Hỏi chuyện người “nhặt” được 1,4 tỷ đồng

Hỏi chuyện người “nhặt” được 1,4 tỷ đồng
TP - Bà Nguyễn Thị Lánh, 53 tuổi, hiện là cán bộ Kho bạc Nhà nước (KBNN) thị xã Hà Đông- người phụ nữ “nhặt” được 9 sổ tiết kiệm trị giá 1,4 tỷ đồng của Giám đốc Kho bạc Hà Tây và 22 phong bì, cuối cùng cũng đồng ý dành cho Tiền phong cuộc trao đổi khá thẳng thắn.

Dư luận vẫn bán tín bán nghi về việc bà “ nhặt” được 9 sổ tiết kiệm và 22 chiếc phong bì của ông Thường.

Vào chiều ngày 7 hay 8/4/2006 gì đó, khi hết giờ làm việc tôi có quét dọn phòng rồi mang rác ra thùng rác cơ quan đổ. Tôi nhìn thấy bìa sổ tiết kiệm xanh, bề mặt có rây nước bẩn.

Tôi nhặt lên và thấy bên dưới có một số phong bì. Tôi lấy túi ni lông cho vào đó và để tại cơ quan. Mấy hôm sau khi xem lại tôi mới biết sổ tiết kiệm đứng tên ông Thường và các phong bì có nét chữ của ông Thường.

Sau đó bà có báo cho ông Thường biết?

Tôi cứ im lặng xem ông Thường có động tĩnh gì không, có đi tìm gì không. Nhưng không thấy gì. Đối với tôi, từ khi xuống phòng thu tiền phạt, tôi không có bén mảng gì lên tầng 2, tầng 3 (trụ sở KBNN tỉnh Hà Tây -PV).

Hỏi chuyện người “nhặt” được 1,4 tỷ đồng ảnh 1 Tôi đề nghị đưa vụ việc ra cơ quan công an để làm rõ nguồn gốc số tiền của ông Thường. Đồng thời cũng chứng minh tôi đúng hay sai, ông Thường đúng hay aiHỏi chuyện người “nhặt” được 1,4 tỷ đồng ảnh 2

Khi nào thì bà mới  quyết định thông báo việc này với ông Thường?

Đến tháng 5/2006, tôi có lên gặp ông Thường nhưng hai lần đều không thông báo được vì ông ấy nói:

“Chị sang gặp anh Toàn. Vì cái này lãnh đạo đã thống nhất” (ông Thường tưởng bà Lánh lên gặp để xin chuyển về vị trí công tác cũ-PV). Khi không có cách nào để gặp thì tôi quyết định viết thư gửi ông Thường.

Đây chính là lá thư mà ông Thường cho rằng bà đã dùng để “tống tiền”, vậy nội dung lá thư ra sao?

Tôi không nhớ hết nhưng đại ý: “Kính gửi anh Thường, tôi cũng rất bức xúc về chuyện anh phân công tôi xuống KBNN Hà Đông. Mấy lần tôi gặp anh nhưng không được nên tôi đành phải viết mấy chữ.

Tôi có nhặt được một số tài liệu của anh, nếu anh cần biết số tài liệu đó thì anh gọi điện cho tôi theo số di động của tôi”...Con dâu tôi mang lá thư này gửi ông Thường.

Cuộc gặp giữa hai người đã diễn ra và hai bên có đi đến thoả thuận nào đó?

Hôm sau tôi lên gặp ông Thường và nói về việc nhặt được số sổ tiết kiệm và phong bì. Tổng số tiền trong các sổ tiết kiệm là 1,4 tỷ đồng, và số tiền ghi trên phong  bì là gần 100 triệu đồng.

Ông Thường nói: “Nếu chị nhặt được thì chị cho tôi xin. Thời buổi bây giờ một giám đốc KBNN tỉnh mà có 1,4 tỷ đồng thì là việc quá bình thường”.

Tôi nói: “Hàng năm theo quy định thì cán bộ phải kê khai những tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Vậy ông đã kê khai với tỉnh và với KBNN T.Ư chưa?”. Ông Thường nói: “ Đây là số tiền vợ chồng tôi tích cóp bao nhiêu năm nay. Ý định của tôi là để mua nhà chung cư tại Văn Quán”.

Bà vẫn giữ “tài liệu”, bao lâu sau bà mới viết đơn tố cáo ông Thường?

Thời gian sau, ông Thường có nói với tôi chị làm đề xuất, nói là lý do sức khoẻ để tôi có căn cứ điều chuyển ( chuyển về vị trí công tác cũ- PV). Tôi nói tôi không cần gì. Tôi là người lớn chứ không phải là trẻ con.

