Học để làm người

Học để làm người
TP - Hôm nay, hàng trăm ngàn thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nhịp sống đô thị lại có vài ngày xáo trộn. Nhưng trong vài năm trở lại đây, xã hội cũng đã dần “bão hòa” với các kỳ thi đại học. 

Sự chộn rộn, xôn xao cũng không như thời gian trước. Xã hội thờ ơ hơn với việc thi đại học, hoặc nói cách khác chính xác hơn, mức độ quan tâm tuy vẫn lớn nhưng không còn lớn như trước. Vậy điều này là tốt hay xấu?


Con số 73.000 cử nhân thất nghiệp năm 2013 do ngành lao động báo cáo vừa rồi cũng khiến nghị trường Quốc hội nóng lên một chút. Người ta cho rằng đây là con số đáng báo động, rằng ngành giáo dục “phải chịu một phần trách nhiệm”. Tuy nhiên, cử nhân ra trường không có việc làm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ là “dự báo nhân lực yếu”, hay “chất lượng đào tạo chưa cao”. Bởi tỷ lệ thất nghiệp còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là yếu tố “sức khỏe của nền kinh tế”.

Chuyện dự báo nguồn nhân lực, ai cũng nói là cần thiết. Nhưng khi nền kinh tế hội nhập với thế giới đầy biến động, thay đổi hằng ngày, hằng giờ thì việc dự báo chính xác gần như là bất khả thi. Một vài năm trước, ai nghĩ tới việc nhân viên ngân hàng có ngày chỉ muốn nộp đơn thôi việc để kiếm việc khác, chuyển ngành khác? Ai nghĩ rằng có thời điểm, nhân viên ngành chứng khoán “đắt”như tôm tươi nhưng đến một lúc nào đó bỗng nhiên thất nghiệp cả loạt?

Hơn nữa, trong một nền kinh tế thị trường, chính thị trường lao động sẽ là công cụ điều tiết tốt nhất.   

Nói như thế không có nghĩa nền giáo dục nước nhà không có lỗi, bởi nếu 73.000 cử nhân không thể tìm thấy việc làm có nghĩa là ngoài chuyên ngành, họ cũng không thể tìm việc ở những ngành nghề khác. Hàng chục ngàn cử nhân không tìm được việc làm do thiếu nhiều kỹ năng cần thiết trong khi các công ty kêu than về việc rất khó tuyển nhân lực chất lượng cao.

Trong khi đó, ở bất cứ quốc gia nào cũng có một tỷ lệ cử nhân làm trái ngành trái nghề và điều này phải xem là bình thường. Học đại học suy cho cùng là học phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận, phương pháp tự học. Nếu người học thiếu những kỹ năng này thì coi như ngành giáo dục đại học chưa hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế nhiều quốc gia cho thấy, nhiều người tuy không làm đúng ngành nghề nhưng với những kỹ năng nói trên, họ có thể làm tốt nhiều ngành nghề khác.

Nhưng nếu suy nghĩ rằng mục đích của việc học đại học, cao nhất là để làm người, làm công dân tốt, làm người có trí tuệ, thay vì chỉ đơn giản là học lấy một cái nghề nào đó để “kiếm cơm” thì chuyện nhà nhà học đại học, người người cử nhân cũng là điều tốt. Như đã nói ở trên, việc điều tiết thị trường lao động sẽ do chính thị trường này đảm nhận. Trách nhiệm lớn nhất của ngành giáo dục là phải đảm bảo các yêu cầu về giáo dục đại học, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Ai cũng có quyền tiếp cận giáo dục, ai cũng có quyền tham gia ngành giáo dục đại học nhưng phải đảm bảo yêu cầu chất lượng đầu ra. Cao hơn nữa, ngoài trách nhiệm của ngành giáo dục, là trách nhiệm của chính phủ. Chỉ một nền kinh tế phát triển năng động, tạo ra nhiều việc làm mới có thể vừa là động lực, vừa là mục tiêu của giáo dục đại học. 

MỚI - NÓNG