Hoàn thành tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt – Lào

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.
TPO - Phát biểu tại lễ tổng kết hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt – Lào diễn ra sáng nay tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự án đã giải quyết cơ bản công tác phân định biên giới lãnh thổ Việt – Lào, phù hợp luật pháp và thực tiễn quốc tế, với hiện trạng đường biên và quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt – Lào.

Thành quả này không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch của các địa phương và nhân dân vùng biên giới; góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới, góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện của hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong gọi việc hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt – Lào là “sự kiện lịch sử” và “để lại di sản quý giá cho các thế hệ mai sau”.

Hoàn thành tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt – Lào ảnh 1

Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong phát biểu tại hội nghị.

Hoàn thành tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt – Lào ảnh 2

Hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Lào ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới.

Trong báo cáo trình bày tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam-Lào, cho biết Việt Nam và Lào chung đường biên giới dài 2.340km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Điểm khởi đầu là ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc, và điểm kết thúc là ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia. 

Thực hiện Hiệp định hoạch định đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào năm 1977, trong giai đoạn 1978-1987, hai nước đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa, với 214 cột mốc tại 199 vị trí. Từ năm 1995 đến 2003, hai nước đã hoàn thành việc lập bộ bản đồ quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1:50.000 bằng công nghệ kỹ thuật số và giải quyết toàn bộ công việc tồn đọng sau phân giới cắm mốc. 

Tuy nhiên, sau gần 20 năm, hệ thống 119 vị trí mốc đã bộc lộ một số hạn chế, như mật độ cột mốc quá thưa (cách khoảng 10km, thậm chí 40km, mới có một cột mốc); chất lượng và độ bền vững của các cột mốc không cao, nhiều mốc đã xuống cấp nghiêm trọng; kích thước cột mốc không tương xứng. 

Năm 2008 hai bên bắt đầu thực hiện giai đoạn tăng dày, tôn tạo các cột mốc biên giới. Đến tháng 7/2013, hai nước đã hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa. Từ tháng 8/2013 đến nay, hai bên phối hợp xử lý các công việc còn lại hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đã xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí, nâng tổng số cột mốc và cọc dấu trên toàn bộ tuyến biên giới Việt – Lào lên 905 vị trí, tương ứng với 1.002 mốc và cọc dấu, tăng gấp 4,5 lần so với trước đây. Trung bình khoảng 2,6km có một vị trí mốc và cọc dấu. 

Hai bên cũng đã hoàn thành việc đo đạc để cập nhật khoảng 1.000km đường tuần tra biên giới mới thi công lên bộ bản đồ số, đồng thời xử lý gần 70 điểm sai phạm khi thi công đường tuần tra biên giới.
Trong buổi lễ tổng kết dự án, hai Chính phủ Việt - Lào đã ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới.

MỚI - NÓNG