HOÀNG SA ngày 1/6: Máy bay Trung Quốc đe dọa tàu Việt Nam

Máy bay Trung Quốc bay trên các tàu chấp pháp Việt Nam - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Máy bay Trung Quốc bay trên các tàu chấp pháp Việt Nam - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Hàng chục tàu Trung Quốc ồ ạt lao ra cản phá, chèn ép các tàu chấp pháp Việt Nam. Ngoài ra, máy bay cánh bằng của Trung Quốc còn bay với độ cao rất thấp (chỉ khoảng 200m) bên trên không phận để uy hiếp tàu cảnh sát biển 2016.

Rút kinh nghiệm việc tàu HP 51 của ta bị rất đông tàu Trung Quốc bao vây, đâm va và phun vòi rồng trong ngày hôm qua, sáng nay biên đội tàu của Việt Nam xuất phát làm nhiệm vụ chấp pháp gồm các tàu CSB 2016, tàu Kiểm Ngư KN 635, KN 769, KN 763.

Khi còn cách giàn khoan Hải Dương 981 tới 8,5 hải lý, các tàu Trung Quốc đã xuất hiện và lại giở thói hung hăng tấn công các tàu của Việt Nam.

 “Tôi có thể nhìn thấy tàu Hải cảnh 32, tàu 3210 và hàng chục tàu khác của Trung Quốc lao ra truy cản đội hình tàu chấp pháp của Việt Nam. Tàu KN 635 bị tàu Hải cảnh 32 và tàu 3210 đuổi theo nhằm truy cản và phun vòi rồng tấn công. Tuy nhiên, tàu KN 635 đã áp dụng mẹo… chạy ngược gió và kết quả là toàn bộ vòi rồng từ các tàu của Trung Quốc đều bắn không tới tàu KN 635. Cuộc rượt đuổi này kéo dài khoảng 3 hải lý”, phóng viên Hồng Chuyên cho biết.

Vào lúc 11h30 trưa nay, các tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo và máy bay Trung Quốc bất ngờ nhào đến tấn công các tàu chấp pháp Việt Nam. Màn tấn công này kéo dài gần 2 tiếng, trong phạm vi 5 hải lý.

Phóng viên Hồng Chuyên đang có mặt tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa nơi giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cho biết: “Vào lúc 11h30 trưa nay, khi tàu cảnh sát biển 2016 đang hoạt động ở khu vực cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 9 hải lý thì xuất hiện hàng chục tàu Trung Quốc ồ ạt lao ra cản phá, chèn ép. Tàu CSB 2016 bị tàu Hải cảnh 46001 của Trung Quốc áp sát và cố tình tạo hiện trường ‘bị đâm va’, có lúc khoảng cách giữa hai tàu chỉ còn là 20m. Tình thế hết sức căng thẳng.

Các tàu chấp pháp của Việt Nam đã mở loa tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan về nước. Phía Trung Quốc cũng phát loa ngang ngược cho rằng đây là vùng thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và yêu cầu tàu Việt Nam rời khỏi khu vực này.

Đồng thời lúc này trên bầu trời cũng xuất hiện máy bay cánh bằng, bay với độ cao rất thấp (chỉ khoảng 200m) bên trên không phận để uy hiếp tàu cảnh sát biển 2016. Từ boong tàu, chúng tôi có thể nhìn rõ số hiệu máy bay là CMS – V3843. Chiếc máy bay này lượn 4 vòng trên đầu các tàu của Việt Nam.

Ngoài ra tàu kiểm ngư KN 635 cũng bị tàu kéo Trung Quốc số hiệu 242, 285, và các tàu Hải cảnh, hải giám số hiệu 44003, 44074, 46102, 46059, 44103… ép sát, cản trở. Trong đó, tàu 46102 của Trung Quốc đã hung hãn dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam khoảng 5 phút .

Sau hơn một giờ cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các tàu Trung Quốc mới dừng lại. Phạm vi tàu truy đuổi và tấn công các tàu của Việt Nam lên đến 5 hải lý. Đến phút cuối lại xuất hiện thêm một máy bay cánh bằng nữa”.

Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển, trong ngày hôm qua (31/5), tại hướng đông bắc giàn khoan Hải Dương 981, xuất hiện một tàu vận tải kéo lớn đậu sát giàn khoan. Tiếp đó, chiếc cần cẩu trên giàn khoan nhận lấy thứ gì đó từ tàu vận tải trên để đưa lên giàn khoan. Quá trình trung chuyển này diễn ra suốt buổi sáng cho đến cuối chiều thì kết thúc.

Theo nhận định của PV thì có thể phía Trung Quốc đưa lương thực, thực phẩm lên phục vụ cho những người đang làm việc trên giàn khoan. Song, cũng không loại trừ phía Trung Quốc đưa thêm thiết bị, máy móc ra Hoàng Sa để thực hiện mục đích thăm dò dầu khí.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG