Hoàng Sa- Ký ức gần, ước mơ xa

Hoàng Sa- Ký ức gần, ước mơ xa
TP - Tròn một năm kể từ ngày chúng tôi có mặt tại Hoàng Sa khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam, những trải nghiệm, ký ức vẫn còn nguyên vẹn.

Cuối tháng 5/2014, khi nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa, chúng tôi được phân công lên tàu HP 926 - vốn có mặt tại Hoàng Sa từ những ngày đầu Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam.

Chưa quen sóng nên chúng tôi phải cố bấu víu vào mọi thứ xung quanh để hòa với nhịp lắc của con tàu. Nhìn chúng tôi nhăn nhó, thuyền trưởng tàu HP 926 Nguyễn Cao Duy trấn an, “sóng này chưa ăn thua gì, các anh cứ chuẩn bị tinh thần để đón những điều ác liệt hơn”.

Vị thuyền trưởng vừa dứt lời,  tiếng còi báo động hú vang. Mặt thuyền trưởng Duy đanh lại, anh thông báo, “Tàu HP 926 đang bị 3 tàu kiểm ngư của Trung Quốc bám đuổi, tất cả mọi người sẵn sàng thực thi nhiệm vụ”.

Hoàng Sa- Ký ức gần, ước mơ xa ảnh 1

Cờ Tổ quốc trên vùng biển Hoàng Sa

Nhanh thoăn thoắt, tất cả thành viên tàu HP 926 vào vị trí của mình. Tàu HP 926 khôn khéo chạy dích dắc để tránh những đòn tập kích của tàu Trung Quốc mà nhiều ngày qua các anh thường xuyên đối mặt.

Kể từ đó, trong vòng hơn một tuần, cánh phóng viên chúng tôi cùng ăn, cùng ở, sát cánh cùng các thuyền viên của tàu HP 926 tại Hoàng Sa. Có gắn bó với họ trong những thời khắc sinh tử, chúng tôi  mới có cơ hội chứng kiến những hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên hôm nay, những con người thể hiện ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần xung kích bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nếu gặp trên đất liền, ít ai nghĩ người có khuôn mặt thư sinh, nước da trắng trẻo như anh Nguyễn Cao Duy lại là thuyền trưởng có nhiều năm liền cưỡi sóng ngang dọc trên biển Đông.

Hoàng Sa- Ký ức gần, ước mơ xa ảnh 2

Chi đoàn tàu HP 926 làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa

Thuyền trưởng sinh năm 1980 cho biết, khi tàu HP 926 nhận nhiệm vụ đi Hoàng Sa, tất cả anh em thuyền viên đều bất ngờ, nhiều người chưa kịp tạm biệt gia đình. Vì chủ quyền đất nước bị xâm phạm nên tất cả cùng gác chuyện riêng, nóng lòng lên đường làm nhiệm vụ.  

Trên đường ra Hoàng Sa, khi đi qua vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình) nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang yên nghỉ, vị thuyền trưởng trẻ hạ lệnh cho lái tàu quay mũi vào hướng tây, rúc lên ba hồi còi dài chào Đại tướng.

“Anh em tàu HP 926 tin rằng Đại tướng sẽ dõi theo từng bước sóng trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền. Niềm tin đó giúp anh em thêm nghị lực vượt qua khó khăn, áp lực”, thuyền trường Cao Duy chia sẻ.

Cũng thuộc thế hệ 8X, thuyền phó Nguyễn Bưởi là bí thư Chi đoàn HP 926. Khi vợ anh sắp vượt cạn lần hai, thủ lĩnh thanh niên tàu HP 926 bất ngờ nhận được lệnh ra Hoàng Sa.

“Các cụ nói đúng thật, ‘Đàn ông vượt bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình’. Hai lần vợ sinh nở, tôi đều đang đi biển”, thuyền phó Nguyễn Bưởi vừa chia sẻ vừa mở điện thoại cho chúng tôi xem ảnh vợ, con.

Bí thư Chi đoàn HP 926 chiêm nghiệm “chọn nghề nào gieo nghiệp ấy. Mặc dù làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nhưng các đoàn viên luôn gắn bó với tàu, coi tàu là nhà, chi đoàn là mái ấm”.

Kể từ ngày nhận nhiệm vụ ra đấu tranh trên thực địa, mọi thành viên tàu HP 926 đều ý thức sâu sắc về trọng trách nặng nề nhưng vinh dự của mình để cố gắng, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của tàu, xứng đáng với niềm tin ở đất liền. Không ai bảo ai, những đoàn viên Chi đoàn tàu HP 926 đều cố gắng gấp đôi, gấp Aba ngày thường.

