Tái định cư Thủy điện Sơn La:

Hỗ trợ dân thêm ít nhất một năm?

Hỗ trợ dân thêm ít nhất một năm?
TP - Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư (TĐC) công trình Thủy điện Sơn La, có ý kiến đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ đời sống cho dân TĐC thêm một năm nữa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện còn 6.000 hộ phải di chuyển đến nơi ở mới và về tiến độ có thể hoàn thành trong bảy tháng (mỗi tháng di chuyển gần một nghìn hộ). Chính phủ chỉ đạo, tới đây, không để thiếu nguồn vốn cho di dân TĐC, đồng thời tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo đến tháng 10/2010 có thể đưa nước vào hồ chứa thủy điện Sơn La.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, tình hình hậu tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn:

“Dân chưa rõ các phương án sản xuất những năm tới như thế nào, đa số đều cảm thấy không yên tâm. Sự thật là, hàng trăm hộ đã đến nơi mới ít nhất hai năm rồi mà vẫn chưa rõ hướng sản xuất, làm kinh tế tới đây thế nào.

Việc quy định về định mức xây dựng các khu TĐC theo tiêu chuẩn nông thôn về đất ở, về xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung, chưa phù hợp với đặc điểm tập quán sinh sống của dân”.

Ngoài ra, nhiều điểm TĐC đã đón dân đến, nhưng công trình công cộng chậm được xây dựng như trường học, trạm xá, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, điện, đường giao thông. Nhân dân ở các điểm TĐC đề nghị nhà nước nên quan tâm kéo dài thời gian hỗ trợ đời sống cho họ thêm ít nhất một năm nữa.

Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, thời điểm tháng 7/2010 phải hoàn thành công tác di dân ra khỏi vùng hồ thủy điện là một thách thức rất lớn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, hầu hết đồng bào phải TĐC chủ yếu ở vùng đồi núi, khó khăn.

“Được ở nhà đẹp, nhưng chỉ biết nhìn ra cửa sổ và xem tivi thì rất lo ngại” - Ông Hiển nói.

Ông Hiển phân tích thêm, chuyển từ làm lúa sang trồng cây công nghiệp đã khó, còn chuyển sang công thương nghiệp thì còn khó hơn vì phải có quá trình.

“Đến nơi ở mới, đều là dân TĐC với nhau, biết buôn bán cho ai? Do đó, cần phải tính có phương án nuôi hàng nghìn hộ dân này trong nhiều năm nữa” - Ông Hiển đề xuất.

Hỗ trợ dân thêm ít nhất một năm? ảnh 1
Nhà TĐC với diện tích đất hẹp ở Quỳnh Nhai gây khó khăn cho dân sản xuất. Ảnh: Điêu Chính Tới - TTXVN

Một số ý kiến đề nghị tập trung đào tạo nghề, rà soát lại cơ chế chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho dân. Việc bố trí TĐC cần tính đến yếu tố văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào, tránh làm chợ mà không có người bán - mua, làm một số công trình nhưng không có người sử dụng.

“Nên có Nghị quyết về vấn đề này, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bộ ngành và trung ương, nhằm thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ, với kết quả thật tốt” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2008, ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu di dời, tái định cư được 12.557 hộ trên tổng số 20.249 hộ. Tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch hàng năm, gây áp lực lớn cho thời gian còn lại, ảnh hưởng đến chất lượng TĐC và đời sống của nhân dân.

Còn theo báo cáo giám sát của UBTVQH, việc thực hiện dự án thành phần đã đưa vào sử dụng và giải ngân cho đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đạt rất thấp so với kế hoạch.

Qua giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Trưởng đoàn Giám sát) ông  Ksor Phước cho biết: “Dân đều cho rằng, giá trị tài sản họ bị mất lớn hơn rất nhiều so với số tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước nhưng vì dòng điện tương lai, họ sẵn sàng chấp nhận sự mất mát đó”.

Cũng theo đoàn giám sát, việc giao đất sản xuất mới chỉ đạt gần 40 phần trăm so với số hộ đã di chuyển, do đó việc sản xuất của nhân dân sẽ rất khó khăn. “Những điểm TĐC mà đoàn giám sát đến, các hộ đều lo lắng thiếu, thậm chí là không có, đất sản xuất còn đất sản xuất được tạm giao chất lượng xấu” – Ông Ksor Phước cho biết.

Vấn đề nhà ở cũng có khó khăn. Đến cuối năm 2008, các tỉnh hỗ trợ làm nhà ở cho gần 12 nghìn hộ với kinh phí 757 tỷ đồng. Nhưng, tại hầu hết các điểm TĐC, do diện tích đất ở nhỏ, bố trí sát kề nhau, nên việc nhốt trâu, bò, gia súc, gia cầm và đất làm vườn kinh tế phụ rất khó khăn.

Chiều qua, UBTVQH cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí Giám định, Định giá trong Tố tụng Dân sự & Tố tụng Hành chính.

TĐC công trình thủy điện Sơn La

Tổng mức đầu tư là 10.295 tỷ đồng (TĐC nông thôn gần 7.093 tỷ đồng, TĐC đô thị 1.650 tỷ đồng).

Đến 31/12/2008, hoàn thành đưa vào sử dụng 385 trên tổng số 1.356 dự án thành phần được lập.

Các hộ dân TĐC được giao đất ở theo hạn mức từ 200 - 400m2/hộ nông nghiệp; 100m2/hộ phi nông nghiệp.

Đã triển khai 374 công trình trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà trẻ với tổng mức đầu tư 828 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG