'Hỏi đường ra biển cho ngư dân - có lạc đề' (?)

ĐB Lưu Bình Nhưỡng
ĐB Lưu Bình Nhưỡng
TP - “Làm thế nào để cho bà con ngư dân không bị các khu du lịch, khách sạn bịt kín lối sinh kế ra biển”, câu hỏi được Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, sáng 6/11 đã gây ra không ít tranh luận về việc “có lạc đề hay không”?

Trước câu hỏi này, ông Cường bày tỏ sự băn khoăn rằng: “Đường ra biển lại đi hỏi ông Bộ NN&PTNT, sợ không đúng địa chỉ lắm?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc: “Đường ra biển để tạo sinh kế cho ngư dân bị bịt kín bởi các khu resort, khách sạn. Quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng thế nào”?

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Bộ NN&PTNT phải có tiếng nói cho ngư dân. Bởi ngư dân- những người đánh bắt cá trên biển là đối tượng mà bộ phải lo. Bộ phải có tiếng nói với cán bộ ngành nào, địa phương nào đang bịt kín lối ra biển của ngư dân”. Đến lúc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ “hoan nghênh đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có câu hỏi đó để chúng tôi đồng hành cùng bà con nông dân”...

Thực tế những năm qua, trong quá trình phát triển, ở các khu vực ven biển như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, xuất hiện không ít khu du lịch, resort, khách sạn “bịt” đường xuống biển của dân. Thậm chí ngay cả đường xuống biển của ngư dân ở nhiều nơi cũng bị chiếm mất, làm nảy sinh tranh chấp, khiếu nại căng thẳng.

Điển hình năm 2016, người dân các xã ở huyện Sầm Sơn, Thanh Hóa tụ tập nhiều ngày để “đòi đường” cho tàu, thuyền xuống biển ra khơi. Người dân yêu cầu chính quyền để cho dân một khoảng không gian nhất định ven biển để có nơi neo đậu tàu, thuyền cũng như đường ra biển. Phải mất rất nhiều thời gian, những kiến nghị chính đáng của ngư dân mới được quan tâm giải quyết.

Lẽ tất nhiên, khi xảy ra những vụ việc này, trách nhiệm chính trước hết thuộc về chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, cấp phép đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, song điều mà ngư dân mong muốn là nhận được sự “chung sức” của Bộ NN&PTNT. Bộ cần lên tiếng, kiến nghị, phối hợp cùng với các cơ quan có liên quan, giải quyết quyền lợi chính đang cho ngư dân.

Câu hỏi mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu ra tại nghị trường không những không lạc đề mà nó còn gợi mở những cách thức quản lý, cơ chế phối hợp, sự lên tiếng kịp thời của các cơ quan trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...