'Hố tử thần' ở Bắc Kạn liên quan đến hang động ngầm

Hố sụt lún khoét một nửa tỉnh lộ gây tắc đường cục bộ, tỉnh Bắc Kạn sau đó phải cho san lấp.
Hố sụt lún khoét một nửa tỉnh lộ gây tắc đường cục bộ, tỉnh Bắc Kạn sau đó phải cho san lấp.
Các chuyên gia đều cho rằng 'hố tử thần' ở Bắc Kạn có thể do hoạt động ngầm bên dưới (karst) thường thấy ở vùng núi đá vôi.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hố sụt sâu gần 20 m, rộng 12 m chiều 2/1 ở thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn, Bắc Kạn), TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất cho rằng, nhiều khả năng do hoạt động của quá trình karst ngầm.

Ở khu vực có đá cacbonat (CaCO3) như đá vôi, đá hoa hay vôi sét với chiều dày lớn, quá trình karst diễn ra sẽ hòa tan đá cacbonat và dòng chảy sẽ rửa trôi, mang đi các hợp phần trong đá cacbonat, tạo ra những lỗ hổng ngầm. Cùng với thời gian, lỗ hổng sẽ lớn dần. Khi kích thước lỗ hổng ngầm đạt đến độ đủ lớn, chiều dày lớp đất tầng mặt mỏng dần và lực căng của tầng đất mặt không đủ để giữ ở trạng thái cân bằng, đất bề mặt sẽ sụt xuống, tạo thành "hố tử thần".

Theo TS Lâm, sự xuất hiện của "hố tử thần" phụ thuộc chủ yếu vào cường độ hoạt động của quá trình karst và cấu tạo địa chất khu vực. Nếu bề mặt được phủ bởi tầng sét, sét bột dẻo có chiều dày lớn thì cần có một lực lớn mới có thể làm cho mặt đất sụp xuống khi quá trình karst diễn ra. Ngược lại, nếu bề mặt cấu tạo bởi lớp cát, cát bột, bột cát bở rời với chiều dày mỏng thì chỉ cần lực nhỏ là đã gây ra các hố sụt lún.

Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia địa chất Nguyễn Văn Thuấn cho rằng "hố tử thần" ở Bắc Kạn xuất hiện do hoạt động của quá trình karst ngầm. "Đây không phải là hiện tượng lạ, năm ngoái ở Thanh Hóa xuất hiện hố sụt lún như vậy. Tại các khu vực đá vôi thường xuyên có hiện tượng này", ông Thuấn nói.

Các chuyên gia kiến nghị những nơi đông dân cư hay các công trình lớn được xây dựng trên nền đá cacbonat thì cần nghiên cứu cấu tạo địa chất và hoạt động karst, từ đó đưa ra kế hoạch để tránh những tổn thất khi "hố tử thần" xuất hiện.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cho biết địa phương đã khắc phục bằng cách lấp đầy hố bằng hơn 1.500 m3 đất đá và nhờ đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến tìm hiểu nguyên nhân. 

Trước đó chiều 2/1, sau tiếng ầm ầm, đất đá bắn tứ tung, mặt đất ở thị trấn Bằng Lũng bỗng toác rộng và sụt sâu, nuốt gọn cả cây xoan, cây xoài. Tỉnh lộ 254 bị khoét sâu gây tắc đường, 4 nhà dân xung quanh bị nứt. Vào các năm 2008 và 2015, khu vực thị trấn Bằng Lũng từng xảy ra sụt lún, nhưng không sâu và rộng.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG