Hoàng Sa, Trường Sa - lịch sử ghi những ngày này: Ngư dân Việt không nao núng

Thuyền trưởng Bùi Văn Phải và ngư dân Phạm Quang Thạnh bên con tàu cháy. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
Thuyền trưởng Bùi Văn Phải và ngư dân Phạm Quang Thạnh bên con tàu cháy. Ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
TP - Ngư dân Việt Nam liên tiếp bị Trung Quốc đâm chìm tàu, bị dồn đuổi, bị cướp bóc khủng bố giữa vùng biển chủ quyền của mình - Hoàng Sa, Trường Sa. Song họ  không hề nao núng. Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là nhà…

Diễn biến mới, thủ đoạn không mới

Ngày 2/4/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang khai thác trên vùng biển chủ quyền, rồi tuyên bố xây dựng hai “trạm nghiên cứu” tại khu vực bãi đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến trung tuần tháng 4/2020, Trung Quốc ngang ngược ra thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”. Và chỉ một ngày sau đó, Trung Quốc vô cớ đặt tên cho 80 cấu trúc thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, bao gồm 25 đảo, bãi cạn và bãi đá ngầm, cùng 55 núi và rặng núi dưới biển…

Hoàng Sa, Trường Sa - lịch sử ghi những ngày này: Ngư dân Việt không nao núng ảnh 1 Thuyền trưởng Đặng Tự từng bị Trung Quốc bắt giữ nhiều lần

Những động thái khiêu khích nguy hiểm trong khi ngay tại Trung Quốc cũng chưa thoát khỏi đại dịch COVID - 19 hoành hành, khiến những người hiểu biết và tỉnh táo ở mọi quốc gia thấy bất ngờ.

Tôi trò chuyện với Đại tá Lưu Tiến Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Cảnh sát Biển, theo số điện thoại đã lưu lại giữa Hoàng Sa từ năm 2014. (Trong sự kiện giàn khoan HD 981 nóng bỏng ngày ấy, chúng tôi may mắn được sát cánh bên ông và những người lính cảnh sát biển gần 2 tuần trên con tàu CSB 8003). Đầu máy bên kia vẫn chất giọng chậm rãi, từ tốn như ngày nào. Người lính ấy từng  bước ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nằm 1979 và sau này gắn bó với Cảnh sát biển, với biển đảo.

Hỏi về Hoàng Sa, Trường Sa những ngày này, khi Trung Quốc đang ráo riết lấn tới, ông bảo, mình không phải người phát ngôn chính thức của lực lượng Cảnh sát Biển, mà chỉ giãi bày với tư cách công dân, người lính: Từ năm 2014 đến giờ, đây là lần thứ hai tàu tuần tra Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Hành động này có tính chất dã man. Theo thông lệ, tàu gặp nạn trên biển còn được cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa, huống gì… Bản chất của Trung Quốc luôn là vậy, không thay đổi. Sách lược đấu tranh ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biển Đông như hiện nay là rất phù hợp. Dựa vào chính mình, mềm mỏng nhưng kiên quyết… 

Tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Xuân Hà, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị các tàu hải cảnh Trung Quốc vây ráp, đâm chìm giữa Hoàng Sa chiều 26/5/2014, xác tàu đã được những ngư dân quả cảm giành giật lại, kéo về bờ, nay đang nằm tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Đà Nẵng. Đây là một bằng chứng nhức nhối.

Còn tàu cá QNg 90617 TS của ngư dân 33 tuổi Trần Hồng Thọ (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm lúc 3 giờ sáng 2/4/2020 đã chìm dưới lòng biển Hoàng Sa. Đóng thêm một dấu mốc chủ quyền…

Thực ra, những thủ đoạn của Trung Quốc đối với biển Đông là không mới. Trước đó, từ năm 1983, Trung Quốc đã ngang nhiên đặt tên cho cả 287 cấu trúc ở biển Đông, nơi thuộc chủ quyền của nhiều quốc gia khác. Nhưng diễn tiến mới với mức độ ngang ngược được tăng cường tới mức độ nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông thì không còn bình thường.

Tháng 10/2019, hình ảnh và những thước phim ghi lại cảnh tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc nổi lên “chèn ép” những tàu cá nhỏ bé của ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa xuất hiện trên truyền thông quốc tế khiến thế giới sửng sốt. Và ngay thời điểm trên, tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh khai mạc sáng 21/10/2019 với chủ đề “Duy trì trật tự quốc tế và xây dựng hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa lại một lần nữa ngụy biện khi tuyên bố hầu như toàn bộ biển Đông “đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”. Trung Quốc đã bất chấp sự thật lịch sử, bằng chứng pháp lý, cũng như các Công ước quốc tế khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 sáng 21/10/2019,  về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng”. Trước đó, hôm 15/10/2019, tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ ý chí và quyết tâm của Việt Nam: “Chúng ta cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta không bao giờ nhân nhượng”.

Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là nhà

Hoàng Sa, Trường Sa - lịch sử ghi những ngày này: Ngư dân Việt không nao núng ảnh 2 Những ngư dân trên tàu ông Trần Hồng Thọ trắng tay trở về đất liền sau khi tàu bị Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tôi cũng vừa trò chuyện với vợ chồng thuyền trưởng Đặng Tằm ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Lúc tàu của anh Thọ cùng 8 ngư dân bị đâm chìm, lập tức tàu QNg 90045 TS của ông Tằm dưới sự điều khiển của em ruột ông là Đặng Tự cùng 2 tàu khác lao vào ứng cứu. Sau khi bắt được hai tàu kia đưa vào đảo Phú Lâm, cùng lúc 3 tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi theo tàu ông Tằm suốt hàng chục giờ đồng hồ. Bị chèn ép bắn vòi rồng, chiếc tàu của ông Tằm bị hư hỏng nặng, thuyền trưởng bị thương do mảnh gỗ tàu vỡ ra bắn vào tay… Hỏi về dự định sắp tới, ông Tằm cho biết, vừa sửa chữa xong tàu rồi, chuẩn bị mai mốt ra khơi bình thường…

Không nhớ chính xác đây là chiếc tàu thứ mấy của hai anh em ông Tằm, ông Tự được sửa chữa, thay thế sau nhiều lần bị tấn công, bắn phá ở Hoàng Sa kể từ mấy năm trở lại đây. Riêng trong hai năm từ 2010 đến 2012, hai anh em ông đã bị tàu Trung Quốc tấn công, bắt giữ 3 lần, thiệt hại hàng tỷ đồng. Vào năm 2012, ông Tằm cùng các ngư dân bị Trung Quốc bắt đưa lên đảo Phú Lâm, cưỡng bức “phạt” 70 vạn Nhân dân tệ.

Hôm 19/4/2020, con tàu “tình nghĩa” QNg 96169 TS trên 600 mã lực của thuyền trưởng 31 tuổi Bùi Văn Phải (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cùng 17 ngư dân cũng vừa từ Trường Sa cập bờ Lý Sơn.

Thuyền trưởng Phải cho biết, chuyến này tàu đánh bắt được hơn 10 tấn hải sản. Sản lượng như vậy là ổn, nhưng hơi ngặt là do dịch bệnh nên giá hải sản xuống thấp quá, chỉ bằng khoảng 60% so với năm ngoái. Đây là chuyến ra Trường Sa thứ 2 của Bùi Văn Phải kể từ sau Tết đến nay.

“Sản lượng vậy cũng là tạm được. Nhưng mừng hơn là anh em thuyền viên luôn vững tâm bám biển”, thuyền trưởng Phải nói. Được biết, trong số 17 ngư dân trên tàu anh Phải, chỉ có một người quê ở Sông Cầu (Phú Yên), còn lại toàn bộ là dân đảo Lý Sơn.

Từ 7 năm về trước, Bùi Văn Phải khi đó mới 24 tuổi cùng với con tàu cá nhỏ bé QNg 96382 đã nổi tiếng trên báo chí thế giới. Khi tàu anh cùng 9 ngư dân bị tàu ngư chính số hiệu 786 của Trung Quốc rượt đuổi và bắn cháy khoang tàu giữa Hoàng Sa vào sáng 20/3/2013.

Giữa lúc hiểm nghèo cứu tàu cứu mình, thuyền trưởng Bùi Văn Phải vẫn kịp tháo lá cờ Tổ quốc đã bị cháy sém cuốn vào ngực… Lá cờ này sau đó đã được đón về trưng bày ở Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tại Hà Nội. Thuyền trưởng Bùi Văn Phải được T.Ư Đoàn trao danh hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (lúc đó) gặp gỡ, động viên. Con tàu cũ mất đi, Bùi Văn Phải được Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn trao con tàu mới lớn hơn, được đóng bởi sự chung tay của người dân cả nước.

Cũng chính với con tàu tình nghĩa này, buổi sáng 11/7/2019, giữa vùng biển Trường Sa, thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã bỏ dở việc đánh bắt, chấp nhận thiệt hại và nguy hiểm, chỉ huy anh em cứu vớt 32 ngư dân Trung Quốc bị đắm tàu đang chới với “nghìn cân treo sợi tóc” trên biển. Lúc đó, biển động dữ dội, tàu cá của ngư dân Trung Quốc bị sóng lớn đánh vỡ, số ngư dân này chỉ còn biết bám vào mấy cái can nhỏ, tuyệt vọng trên sóng dữ.

Cứu được 32 ngư dân Trung Quốc lên tàu mình, Bùi Văn Phải cung cấp thức ăn, nước uống, kiểm tra sức khỏe cho các nạn nhân, nhanh chóng điện báo cho Đài trực canh trên bờ. Thông tin nhanh chóng chuyển về cơ quan chức năng. Sau đó, thông qua cơ quan ngoại giao, số ngư dân Trung Quốc này được trả cho phía Trung Quốc…

Chiều 22/4, tôi điện cho Bùi Văn Phải, anh cho biết, anh em đang nạp nhiên liệu, lương thực ở tàu, để mai mốt tiếp tục ra khơi.

Hoàng Sa, Trường Sa chính là nhà của mình.

Thế giới đang trải qua những biến động khốc liệt. Lịch sử sẽ khắc ghi những tháng ngày này, không chỉ về virus Vũ Hán, mà còn về những hành động bất chấp luật pháp, đạo lý của Trung Quốc, trên biển Đông. 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.