Hoàng thành Thăng Long: Ai nhớ? Ai quên?

Hoàng thành Thăng Long: Ai nhớ? Ai quên?
Liệu di tích có dầu dãi thêm một mùa mưa nữa? Đời vẫn mở mà thành im ỉm khóa

Có thể sơ lược hành trình của Hoàng thành Thăng Long từ khi rũ bụi để xuất lộ như sau: Tháng 12/2002 bắt đầu khai quật; năm 2003 liên tục đón khách tham quan; tháng 3/2004 tạm thời dừng khai quật để chuẩn bị báo cáo cơ quan TW; tháng 9/2004 Viện Khoa học xã hội VN gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến, trong đó khẳng định lại giá trị của khu di tích 18 Hoàng Diệu - HN và đề xuất phương án bảo tồn.

Bảo tồn toàn bộ như một bảo tàng ngoài trời? Kết hợp xây dựng các công trình mới với bảo tồn tại chỗ một số phần tiêu biểu quý giá nhất của di tích, đồng thời xây dựng một bảo tàng-có thể là Bảo tàng Thăng Long hoặc dành một phần diện tích trong Nhà Quốc hội (mới) để trưng bày tài liệu, hiện vật từ di tích? Hay tạm lấp cát, khi hội đủ kỹ thuật, tài chính...sẽ khai quật lại? 3 phương án ấy đã nhiều lần được nêu ra tại vô số hội thảo cũng như văn bản, nay lại vẫn là “những câu hỏi lớn chưa lời đáp”.

6 tháng trôi qua, Hoàng thành Thăng Long im ỉm khoá lặng yên bên con phố thuộc loại đẹp nhất Thủ đô. Bên kia, phía đường Nguyễn Tri Phương, Thành cổ Hà Nội tiếp tục mở cửa đón khách tham quan.

“Ưu tiên giữ gìn sự nguyên vẹn của Hoàng thành Thăng Long”, “Ưu tiên ban hành quyết định bảo tồn dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất”, “Bất kỳ lý lẽ nào (ví dụ mọi ý kiến liên quan đến kinh tế, phát triển, ý thức hệ) đưa ra nhằm hi sinh sự bảo vệ lâu dài của Thành cổ cho một thực tế trước mắt đều không thể chấp nhận được”.

(Trích báo cáo của UNESCO sau hội nghị bàn tròn quốc tế 2004)

Một quan chức thuộc ngành khảo cổ cho biết: Hiện vật và các hố khai quật vẫn được chuyên gia khảo cổ bảo trì thường xuyên nên cũng đỡ đi phần nào ảnh hưởng của môi trường. Hố không có nước đọng. Rêu rong mọc lên, nhưng theo lời quan chức này, điều ấy không đáng lo, “cứ để mặc rêu rong, khi cần chúng ta có thể xử lý sáng bóng ngay”. Dự tính tháng 9/2004 thi công mái che tạm (có mô hình thiết kế hẳn hoi của trường ĐH Xây dựng) nhưng đến giờ, Hoàng thành vẫn phủ bạt.

Giới nghiên cứu văn hoá: “cho đến bây giờ mặt vẫn chau”!

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu-Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cho biết: “Với tư cách một nhà khoa học, tôi sốt ruột vô cùng cho Hoàng thành Thăng Long. Chúng ta phát hiện ra một di sản lớn, nếu mình không bảo vệ được, không chăm lo giải pháp bảo tồn thì thật khó chấp nhận”.

Hoàng thành Thăng Long: Ai nhớ? Ai quên? ảnh 1
Trong khi chờ giải pháp tối ưu, di tích Hoàng Thành vẫn dãi gió dầm mưa

Trả lời câu hỏi “Văn phòng Chính phủ đã họp cùng Hội đồng Di sản QG một lần về Hoàng thành Thăng Long, đúng không?”, GS.TS Tiêu nói: Đó là cuộc họp mà Hội đồng báo cáo Thường trực Chính phủ về quy hoạch khu Ba Đình, trong đó đương nhiên có liên quan đến khu 18 Hoàng Diệu. Chứ không phải là cuộc họp riêng về Hoàng thành Thăng Long.

