Hoang tàn khu tái định cư

Hàng loạt nhà tái định cư ở buôn Ea Kal bị bỏ hoang
Hàng loạt nhà tái định cư ở buôn Ea Kal bị bỏ hoang
TP - Mục tiêu Nhà nước bố trí tái định cư ra vùng thuận lợi hơn nhằm giúp dân an cư lạc nghiệp, nhưng thực tế tại Đắk Lắk cho thấy người dân vùng tái định cư vẫn trở lại làng cũ, rừng hoang, khiến hàng trăm căn nhà tái định cư đã được đầu tư tiền tỷ xây dựng trở nên vô dụng, dân đã nghèo lại càng thêm khổ.

Không thoát nổi kiếp nghèo

Chúng tôi tìm về xã Vụ Bổn - một xã nghèo của huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có 5 buôn tái định cư (TĐC) thuộc chương trình 132, 134 của Chính phủ gồm: Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kruê, Cư Knia và Ea Kal. Tại đây nhiều công trình, dự án được triển khai, hạ tầng cơ sở bước đầu được cải thiện. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều hộ dân vùng TĐC lại bỏ nhà đi đến vùng đất khác hoặc trở về nơi ở cũ.

Điển hình là buôn Ea Kal nay chỉ còn 18 hộ. Trước mắt chúng tôi, cả khu TĐC rộng lớn cỏ mọc um tùm, lác đác vài bóng người, hàng dài những ngôi nhà cửa mở toang, mái tôn bị gió thổi tung, cửa kính vỡ từng mảng. Ông Nay Lập trưởng buôn thở dài: “Ở đây, tôi như tướng không quân. Năm 2012 có 66 hộ thuộc xã Ea Kênh chuyển về đây sinh sống, được bố trí nhà xây sẵn rộng 28m2 trên diện tích thổ cư 400m2, còn đất sản xuất được cấp tùy vào số khẩu. Nhưng nay các hộ đã bỏ khu TĐC, để lại hàng chục căn nhà trống hoác, nhiều căn không có người ở đã hư hỏng, xuống cấp. Lý do là đất đai cằn cỗi, thiếu nước, nhà cửa xuống cấp, đường sá đi lại khó khăn,  khiến người dân không còn mặn mà với nơi ở mới”.

Ông Y Khen Niê (43 tuổi), một trong số những người dân ít ỏi còn bám trụ lại giãi bày: Tưởng đâu chuyển về chỗ TĐC sẽ có thêm đất canh tác để bớt nghèo, ngờ đâu lại nghèo hơn. Đất sản xuất toàn đất xấu, làm không đủ ăn, quanh năm phải làm thuê kiếm sống, không có tiền tích lũy, làm sao dân sống nổi đây?

Buôn Cư Knia được thành lập năm 2005 nhằm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 90 hộ dân 2 xã Ea Kly và xã Krông Búk. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 65 hộ dân,  những hộ khác đã trở lại nơi ở cũ để mưu sinh.

Bà H’Miam Byă (35 tuổi, trú tại buôn Cư Knia) tâm sự: Gia đình tôi được cấp 400m2 đất ở và 0,9 ha đất sản xuất nhưng chỉ trồng được sắn chứ không thể trồng bắp vì đất quá xấu. Cả gia đình 7, 8 người không đủ ăn đành phải đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy! Đến mùa thu hoạch cà phê chồng con phải đi tận Đắk Nông để hái thuê cho người ta, hoặc đi nhặt phân bò về bán lấy tiền đong gạo.

Bà H’Lư Niê (42 tuổi) chia sẻ: Nhà TĐC mới xây xong đã xuống cấp. Nhiều nhà không thể ở được, nước sinh hoạt còn không có thì lấy đâu ra nước cho cây trồng. Buôn có đến 4 đập nước, nhưng lại không có nước. Công trình nước sạch dùng chưa đầy năm đã xuống cấp trầm trọng không thể sử dụng được. Bà con phải đi bộ đến các sông suối cách nhà 2-3 km để lấy nước, hoặc xin dùng nhờ giếng người ta.

So với 27 thôn buôn của xã thì buôn Cư Knia khó khăn hơn cả, với 100%  hộ nghèo. Trẻ em học cao nhất đến lớp 5 là nghỉ học, theo bố mẹ lên rẫy vì đường sá cách trở, lầy lội, cứ mưa to là cả buôn bị cô lập.

 Ông Lê Viết Nhượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vụ Bổn cho biết: Những hộ chuyển về đây là theo diện thiếu đất sản xuất. Mặc dù Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng trình độ dân trí thấp,  cộng với đất đai cằn cỗi, nên đến đây họ vẫn cứ  nghèo khó, chẳng có gì hơn khi mới chuyển về.

Trở lại với rừng

Nằm cách UBND xã Ea Đah, huyện Krông Năng chưa đầy 200m nhưng nhiều năm nay, hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mông ở thôn Giang Đông đã bỏ khu TĐC, kéo nhau vào sinh sống trong rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Trưởng thôn Giàng A Nụ cho hay: “Cả làng có 87 căn nhà thì chỉ có 10 căn nhà có người toàn già yếu, đau ốm, bệnh tật, và mấy đứa trẻ con ra trọ học. Số còn lại trở về làng cũ hết rồi”.

Làng cũ mà ông Nụ nhắc tới là ngôi làng nằm sâu trong rừng phòng hộ Krông Năng. Năm 1995-1996, hàng chục hộ dân ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái di cư vào đây chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nhà ở và sản xuất. Khu vực này nằm biệt lập với bên ngoài nên dù đã hình thành hơn 10 năm, cụm dân cư tự phát này vẫn không có điện, trường, trạm y tế và không cả nước sinh hoạt. Đồng bào lại còn duy trì nhiều tệ nạn, hủ tục lạc hậu như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đông con...

Năm 2004, huyện Krông Năng và tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng khu định canh, định cư tại thôn Giang Đông, xã Ea Đah từ nguồn kinh phí hỗ trợ Chương trình 134, 167 của Chính phủ, đưa toàn bộ các hộ dân ra. Tại nơi TĐC mới, do đất sản xuất ít lại bạc màu, không có nước tưới, chỉ trồng được mỗi vụ mì nên sau một, hai năm bà con lại kéo nhau về làng cũ. Ông Giàng A Nụ than thở: Nhà TĐC họ làm vừa nhỏ vừa thấp, nóng nực trong khi đa số hộ đều đông con nên không ở được. Nhiều hộ dân nghèo quá đã bán đất rẫy, thậm chí dỡ cả nhà được cấp diện 167 bán, lấy tiền tiêu!

Ông Cao Kỳ Thuyết Chủ tịch UBND xã Ea Đah cho rằng: Việc người dân bỏ khu TĐC trở lại làng cũ không chỉ gây lãng phí hàng chục tỷ đồng ngân sách Nhà nước, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy. Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên sớm thực hiện dự án 342 với nguồn kinh phí 110 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, cấp đất cho hơn 300 hộ dân hai thôn Giang Đông và Giang Thanh để người dân an cư, lập nghiệp ngay trên diện tích đất lâm nghiệp mà người dân đã khai phá, sản xuất.

MỚI - NÓNG