“Hóa thiêng” đá đồi Phét, đồi Chông

Đồi Chông, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Hoàng Lam.
Đồi Chông, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Ít người biết thung lũng đồi Phét, làng Đèn, xã Điền Hạ, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) từng là công trường có hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân tình nguyện khai thác, vận chuyển đá quý làm cờ, xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồi Phét đi vào lịch sử

Đồi Phét ngày nay nằm ngay ven tuyến đường liên xã. Đi bộ qua sườn đồi thấp, gặp ngay một thung lũng nhỏ còn ngổn ngang những hòn đá lớn, nhỏ màu khác lạ. Quan sát bằng mắt thường thì thấy hầu hết những hòn đá to, nhỏ ở đây đều có màu hồng thẫm. Anh Phạm Văn Mừng, Tổ trưởng an ninh thôn Duồng, xã Điền Hạ (là người dẫn đường) nhặt một hòn đá, nhúng, chùi vết đất qua nước suối, hòn đá trở nên sáng, có màu hồng tươi. “Số đá còn lại ở thung lũng đồi Phét là loại có màu hồng nhưng có lẫn tạp các màu khác nên bị thải loại, không có giá trị như đá nguyên khối, nguyên màu…”- anh Mừng nói.

“…Chính giữa Lăng là phòng đặt thi hài ốp đá cẩm thạch Hà Tây. Trên tường có 2 lá Quốc kỳ và Đảng kỳ lớn, ghép từ 4.000 miếng đá hồng ngọc Thanh Hóa, hình búa liềm và sao vàng được ghép bằng đá cẩm vân màu vàng sáng”.

(Theo Wikipedia, 

phần miêu tả 

Lăng Chủ tịch 

Hồ Chí Minh)

Hỏi chuyện của hơn 40 năm trước về công trường khai thác đá hồng này, anh Mừng nói, thời điểm đó đang còn nhỏ nên không được chứng kiến. Tuy nhiên, chuyện địa phương mình có loại đá được nhà nước sử dụng làm vật liệu để làm cờ Tổ quốc, cờ Đảng, xây dựng Lăng Bác thì nhiều người dân ở đây biết. Hiện nay, đồi Phét được giao cho các hộ dân trên địa bàn xã Điền Hạ trồng rừng, trông coi, bảo vệ.

Ông Hà Văn Chủ - Cán bộ văn hóa xã Điền Hạ, cho hay: Mặc dù trong các tài liệu của xã Điền Hạ chưa nhắc đến sự kiện đồi Phét từng là nơi cung cấp đá quý xây Lăng Bác, nhưng một số người trực tiếp tham gia, biết đến sự kiện này vẫn còn sống. Không chỉ tự hào là nơi có thể cung cấp loại đá quý xây Lăng Bác, mà sự kiện này còn thể hiện sự chung sức, chung lòng, khai thác, vận chuyển đá về Hà Nội, kịp tiến độ xây Lăng Bác của đồng bào dân tộc xã Điền Hạ và các vùng lân cận.

Một trong những nhân chứng nắm rõ sự kiện này là ông Trương Phúc Chủ (85 tuổi) ở làng Duồng, xã Điền Hạ. Nhà ông Chủ cách đồi Phét vài ki lô mét. Việc khai thác đá diễn ra vào khoảng năm 1973-1974, khi ông Chủ đang là cán bộ huyện Bá Thước. “Công tác khảo sát, xác định loại đá đều do cán bộ của trung ương về thực hiện. Sau đó, chúng tôi được thông báo ở đồi Phét có loại đá quý được lựa chọn để làm cờ, xây dựng Lăng. Tôi được phân công phụ trách điều phối người tham gia khai thác đá và các công việc khác tại công trường đồi Phét”- ông Chủ cho biết.

“Hóa thiêng” đá đồi Phét, đồi Chông ảnh 1

Những hòn đá màu ở công trường đồi Phét, làng Đèn, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: P.V

Loại đá quý được cơ quan chức năng gọi là đá Hồng Ngọc. Đó là loại đá quan sát bằng mắt thường có màu đỏ thẫm. Khi nhúng rửa qua nước, có ánh sáng soi trực tiếp vào thì có màu đỏ tươi. Đặc biệt, màu đá này không bao giờ bị phai.

Ông Chủ cho biết: Liên tục trong thời gian khoảng 3 tháng, hàng nghìn lượt người dân tình nguyện tham gia các nhiệm vụ cụ thể hằng ngày. Người đào đá, người lựa đá, người di chuyển, tập kết đá ra đường chính để vận chuyển lên ô tô đưa về Hà Nội. Tất cả mọi người đều hiểu công việc của mình đang làm có ý nghĩa quan trọng như thế nào, nên mọi việc đều được tiến hành cẩn trọng, có sự đồng lòng rất cao.

Hàng nghìn hòn đá lớn, nhỏ được đào từ trong lòng đồi Phét. “Trên đồi Phét, địa hình hiểm trở, áp lực về tiến độ hoàn thành công trình Lăng Bác khiến cho mọi người nghĩ đến phương án phá một diện tích rừng, dùng máy bay chuyển đá khỏi đồi. Nhưng rồi, toàn bộ quy trình đào, di chuyển các tấm đá lớn, nhỏ đều dùng bằng sức người, tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đối với những hòn đá to, nặng, chúng tôi phải vận chuyển bằng cách dùng thân cây rừng, kết thành mảng, rọ cho đá lăn từ từ tránh vỡ, nát. Cách vận chuyển này, cả tuần mới được một tấm đá to xuống chân đồi”- ông Chủ kể.

