Hỗ trợ sau bão tại Đà Nẵng: Tiền chưa thể đến tay dân

Hỗ trợ sau bão tại Đà Nẵng: Tiền chưa thể đến tay dân
TP - Đã 2 tuần sau bão số 6, tâm bão Đà Nẵng lại đang “nóng” lên vì việc chi tiền hỗ trợ diễn ra khá chậm chạp, trong khi hàng vạn người dân đang phải ở dưới những túp lều che tạm bằng tôn, vải mưa trên nền nhà cũ đã sập hoàn toàn.

Bên cạnh hoạt động từ thiện hối hả suốt các ngày qua của các cá nhân, doanh nghiệp và báo chí cả nước trực tiếp đến từng khu vực dân cư và từng nhà dân, 28 tỷ đồng đầu tiên của thành phố hầu như vẫn chưa thể đến tay người dân (trừ huyện Hoà Vang, tính đến ngày 13/10) vì tiền quá ít, trong khi diện cần hỗ trợ lại quá nhiều.

Số tiền 28 tỷ đồng này, theo ông Nguyễn Văn An - Phó ban tiếp nhận cứu trợ bão số 6  (TP Đà Nẵng), là từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ (trong tổng số 40 tỷ đồng dành cho Đà Nẵng), đã được cấp cho 7 quận huyện, mỗi nơi được 4 tỷ, trong đó dành riêng để sửa chữa trường học, trạm y tế 2 tỷ, 2 tỷ còn lại hỗ trợ cho dân.

Ông Lê Công Hồ - Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, than thở : “Quận chúng tôi sập hoàn toàn 1.552 ngôi nhà, tốc mái hoàn toàn và hư hại trên 5.000 căn khác. 2 tỷ bạc, thấm tháp vào đâu, nếu chiếu theo quy định của thành phố là mỗi nhà sập được hỗ trợ 5 triệu, nhà tốc mái được 2 triệu.

Bởi vậy thành phố quyết định phải ưu tiên hỗ trợ cho những hộ chính sách và thật nghèo. Suốt cả tuần nay chúng tôi trực tiếp đến từng nhà rà đi soát lại, phúc tra đến lần thứ 4 rồi mà vẫn chưa phát tiền được.

Có lẽ phải một vài ngày tới”. Ông Hồ cũng cho biết, đã cố gắng bố trí dân bị mất nhà vào ở tạm đâu đó ở chung cư hoặc nhà bà con, và cảnh báo hạn chế việc che tôn dựng lều ở tạm vì rất nguy hiểm.

Huyện Hoà Vang là nơi đầu tiên của 7 quận huyện đã chi xong số tiền 2 tỷ đồng cho 380 hộ chính sách nghèo sập hoàn toàn nhà cửa. “Đó mới chỉ là gần 1/10 số nhà bị sập hoàn toàn tại Hoà Vang, thật “như muối bỏ bể” - Ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch huyện giãi bày - Còn đến 2.600 hộ chính sách khó khăn sập nhà, và còn tới 11.000 hộ khác bị mất mái, hư hỏng chúng tôi vẫn cầm danh sách đó nhưng đành chịu. Khoảng 10.000 người đang phải sống nhờ ở đậu, che tôn bạt ở  ngổn ngang, biết đến đợt hỗ trợ lần thứ mấy mới đến lượt họ ?”.

“Rà soát phúc tra nhiều lần rồi nhưng các chủ tịch phường cũng chưa dám phát tiền hỗ trợ, sợ nhà có nhà không dân lại kéo đến tìm - ông Ngô Mai - Chánh văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn lo lắng - Riêng đối tượng chính sách bị sập nhà hoàn toàn của quận đã là trên 944 hộ”.

Cán bộ ngại thăm hỏi nhà người ... “giàu” ?!

Hỗ trợ sau bão tại Đà Nẵng: Tiền chưa thể đến tay dân ảnh 1
Bà Phạm Thị Liên (phường Phước Mỹ, Sơn Trà) nhà sập nhưng chưa thấy ai hỏi thăm

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh cho Tiền phong biết, do thiệt hại tại Đà Nẵng quá lớn, kinh phí hỗ trợ có hạn, nên thành phố chủ trương giành ưu tiên số 1 để hỗ trợ cho các gia đình chính sách bị sập nhà thuộc diện nghèo, neo đơn.

Riêng các hộ nhà lầu xây kiên cố bị sập và những trường hợp có điều kiện về kinh tế thì chưa có chính sách hỗ trợ.

Đó có thể là giải pháp tình thế mà Đà Nẵng buộc phải lựa chọn trong hoàn cảnh này. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại một số phường xã, thái độ “tránh né” của cán bộ đã gây bức xúc cho nhiều hộ dân.

Bà Vũ Thị Vinh (tổ 20 Thuận Lập B, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) bức xúc: “Vợ chồng tôi là cán bộ hưu trí, già cả ốm đau, nhà tốc mái, nhưng từ bão đến giờ chưa thấy ai vào thăm hỏi một câu. Đâu phải có cái nhà tầng đã là “giàu”?”.

Một người dân khác (xin giấu tên), nói: “Chúng tôi cần cái tình, chứ chưa hẳn cứu trợ chúng tôi đã nhận. Mỗi đợt cần quyên góp cứu trợ từ tổ đến phường đều đến vận động chúng tôi góp nhiều, sao giờ chúng tôi bị thế này không thấy ai đến?”.

Một cán bộ phường phân bua: “Thăm hỏi thì đâu có gì, chỉ sợ bà con thấy mình đến mà không hỗ trợ gì lại... nói !”.

Bà Phạm Thị Liên - nhà ở mặt tiền đường ven biển Phạm Văn Đồng (tổ 10A, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), chỉ vào đống đổ nát : “Nhà tôi cấp 4, sập hết. Mẹ goá con côi 5 người đàn bà, vậy mà có ai hỏi han gì đâu. Từ bữa đó đến nay chỉ được các nhà từ thiện cho 30 ký gạo và ít quần áo”.

Xung quanh nhà bà Liên có hàng chục cảnh ngộ tương tự, nhưng có lẽ cũng thuộc diện... không cần cứu trợ !  

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.