Họa phúc có nguồn

Họa phúc có nguồn
Tp - Vậy là theo quyết định của Ban Bí thư, ông Nguyễn Trường Tô bị khai trừ ra khỏi Đảng và theo quyết định của Thủ tướng, ông bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Trước sự kiện này, người viết bỗng có lắm cái chợt! Chợt nghĩ ngay đến câu của thi hào Nguyễn Trãi Họa phúc hữu môi phi nhất nhật (cái hoạ cái phúc thường có nguồn không phải đến một buổi).

Chợt nhớ, báo Tiền Phong tháng 12-2009 đã có loạt bài Chuyện bầm dập của một doanh nhân phản ánh về việc Công ty Sông Lô, một doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Hà Giang lâm phải nợ nần và đứng trên miệng vực phá sản do những quyết định vi phạm pháp luật của ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô ký.

Cùng phản ánh vấn đề trên có nhiều cơ quan thông tin đại chúng như VTV1 của Đài Truyền hình T.Ư, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo Quân đội Nhân dân, Lao Động, Công an Nhân dân, Thanh tra, Công lý, Đại đoàn kết, Văn hóa Doanh nhân, Diễn đàn Doanh nghiệp, Gia đình & Xã hội, Người cao tuổi, Tạp chí Pháp luật vv...

Vụ việc phi lý và kéo dài nhiều năm không được giải quyết đã dẫn đến phiên tòa tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang. Tòa án tỉnh đã có một quyết định dũng cảm (hủy bỏ quyết định của chính chủ tịch tỉnh) về một quyết định trái pháp luật!

Nhưng tiếc thay, quyền lợi chính đáng hợp pháp của Công ty Sông Lô nhiều năm sau vẫn không được giải quyết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có công văn nhắc nhở, đề nghị phải giải quyết dứt điểm vụ việc! ĐBQH Lê Văn Cuông, trong hai phiên chất vấn tại kỳ họp thứ VI và VII Quốc hội khóa XII, đã làm không khí nghị trường nóng lên bằng việc hy hữu, đã 7 lần rồi 9 lần ông chủ tịch tỉnh Hà Giang không thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...

Mà không chỉ buổi thời khắc ấy! Còn cái buổi không quần áo thể hiện lối sống buông thả của ông mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã nhắc đã chỉ đích danh. Rồi lại lại cen trong vụ án có thể (?) là đã có một buổi khác khiến cho giờ đây nghi vấn về việc ông liên quan đến một danh sách đen Sầm Đức Xương mua dâm vị thành niên vẫn thường trực lơ lửng!

Tất nhiên, những chuyện trên có cái đang còn phải đợi kết luận cuối cùng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng nói như thi hào Nguyễn Trãi, những dấu hiệu sai phạm về quản trị cũng như lối sống của ông Tô hình như đều có nguồn chứ chẳng phải là một buổi?

Tự nhiên lại chợt nhớ về lá đơn đề nghị của Đảng ủy Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang mới đây gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, UBTV QH, Thủ tướng Chính phủ, UBKT T.Ư đề nghị xem xét làm rõ để bảo vệ danh dự cho đồng chí Nguyễn Trường Tô!

Danh dự? Lại nhớ đêm làm việc tại huyện Mèo Vạc đầu năm nay của Thủ tướng Chính phủ với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang, giữa bao bộn bề cần phải lo toan cho đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang mà cuộc làm việc đề cập, ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô đã không quên kính đề nghị Thủ tướng có biện pháp bảo vệ danh dự cho ông khi hàng chục tờ báo cứ xúm vào đánh ông trong vụ Sông Lô như thế?

Mọi người có mặt khi đó đều chứng kiến, Thủ tướng có nghe lời đề nghị khẩn thiết ấy nhưng không nói gì! Nếu có nói thì có lẽ Quyết định số 1248/ QĐ-TTg ngày 21-7- 2010 đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô là một cách trả lời hữu hiệu?

Họa phúc có căn nguyên nào đâu chỉ một ngày. Danh dự hay ô nhục có mối mầm đâu phải một chốc. Rõ là cái hoạ cũng như cái phúc, danh dự của một cá nhân, nhất là của một quan chức, là cả một quá trình tu dưỡng bản thân và từ hệ quả hành xử trong một cộng đồng do mình quản trị, không phải một lúc, một buổi mà có, đúng như lời của tiền nhân trong di sản tư tưởng - văn hóa Việt Nam từ hơn 6 thế kỷ trước truyền lại.

MỚI - NÓNG