Lúc bấy giờ, đường vào đồi Phét là lối mòn đi bộ của dân bản địa, băng qua ruộng lầy, suối sâu, ô tô vận chuyển đá không thể vào. Hàng nghìn lượt người lại chặt cây, ghép nối thành mặt đường để xe ô tô vận chuyển có thể băng suối, vượt qua ruộng bùn vào điểm tập kết. Để vận chuyển được những hòn đá to lên thùng xe, người dân đào hầm phía dưới hòn đá để xe ô tô có thể lùi vào, đưa đá lên thùng, khi thì dùng cây mây đan thành rọ, cho đá vào để dùng cẩu đưa đá lên thùng xe…

Khoảng 3 tháng, hàng trăm khối đá Hồng Ngọc được vận chuyển về Hà Nội. “Sau khi hoàn thành việc khai thác đá, tôi được chọn làm người đại diện cho nhân dân bàn giao đá, về Hà Nội cùng với cán bộ, các nhà khoa học tham gia quá trình xẻ đá, tinh chọn đá để gắn thành 2 lá cờ (cờ Tổ quốc và cờ Đảng) tại Lăng Bác Hồ”- ông Chủ kể.

“Hóa thiêng” đá đồi Phét, đồi Chông ảnh 2

Ông Trương Phúc Chủ - người trực tiếp tham gia sự kiện - kể chuyện. Ảnh: P.V

Trò chuyện với Tiền Phong, ông Hà Nam Ninh, nguyên cán bộ huyện Bá Thước, đồng tác giả cuốn “Dư địa chí huyện Bá Thước” (Thanh Hóa) cho biết: Lúc bấy giờ ông Trương Phúc Chủ là Ủy viên Ủy ban hành chính huyện Bá Thước, phụ trách văn hóa, xã hội, được phân công phụ trách công việc khai thác đá tại công trường đá đồi Phét. Hàng nghìn lượt người đã được huy động làm công việc khai thác, vận chuyển đá đỏ để đưa về Hà Nội làm cờ trong Lăng Bác. Sự kiện lịch sử này được ghi chép tại cuốn “Dư địa chí của huyện Bá Thước” được xuất bản năm 2015.

Đá quý đồi Chông

Một địa danh khác của Thanh Hóa cũng được biết đến là nơi có đá quý để xây dựng Lăng Bác là đồi Chông (làng Đồi Chông, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy). Theo bà Phạm Thị Sự (64 tuổi, ở làng Đồi Chông, xã Cẩm Vân) cho biết: Lúc bấy giờ, tôi đang làm cán bộ văn phòng UBND xã Cẩm Vân. Làng Đồi Chông trước đây có tên gọi là làng Vụng Vo. Khoảng năm 1973 - 1974, cán bộ nhà nước có về xã đưa các thủ tục, giấy tờ về việc khảo sát, khai thác đá để phục vụ cho công trình xây dựng Lăng Bác. Toàn bộ quy trình khảo sát, khai thác, vận chuyển đá (bằng ô tô) đều do các cán bộ, công nhân nhà nước cử về làm. Chúng tôi cũng không rõ loại đá này mang về Hà Nội để làm ngôi sao vàng trên cờ Đảng, cờ Tổ quốc hay hạng mục nào trong Lăng Bác. Các cán bộ kỹ thuật, công nhân sinh hoạt, nghỉ ngơi ngay tại một số nhà dân ở gần chân đồi Chông. Lượng đá ở núi đồi Chông được đưa đi không nhiều, nhưng quy trình khảo sát trước đó rất lâu, có nhiều đợt khảo sát.

Ông Nguyễn Văn Trường- Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) chia sẻ: Chúng tôi cũng có nghe nói sự kiện khai thác đá ở đồi Chông được sử dụng làm vật liệu xây dựng Lăng Bác. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể như thế nào thì chúng tôi chưa được biết. Hiện nay, đồi Chông vẫn thuộc sự quản lý của trung ương. Mọi hoạt động khai thác ở đây đều bị nghiêm cấm khi chưa được phép của trung ương. 

Hàng nghìn lượt người đã được huy động làm công việc khai thác, vận chuyển đá đỏ để đưa về Hà Nội làm cờ trong Lăng Bác. Sự kiện lịch sử này được ghi chép tại cuốn “Dư địa chí của huyện Bá Thước” (Thanh Hóa) vừa được xuất bản năm 2015.

Lăng được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 (khánh thành 29/8/1975). Vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều miền trên cả nước. Cát được lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình do người dân tộc Mường đem về; đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương, Chiêm Hoá, Ngòi Thìa, Tuyên Quang...; đá chọn xây lăng từ khắp các nơi: đá Nhồi ở Thanh Hóa, đá Hoa (Chùa Thầy), đá đỏ núi Non Nước... 

(Theo Wikipedia).

MỚI - NÓNG