Hoàng Sa, Trường Sa giữa Sài Gòn

Hoàng Sa, Trường Sa giữa Sài Gòn
Hiện chỉ còn nâng hai cầu Điện Biên Phủ và Thị Nghè là tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa (ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) gần như thông suốt từ giao lộ Út Tịch - Lê Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) đến Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1 và Q.Bình Thạnh).

Hoàng Sa, Trường Sa giữa Sài Gòn

> Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sống lại
> Đà Nẵng: Đường dài nhất mang tên Hoàng Sa - Trường Sa

Hiện chỉ còn nâng hai cầu Điện Biên Phủ và Thị Nghè là tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa (ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) gần như thông suốt từ giao lộ Út Tịch - Lê Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) đến Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1 và Q.Bình Thạnh).

Cầu Lê Văn Sĩ qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có độ tĩnh không thấp, cần phải nâng cao. Ảnh: Minh Đức
Cầu Lê Văn Sĩ qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có độ tĩnh không thấp, cần phải nâng cao. Ảnh: Minh Đức.

Trong đó, việc nâng cầu Điện Biên Phủ đang được các cơ quan chức năng đề xuất triển khai.

Từ năm 2010 đến nay, TP đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng và xây dựng xong đường Hoàng Sa dài 8,7km, đường Trường Sa dài khoảng 8,5km (qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh). Hai tuyến đường này được mở rộng lòng đường từ 7m lên 9m cho ba làn xe lưu thông.

Trước đó, năm 2006, TP đã triển khai xây dựng cầu Công Lý (Q.3 - Q.Phú Nhuận) mới, nâng cao độ tĩnh không cầu để xe lưu thông dưới dạ cầu thông suốt trên đường Hoàng Sa và Trường Sa. Đến năm 2009, Sở GTVT tái khởi công xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám (Q.1 - Q.Bình Thạnh) mới, thay cầu Hoàng Hoa Thám xây dựng dở dang suốt 11 năm và nâng cao tĩnh không cầu để xe lưu thông suốt trên đường Hoàng Sa và Trường Sa.

Thế nhưng, tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn nhiều cầu có độ tĩnh không thấp như: cầu Lê Văn Sĩ (Q.3 - Q.Phú Nhuận), cầu Kiệu (Q.1 - Q.Phú Nhuận), cầu Bông (Q.1 - Q.Bình Thạnh), cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q.1 - Q.Bình Thạnh), cầu Điện Biên Phủ (Q.1 - Q.Bình Thạnh) và cầu Thị Nghè (Q.1 - Q.Bình Thạnh).

Những cây cầu có độ tĩnh không thấp này đã cắt khúc từng đoạn đường xe lưu thông trên hai tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc xây dựng và nâng cao độ tĩnh không cầu để xe lưu thông thông suốt trên hai tuyến đường này trở thành yêu cầu bức xúc của TP nhằm giảm áp lực giao thông trên trục đường Bắc - Nam như: Lê Văn Sĩ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi và Cách Mạng Tháng Tám.

Năm 2012, UBND TP đề nghị và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chấp thuận sử dụng vốn dư khoảng 40 triệu USD của dự án Nâng cấp đô thị TP để đầu tư xây dựng mới bốn cầu, gồm cầu Lê Văn Sĩ, cầu Bông trên (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), cầu Kiệu và cầu Hậu Giang (Q.6-thuộc dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm).

Ông Lê Thanh Liêm, giám đốc ban quản lý dự án này, cho biết trong năm 2013 sẽ triển khai xây dựng các chiếc cầu trên, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho đường Hoàng Sa, Trường Sa và đường ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Mới đây, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã khởi công xây dựng đường chui dưới dạ cầu Bùi Hữu Nghĩa để thông tuyến đường Trường Sa. Đồng thời ở đường Hoàng Sa, công trình sẽ mở rộng đường chui dưới dạ cầu Bùi Hữu Nghĩa từ 5m lên 7m để đồng bộ với các đường chui của nhiều chiếc cầu khác trên đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Công trình có tổng vốn đầu tư 23 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 10 tháng thi công và chỉ dành cho ôtô từ 9 chỗ trở xuống cùng xe máy lưu thông.

Ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - cho biết đơn vị này vừa trình Sở GTVT TP dự án làm đường chui ở dưới dạ cầu Điện Biên Phủ (Q.1 - Q.Bình Thạnh). Đường chui này dài 60m và rộng 7m, dành cho xe từ 9 chỗ trở xuống và xe máy lưu thông trên tuyến đường Trường Sa. Tổng vốn đầu tư công trình này 40 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2013 và hoàn thành sau một năm thi công.

Tuy nhiên, phía đường Hoàng Sa không làm đường chui dưới dạ cầu Điện Biên Phủ vì vướng tuyến ống cấp nước chính của TP. Theo ông Thắng, việc nâng cao độ tĩnh không các cầu trên sẽ giúp hai trục đường Hoàng Sa và Trường Sa thông suốt, góp phần giảm áp lực giao thông cho nhiều tuyến đường trong khu vực.

Riêng cầu Thị Nghè 1 (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh) nằm trong danh mục cầu yếu cần nâng cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn vốn đầu tư xây dựng mới để nâng cao tĩnh không cầu. Hơn nữa, việc nối thông tuyến đường Hoàng Sa qua cầu Thị Nghè 1 lại vướng vào khu đất Thảo cầm viên Sài Gòn, trong khi khu đất này chưa có quy hoạch về giao thông. Do vậy việc xây mới cầu Thị Nghè 1 để nối thông đường Hoàng Sa và Trường Sa ra đến cầu Thị Nghè 2 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh - đoạn cuối tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sẽ được xem xét đầu tư sau năm 2015.

Nếu cơ quan chức năng xem xét, nâng độ tĩnh không các cầu trên, khi đó người dân từ các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh sẽ lưu thông ra vào một mạch trên đường Hoàng Sa và Trường Sa tới Q.1 - trung tâm TP. Hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa (mỗi đường lưu thông một chiều xe) có rất ít đèn tín hiệu giao thông nên thời gian đi lại được rút ngắn hơn nhiều so với các tuyến đường lân cận.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG