mặt nước

Sau khi chính quyền quận Tây Hồ, TP Hà Nội đồng loạt ra quân cưỡng chế nhà hàng, du thuyền, phần nào đã lấy lại được cảnh quan, trả lại môi trường xanh sạch đẹp cho hồ Tây. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều nhà hàng lấn chiếm, thậm chí dựng nhà trên mặt hồ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường và có nguy cơ băm nát hồ Đầm Trị (Đầm Trị với diện tích khoảng 70.000m2 là hồ sen nổi tiếng nằm trong quần thể khu du lịch Hồ Tây).

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường Quảng An, Tây Hồ cho biết, do mới về công tác tại phường Quảng An được mấy tháng nên không nắm bắt được nhiều thông tin liên quan đến những công trình sai phạm trên địa bàn. Tuy nhiên ông Nam khẳng định, thông tin phản ánh từ báo chí và đã nắm bắt được.

Theo ông Nam, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, đã chỉ đạo lực lượng chức năng phường xuống hiện trường xác minh thông tin. Quá trình xác minh cho thấy, công trình nhà sàn dựng trên mặt hồ Đầm Trị thuộc địa bàn phường Quảng An đã diễn ra cách đây chừng 3 năm. Ngoài ra một số vị trí bị đổ phế thải san lấp mặt hồ, nhưng không phải đồ ồ ạt, chủ yếu do thợ hồ sửa chữa nhà dân rồi đổ trộm nên khó kiểm soát.

Ông Lê Hoài Nam khẳng định, đối với công trình trên đất còn xác minh xem xét, nhưng với công trình mọc trên mặt nước sẽ tiến hành cưỡng chế.

Trước đó, ngày 30/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kiểm tra làm rõ thông tin báo chí phản ánh về tình trạng đổ phế thải, dựng nhà trái phép trên hồ Đầm Trị thuộc phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo “kiên quyết ngăn chặn, xử lý sai phạm” như báo nêu; Kiên quyết ngăn chặn, xử lý sai phạm (nếu có).  Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Dân tố thêm nhiều công trình lấn chiếm mặt hồ

Hồ sen nổi tiếng gần Hồ Tây bị băm nát, có lấy lại được không? ảnh 1 Nhà sàn mọc trên mặt nước hồ Đầm Trị. Ảnh: M.Đ

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 5/1/2015, UBND phường Quảng An đã ký hợp đồng số 01 giao khoán khu vực hồ Đầm Trị cho ông Vũ Hoa Thảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An để nuôi trồng thủy sản.

Thế nhưng, trong quá trình khai thác, ông Thảo đã để người quen dựng nhà có diện tích khoảng 200m2 được dựng trên mặt ao Thuỷ Sứ (thuộc xóm Chùa, tổ 14, phường Quảng An). Việc dựng nhà trái phép trên mặt hồ cùng hàng loạt khu vực khác bị san lấp lấn chiếm đã khiến người dân phường Quảng An bức xúc.

Sau khi báo Tiền Phong phản ánh nhiều người dân ở phường Quảng An, Tây Hồ tiếp tục phản ánh nhiều khu vực hồ Đầm Trị, ao Thuỷ Sứ dựng nhà trái phép trên mặt nước để kinh doanh.

Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, không chỉ căn nhà sàn khoảng 200m2 được dựng trái phép mà nhiều công trình khác được mọc lên trên mặt nước, nhiều khu vực bị san lấp lấn chiếm mặt hồ, đặc biệt có công trình được kiên cố bằng cọc bê tông điển hình như nhà hàng hải sản Đảo Sen.

Quan sát của PV cho thấy, một nửa số cọc bê tông của nhà hàng Ao Sen đã bị đập phá. Ông N.V.T phường Quảng An cho biết, cách đây vài năm chính quyền địa phương đã ra quân cưỡng chế nhưng không hiểu sao, sau một thời gian ngắn nhà hàng này tiếp tục hoạt động trở lại. Theo ông T. nhà hàng Ao Sen không chỉ được đổ cột bê tông kiên cố mà còn được dựng cả cây cầu bằng bê tông làm lối dẫn ra nhà hàng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.