Khi đó KBNN tỉnh sắp nhận Huân chương và ông Thường cũng được nhận Huân chương nên tôi nói: “Ông cứ yên tâm đón Huân chương bình thường vì đây là công lao của cả tập thể trong đó có tôi. Đón Huân chương xong, thì ngày 22/8/2006 tôi gửi đơn trực tiếp tới KBNN T.Ư.

“Tôi đã từng làm đơn từ chức”

Thưa bà, được biết trước đây bà  đã từng bị kỷ luật, bà có thể cho biết sai phạm lúc đó là gì ?

Năm 1998 tôi là người được giao quản lý vốn chương trình 327. Đơn vị thực hiện dự án (DA) lại đóng trên địa bàn Hà Nội. Kho bạc TƯ có quyết định chuyển vốn giao cho Hà Tây quản. Khi đi nghiệm thu rừng tôi ghi trong biên bản “đã trồng 4 ha rừng”.

Chính vì ghi như vậy tôi mới mắc khuyết điểm vì thực tế tôi chưa kiểm tra hết rừng trên diện tích 4,5 ha. Do có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên cơ quan CA vào cuộc... Tuy nhiên sau đó họ đã có quyết định (QĐ) đình chỉ điều tra đối với tôi.

Nghe nói hồi đó bà còn liên quan đến việc nhận tiền của doanh nghiệp?

Sau khi thực hiện DA thì doanh nghiệp có bồi dưỡng đơn vị 8 triệu đồng. Tôi về báo cáo anh Thường (ông Nguyễn Bá Thường  - PV) và được đồng ý chia cho cán bộ nhân viên KBNN Hà Tây mỗi người dăm chục ngàn. Đối với những người trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến DA thì được chia khoảng trăm rưỡi, hai trăm ngàn đồng.

Và ông Thường cũng được chia một phần số tiền này?

Tất nhiên rồi. Mọi vấn đề đều qua ông Thường ký duyệt. Tất cả bản kê tôi vẫn giữ.

Rồi việc xử lý khoản tiền này ra sao?

Mọi người đều được chia tiền nhưng khi thu hồi số tiền đó thì mình tôi phải lấy tiền túi để trả.

Còn ông Thường chẳng lẽ không có trách nhiệm liên quan gì?

Ông Thường không phải chịu trách nhiệm gì cả. Thậm chí khi tôi mang quyết định đình chỉ điều tra đối với tôi về thì ông Thường còn nói tôi: “Vì quen công an nên mới “chạy” được như thế này”.

Sau đó đơn vị có hình thức kỷ luật gì đối với bà?

Cơ quan không kỷ luật tôi, nhưng tôi làm đơn từ chức Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (KHTH). Và phải đến tháng 7/2000 đơn của tôi mới được chấp thuận.

Từ đó đến nay bà có mắc khuyết điểm gì nữa không?

Không hề mắc khuyết điểm gì cả. Trái lại, năm nào tôi cũng đạt các danh hiệu thi đua, hoàn thành xuất sắc công việc.

Mặc dù việc quy hoạch, cất nhắc cán bộ tại các Kho bạc địa phương đã phân cấp cho giám đốc kho bạc các huyện, thị nhưng việc luân chuyển, cất nhắc cán bộ ông Thường đều vươn tay xuống.

Trong vụ việc này để làm gương, làm trong sạch kho bạc thì phải rà soát, xem xét lại toàn bộ năng lực, trình độ của cán bộ.

Nếu những người có học hành bài bản, có trong quy hoạch thì phải sử dụng. Những người yếu kém thì phải luân chuyển xuống cơ sở, thậm chí phải cho ra khỏi ngành.

(Trích kiến nghị của bà Lánh)

Tại sao mới đây bà lại bị luân chuyển về KBNN thị xã Hà Đông?

Khi tôi ở phòng KHTH tôi biết quá nhiều việc. Thứ nữa là ông Thường muốn xây dựng một ê-kíp làm việc thân mật.

Bà chính thức được luân chuyển khi nào?

Năm 2005, thì tôi được “tăng cường” xuống KBNN thị xã Hà Đông để thu trước bạ và đến tháng 3/2006 thì ông Thường có QĐ chính thức chuyển  tôi xuống KBNN Hà Đông.

Vậy công việc của bà hiện nay là gì, có phù hợp với bà không?

Từ lâu tôi không làm việc kế toán, nhiều khoản mục thay đổi, thứ hai là việc yêu cầu của tin học hóa  trong công việc tôi sẽ không đáp ứng được, kế nữa là chuyện tiền thật, tiền giả, tôi đã có tuổi nên rất dễ mắc khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, tôi vẫn xin làm việc tại bộ phận thu thuế trước bạ, thu phạt giao thông.