PGS.TS Phạm Mai Hùng-Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá QG, Chủ tịch Hội Di sản văn hoá VN cũng khẳng định: Hội đồng Di sản văn hoá QG mới thành lập, chưa họp lần nào nên chưa thể hiện chức năng chính là tư vấn cho Thủ tướng ở các vấn đề văn hoá, ngoại trừ vụ đồi Vọng Cảnh. Đối với Hoàng thành Thăng Long, chưa có ý kiến giao Hội đồng nghiên cứu và tư vấn. Như vậy, đến bao giờ mới có quyết định chính thức về “số mệnh và hành trình tương lai” cho Hoàng thành Thăng Long?

PGS.TS Tống Trung Tín bày tỏ hi vọng: Tôi nghĩ sắp có rồi. Không lâu nữa đâu, và không thể lâu được. Ông Tín không cho phép PV vào thăm Hoàng thành theo quy định chung hiện nay, ông cũng không mô tả kỹ lưỡng bối cảnh khu khai quật những ngày này.

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, “Bộ VHTT đã hoàn thành nhiệm vụ khi gửi báo cáo lên Chính phủ. Về phương án, Bộ trình bày rõ ràng trên cơ sở thực tế, thực lực, tiềm lực chứ không chỉ dựa trên lòng mong muốn. Cũng có cái khó là điều kiện bảo tồn ngoài trời của ta còn quá ít kinh nghiệm. Nhiều di tích đơn thuần thôi cũng khó có thể bảo tồn đúng tiêu chuẩn khoa học”. “Giả sử khi Thủ tướng yêu cầu tư vấn, ông sẽ đề xuất phương án nào?” GS.TS Tiêu nói: “Tôi đồng ý bảo tồn toàn bộ, nhưng giữ lại làm bảo tàng ngoài trời một phần thôi, còn lại lấp cát rồi dựng công viên văn hoá hoặc vườn hoa phía trên. Chúng tôi cũng đề nghị sau khi hoàn thành xây dựng Trung tâm Hội nghị QG sẽ tổ chức trưng bày hiện vật khảo cổ học khu 18 Hoàng Diệu”.

Hồi tháng 8 năm ngoái, ngay khi Hội thảo toàn quốc về Hoàng thành Thăng Long đang diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Trương Quốc Bình đã lên tiếng: “Chúng ta bàn ít thôi, ngoài kia Hoàng thành mưa đang ngập, nắng đang tràn”. Rồi sau đó liên tục những cảnh báo của GS Hoàng Văn Khoán, nhà sử học Dương Trung Quốc...và dư luận báo chí.

Hiếm có cơ hội nào dành cho giới khảo cổ học trên đất VN mỹ mãn như khu Hoàng thành Thăng Long. Chúng ta đã thừa hưởng những di sản dưới lòng đất khá toàn vẹn, không một tầng văn hoá nào bị mất dấu vết. Đoàn khảo cổ Nhật Bản nhận xét: Nói chung tình hình giữ lại những di tích khảo cổ học trong lòng đất khá ổn và hầu như ở khu vực châu Á không có khu di tích cung điện nào được bảo tồn trong lòng đất tốt như ở Thăng Long Hà Nội.

Hội nghị bàn tròn quốc tế năm 2004 cũng thống nhất hành động ngay lập tức để bảo vệ khu vực Ba Đình đã khai quật và các di tích hiện còn trên mặt đất của Thăng Long khỏi tác động của môi trường. Nhưng đến thời điểm này di tích vẫn phủ bạt. Đang là mùa khô. Nhưng sau mùa khô là mùa mưa.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.