Vì vậy, trước áp lực cao khi bị tàu Trung Quốc vây ráp, thuyền viên tàu HP 926 đều nêu cao tinh thần chiến đấu, bám trụ mục tiêu, bảo vệ tàu.

Ngày 12/5/2014, ngay sau khi có mặt ở Hoàng Sa, tàu HP 926 bị các tàu của Trung Quốc tấn công quyết liệt bằng cách đâm, va, dùng vòi rồng công suất lớn phá hủy các trang thiết bị như ăng ten Vinasat, hệ thống loa, phao bè. Boong trưởng Đỗ Văn Cành và thuyền viên Phạm Đức Minh đã bám trụ, dũng cảm đương đầu, bất chấp nguy hiểm. Các đoàn viên còn lại cũng xông pha, che chắn, dựng vật cản để chống lại tàu Trung Quốc. 

Ngay sau đó, bí thư chi đoàn Nguyễn Bưởi cùng các đoàn viên đề xuất việc dùng đệm nằm của mình chắn vào các tấm kính để giảm áp lực vòi rồng từ tàu Trung Quốc. Từ đó, tàu đã hạn chế tổn thất trước áp lực rất lớn của các vòi rồng.

Hay sau khi bị tàu Hữu Liên 9 (Trung Quốc) đâm va gây hư hỏng, các đoàn viên nỗ lực khắc phục khó khăn, khai thác vận hành máy đạt hiệu quả cao nhất, tự sửa chữa được các hạng mục hư hỏng do tàu Trung Quốc gây ra.

Nhiều lần, hai nhân viên ngành máy Đinh Công Quân, Trần Nhật Tuấn vững vàng, thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy tăng tốc cắt đuôi tàu Trung Quốc, nhằm tránh va chạm gây thiệt hại cho tàu, không đẩy căng thẳng lên cao.

Trong khi đó thông tín viên Lê Văn Bình (sinh năm 1987) bất chấp những khó khăn về thiết bị, đã hoàn thành xuất sắc việc giữ liên lạc với biên đội và truyền tin về đất liền.

Trước áp lực đấu tranh kiên cường của chúng ta, các tàu Trung Quốc phải lùi vào cố thủ gần khu vực giàn khoan. Đó là lúc các thành viên  trong tàu HP 926 tranh thủ những giây phút bình yên hiếm hoi để đọc báo, nghe radio, nắm bắt thông tin đấu tranh trong những ngày biển động. Cũng thông qua đó họ hiểu được tình cảm của đồng bào khắp nơi dành cho những người nơi đầu sóng ngọn gió.

Mặc cho khó khăn đang chờ đón, theo tiếng gọi của tuổi trẻ, của Tổ quốc thân yêu, những người trẻ trên tàu HP 926 vẫn “kết liên lại”, chung tay vì nghĩa vụ của thanh niên.

Ước mơ Hoàng Sa

Chúng tôi ở Hoàng Sa đúng mùa trăng. Khi ánh dương vừa tắt, cũng lúc trăng lên, vằng vặc. Giữa không gian yên bình, không khí mát dịu, anh em thuyền viên tranh thủ thả đèn bắt mực, câu cá… Giây phút thanh bình hiếm hoi đẩy lùi những hiểm nguy, gian khó.

Bất giác, trong tôi trào lên một ước mơ, “đến một lúc nào đó, bất kì người dân Việt Nam nào cũng có thể có mặt ở Hoàng Sa để tận hưởng vẻ đẹp của vùng biển, vùng trời Tổ quốc”.

Kết nạp Đảng giữa Hoàng Sa

Đối với thuyền viên Lê Văn Bình (sinh năm 1987, quê xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, Thái Bình), hải trình Hoàng Sa là một hải trình hết sức ý nghĩa khi anh được kết nạp Đảng ngay trên tàu HP 926, giữa Hoàng Sa.

Hơn 7 năm nay, Lê Văn Bình gắn bó với con tàu HP 926. Khi thực hiện nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Lê Văn Bình luôn khắc phục khó khăn trong môi trường sóng gió, đòi hỏi tính độc lập cao để truyền tải thông tin kịp thời góp sức cho cuộc đấu tranh có thể dai dẳng và khó khăn.

 “Được kết nạp Đảng trong khi làm vụ bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là vinh dự rất lớn lao”, Bình xúc động nói.

MỚI - NÓNG