Hoang mang: Nước giếng “giết chết” cây!

Vườn sắn của anh Thương quéo lá vì nước giếng
Vườn sắn của anh Thương quéo lá vì nước giếng
TP - Giếng nước người dân uống, sinh hoạt vẫn bình thường nhưng mang đi tưới cây thì cây bị chết, héo lá. Sự việc lạ này khiến nhiều hộ dân ở Kon Tum hoang mang.

Người uống không sao, cây thì chết quéo!


Nhiều ngày nay, nhiều hộ dân ở xóm Mới (thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô) xôn xao, lo lắng vì phát hiện nước giếng sinh hoạt của mình đang sử dụng bị nhiễm độc. 

Anh Hoàng Văn Thương cho biết: “Sau khi mua cây cà phê giống về, tôi lấy nước giếng tưới lên thì thấy cây quéo lá, ủ rũ như bị phun thuốc diệt cỏ. Thấy lạ, tôi lấy nước này tưới cho mấy cây sắn thì thấy hiện tượng tương tự. Nghi nước bị nhiễm thuốc độc, tôi hút cạn rồi lấy nước mới tưới cho vườn sắn nhưng cây vẫn bị chết. Nhổ cây sắn lên thì thấy củ bị hư”.

Theo anh Thương, nhìn bằng mắt thường thì không thấy nước có biểu hiện khác thường: nước rất trong, không có mùi lạ. “Trước khi phát hiện sự việc gia đình tôi vẫn dùng nước bình thường không thấy sao. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, mấy ngày nay cả nhà phải đi xin nước về dùng. Không biết có phải do nguồn nước hay không mà cả xóm này có rất nhiều người bị bướu cổ, vợ con tôi đều bị”, anh Thương lo lắng.

Cùng địa bàn, chị Nguyễn Thị Xuyến cho hay: “Nhiều ngày trước, tôi lấy nước tưới cho cây cải và khoảng 2 ngày sau thì cây ủ rũ, rồi chết. Đi xin nước xa, khó khăn quá nên nhà tôi vẫn liều mình dùng nước giếng. Quanh khu vực này có gần chục hộ phát hiện giếng nước có hiện tượng như thế này rồi”.

Ông A Chiến – Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết: “Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên dùng nước giếng để đảm bảo cho sức khỏe. Để người dân an tâm, bớt hoang mang, xã đã báo cáo sự việc lên huyện và phòng Tài nguyên Môi trường để có hướng xử lý”.

Theo ông Chiến, xóm Mới là khu vực quy hoạch khu dân cư cho các hộ nghèo, gia đình chính sách ở, đã giao đất cho 220 hộ và có 78 hộ với 304 khẩu sinh sống. Thời chiến tranh, nơi này là trung tâm cứ điểm E42 của quân đội chính quyền Sài Gòn, gần đó là hố rác quân sự chôn các thiết bị, linh kiện chứa vũ khí. Trên địa bàn xã đã từng xuất hiện giếng nước có nổi váng nhưng sau đó không còn.

Lấy mẫu nhưng không có kinh phí xét nghiệm

Ông Bùi Duy Miên – Cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường (Đội Y tế Dự phòng – Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô) cho biết: Sự việc được Trạm Y tế xã báo lên, chúng tôi đã xuống địa bàn kiểm tra, thấy việc cây chết do tưới nước giếng là có thật. Tôi đã lấy mẫu nước và đọt sắn bị chết lên nhưng do Trung tâm chưa có kinh phí nên chưa gửi đi xét nghiệm được. Nói dân góp tiền đi xét nghiệm với mức phí 1,2 triệu đồng nhưng họ nói không có tiền để góp, còn UBND xã thì nói báo cáo lên huyện rồi.

Sáng 2/7, trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Cảnh – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Tô cho biết: Phòng vừa mới nhận được báo cáo của xã yêu cầu “xác định nguyên nhân nước ô nhiễm”. Trước mắt, Phòng đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, sau khi nắm rõ tình hình thì mới có hướng xử lý cụ thể và đề xuất lên huyện. Còn về nguyên nhân cụ thể, còn phải chờ.

MỚI - NÓNG