Làm sao mà phù hợp được vì tôi đã có tuổi, cường độ làm việc căng thẳng. Vì vậy tôi có báo cáo với ông Thường xin được về làm việc tại phòng cũ, hay đi quét rác, thậm chí cho về hưu sớm cũng được. Ông Thường nói rằng việc này tập thể lãnh đạo đã quyết rồi. Và cũng đã xin ý kiến KBNN T.Ư.

Vậy theo bà, ông Thường không chấp thuận đề xuất của bà là vì mục đích gì?

Đây cũng là hình thức “ kỷ luật”, thậm chí “hạ nhục” tôi vì một cán bộ lâu năm, có uy tín, đã có tuổi như tôi lại phải ngồi thu tiền phạt (?). Hơn nữa, tôi là người biết quá nhiều chuyện. Tôi cũng đã góp ý với ông Thường đừng nên “quá đà, quá trớn”.

Tôi chưa nộp vật chứng vì thiếu niềm tin!

Sau khi nhận đơn của bà, KBNN T.Ư đã có những xử lý ra sao?

Cuối tháng 8/2006, chị Hằng, Phó Tổng GĐ  KBNN T.Ư có mời tôi lên và hoan nghênh tôi đồng thời hỏi xem ý tứ của tôi như thế nào.  Tại buổi gặp mặt này tôi chẳng nói gì. Ít ngày sau, tôi nhận được giấy mời lên KBNN T.Ư họp. Tại cuộc họp do ông Phạm Sĩ Danh Tổng GĐ chủ trì, chỉ xoay quanh việc tôi phải nộp lại cho KBNN T.Ư tài liệu gốc, và tài liệu này được bảo lưu  như tài liệu mật.

Phản ứng của bà khi đó ra sao?

Tôi nói rằng, trước hết tôi xin hợp tác với các anh. Nhưng tôi muốn biết: Ông Thường phải giải thích về nguồn gốc sổ tiết kiệm, số tiền ghi trên phong bì. Tôi đồng ý xử lý nội bộ nhưng phải đúng người, đúng tội và ông Thường phải thành khẩn. Việc có bàn giao vật chứng hay không tôi sẽ phải bàn bạc với gia đình. Khi giao nộp vật chứng thì phải có công an đi cùng. Và cuối cùng tôi đề nghị KBNN T.Ư phải có văn bản trả lời tôi.

Sau đó được biết KBNN T.Ư lại mời bà lên làm việc?

Lần mời này tôi không lên. Sau đó có đoàn kiểm tra của KBNN T.Ư xuống làm việc và lập biên bản đối chứng giữa bản gốc và bản phô tô số vật chứng mà tôi  đã gửi kèm theo đơn tố cáo.

Tại sao đến bây giờ bà vẫn chưa đồng ý giao nộp cho KBNN T.Ư những vật chứng trên?

Thứ nhất, tôi thiếu niềm tin. Kế đó là việc KBNN T.Ư cũng xử lý chưa đến nơi đến chốn. Đáng lẽ ra, khi xác minh được những gì theo đơn tố cáo KBNN T.Ư cũng phải cho tôi biết... Vì vậy tôi vẫn chưa thể bàn giao.

Đến khi nào thì bà mới bàn giao cho cơ quan chức năng và bà định chuyển tài liệu này cho cơ quan nào?

Cho đến nay, sau hơn hai tháng gửi đơn tố cáo, tôi chưa hề được biết kết quả xử lý của KBNN T.Ư ra sao. Ngay cả biên bản xác minh ban đầu tôi cũng không được biết. Tại thời điểm này, tôi chưa thể bàn giao vật chứng cho KBNN T.Ư.

Xin cảm ơn bà!

Bộ Tài chính đã thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét trường hợp ông Thường

Ngày 31/10/2006, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 3534/QĐ-BTC về việc thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét đề nghị hình thức xử lý  kỷ luật ông Nguyễn Bá Thường, GĐ Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tây gồm:

1-Ông Võ Văn  Ất, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) làm Chủ tịch Hội đồng.

2-Ông Đinh Quang Huấn, Phó Bí thư thường trực Đảng khối cơ quan dân chính đảng tỉnh Hà Tây (ủy viên).

3- Bà Bùi Phương Nga, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở KBNN tỉnh Hà Tây (ủy viên).

Theo QĐ này, Hội đồng kỷ luật sẽ thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 35/NĐ-CP và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Dự kiến, Hội đồng kỷ luật sẽ họp ngay trong tuần này và tuần sau sẽ có đề nghị chính thức lên Bộ trưởng Bộ Tài chính  về hình thức kỷ luật đối với ông Thường.

MỚI - NÓNG