Hoàng Sa mãi mãi thuộc chủ quyền của Việt Nam

Lâm Tuân (người mặc áo trắng) chỉ huy hạm đội gồm 4 chiếc (Thái Bình, Trung Nghiệp, Vĩnh Hưng, Trung Kiến) đi ra Trường Sa, Hoàng Sa giải giáp quân đội Nhật năm 1946.
Lâm Tuân (người mặc áo trắng) chỉ huy hạm đội gồm 4 chiếc (Thái Bình, Trung Nghiệp, Vĩnh Hưng, Trung Kiến) đi ra Trường Sa, Hoàng Sa giải giáp quân đội Nhật năm 1946.
TP - Tất cả các luận cứ, luận điệu do Trung Quốc đưa ra để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc, vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” thuộc Trung Quốc đều là ngụy biện và không thể phủ nhận sự thực lịch sử: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Bài viết của TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ chứng minh thuyết phục điều đó. Tiền Phong trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Kỳ 1: Luận điệu cũ trong bối cảnh mới

Để biện minh cho hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, được hộ tống bởi một lực lượng tàu, máy bay hùng hậu, trong đó chủ yếu là tàu, máy bay quân sự, hung hăng quần đảo trong một phạm vi biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc lại tung ra trên các phương tiện truyền thông hàng loạt bài viết, phát biểu, phân tích, bình luận...

Đặc biệt là phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc Vương Quán Trung về yêu sách “đường 9 đoạn” với tựa đề “hơn 2.000 năm qua Tây Sa, Nam Sa đều thuộc về Trung Quốc” đăng trên báo Giải Phóng quân Trung Quốc ngày 2/6/2014. Đây cũng chính là nội dung phát biểu của Vương Quán Trung tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La (Singapore) ngày 31/5/2014.

Nội dung phát biểu của Vương Quán Trung thực chất cũng chỉ lặp lại những luận điệu mà phía Trung Quốc đã từng nêu trước đây.

Chẳng hạn: thứ nhất, yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại “Nam Hải” được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài. Quá trình lịch sử này dài đến hơn 2.000 năm, bắt đầu từ đời Hán, Trung Quốc đã phát hiện và từng bước hoàn thiện việc quản lý “Nam Hải”, đặc biệt là các đảo, đá ở “Nam Sa” và vùng biển liên quan; thứ hai, quần đảo “Tây Sa”, quần đảo “Nam Sa” trong hơn 2.000 năm qua đều nằm dưới sự quản hạt của Trung Quốc, đều thuộc về Trung Quốc. 

Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đã xâm lược quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc. Năm 1946, Chính phủ Trung Quốc căn cứ theo “Tuyên bố Postdam” và “Tuyên bố Cairo”, đã thu hồi chủ quyền quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” từ trong tay của kẻ xâm lược Nhật Bản. 

Năm 1948, Chính phủ Trung Quốc đã vạch ra và công bố “đường 9 đoạn” mà ngày nay nói đến. Một số lượng lớn các tài liệu lịch sử và bản đồ do các nước xuất bản đều ghi lại hoặc phân ranh giới rõ ràng như vậy; thứ ba, lâu nay, các quốc gia láng giềng không hề đưa ra chất vấn về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với quần đảo “Nam Sa”, quần đảo “Tây Sa” và vùng biển phụ cận.

Vậy thật hư, đúng sai trong các luận điểm nói trên của Trung Quốc như thế nào? Thiết nghĩ, chúng ta hãy một lần nữa cùng nhau xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học trên tinh thần thật sự cầu thị.

1. Trung Quốc đã tiến hành “chiếm hữu và thực thi” chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như thế nào?

1.1. Qua nghiên cứu những hồ sơ tư liệu hiện có có liên quan đến quá trình Trung Quốc tiến xuống biển Đông, có thể thấy rằng Trung Quốc bắt đầu  nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa là vào đầu thế kỷ thứ XX (năm 1909), đó là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện  cho Nhà nước Việt Nam lúc đó, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.

Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, Chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa.

Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.

Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh  ngoại giao và dư luận.

1.2. Đối với quần đảo Trường Sa:

Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”.

Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình.

Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía Tây Bắc Trường Sa.

Năm 1995, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.                            

Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn  mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 9 vị trí.  Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 01 bãi cạn rạn san hô, bãi cạn Bàn Than.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý  về  quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với “Tây Sa” và “Nam Sa”.

Những nội dung lịch sử, địa lý... mà phía Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền trên mọi phương tiện, mọi lúc, mọi nơi thực hư như thế nào?  Giá trị của chúng đến đâu?

Qua nghiên cứu thấy rằng, đúng là các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong đó, nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền và việc nhân dân Trung Quốc “đến hai quần đảo này hàng hải, sản xuất”.

Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung về các địa điểm chứ không có ý nghĩa đáng kể trong pháp lý, nhờ đó, có thể đặt hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Cụ thể:

Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc, 220-265) viết dưới triều Hán Vũ Đế là cuốn sách hướng dẫn hàng hải trong biển Đông nhưng lại rất không chính xác, không thể căn cứ vào đó để xác minh được quần đảo này hay quần đảo khác trong số hai quần đảo ngày nay đang bị tranh chấp.

Phù Nam truyện của Khang Thái viết cùng thời kỳ này ghi nhận rằng, đã gặp trong Trướng Hải các đảo san hô và khẳng định đây là những mô tả về quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, đoạn trích này rất mơ hồ, rất thiếu chính xác, không thể căn cứ vào đó để nói rằng đó chính là Trường Sa.

Các tác phẩm khác như Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi (đời Tống, 1178), Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát (đời Tống, 1225), Đảo di chí lược của Vương Đại Uyên (đời Nguyên, 1349), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp (1618), Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi (1628), Hải quốc văn kiến lục viết dưới đời Thanh, Hải Lục của Vương Bính Nam (1820), Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên (1848) và Doanh hoàn chí lược của Bành Ôn Chương (1848)… là một tập hợp các tác phẩm liên quan đến các chuyến đi, các chuyến khảo địa lý, sách hàng hải liên quan tới các nước bên ngoài Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đình Đầu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam cho rằng, thật khó có thể chấp nhận với các tác giả Trung Quốc khi họ rút ra từ đó kết luận: Hoàng Sa, Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ của Trung Quốc: “Bản đồ cổ của Trung Hoa vẽ về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XV ghi rõ địa điểm của Việt Nam là Giao chỉ quốc, nước Giao chỉ và biển thì ghi rõ là Giao chỉ dương, tức là ghi rõ đất liền là Giao chỉ quốc và biển là biển của Giao chỉ là Giao chỉ dương. Hàng trăm bản đồ quốc tế khác cũng đều chỉ rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tất cả đều rất thống nhất với nhau”.

Đón đọc kỳ 2

Người Trung Quốc đưa thêm các dẫn chứng khác để chứng minh chủ quyền từ lâu đời của mình đối với hai quần đảo này như thế nào? Và những dẫn chứng ấy vô lý ra sao? 

MỚI - NÓNG