Hội Gióng: Xin lộc thay cho cướp lộc

Dỡ lộc hoa tre để phát lộc cho dân tại đền Thượng. Ảnh: Toan Toan.
Dỡ lộc hoa tre để phát lộc cho dân tại đền Thượng. Ảnh: Toan Toan.
TP - Nhà tổ chức thở phào, tươi tắn sau khi hoàn thành nghi lễ khai hội Gióng đền Sóc sáng 21/2: Không còn xô xát, chen lấn nhờ thử nghiệm bỏ cướp lộc hoa tre và trầu cau, thay vào đó là cảnh xếp hàng xin lộc theo hướng văn minh.

Kịch bản bỏ cướp lộc được chuẩn bị từ nhiều tháng trước khai hội. Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm Ban Quản lý Khu Di tích-Du lịch đền Sóc Sơn kể, trước Tết có nhiều cuộc đối thoại với dân làng hai thôn Vân Tảo và Vệ Linh để bàn thảo thay phương án tất lộc trầu cau và hoa tre. Hai lễ vật trong số tám lễ vật dâng lên sân Rồng, đền Thượng ở núi Sóc luôn nằm trong diện “cần bảo vệ nghiêm ngặt”. Vài năm gần đây, dù đoàn rước trầu cau và hoa tre an toàn về tới đền Mẫu và đền Hạ nhưng sau khi các cụ hô tất lộc, thanh niên lao vào cướp vẫn sơ sảy chân tay, có năm nặng hơn là đổ máu. “Năm nay chúng tôi vẫn đảm bảo nghi lễ không đi ngược lại cam kết với UNESCO, sau khi dâng lễ và tiến cung chúng tôi vẫn tất lộc. Chỉ có điều, trước tất lộc tập trung, nay tất lộc nhỏ lẻ”, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sóc Sơn nói.

“Năm nay đoàn rước không cần mang gậy đi theo là cái vui nhất rồi”.

 Ông Đỗ Bá Sơn - Phó thôn Đan Tảo

Dòng người đổ về Hội Gióng sáng mùng 6 thưa vắng hơn năm trước. Phần vì trời mưa và vào ngày làm việc, phần khác theo lời các thanh niên dự hội, do “các cụ có cho cướp đâu”. Công an giữ an ninh trật tự năm nay nhàn tản, đến đội bảo vệ đoàn rước lễ vật cũng bỏ hẳn côn ba khúc, gậy gộc ở nhà. Có người múa gậy tượng trưng chứ không đằng đằng sát khí lo giữ lễ vật cho làng mình. “Tướng bà” do em gái 9 tuổi của thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú được đoàn bảo vệ thay nhau bế, cõng từ đền Thượng xuống đền Hạ an toàn, không có khúc mắc gì. Nhiều người dân theo tục truyền thống cũng mừng tuổi, cố sờ vào tay cô lấy may.

Nghi lễ dâng hương và lễ vật các thôn trong huyện Sóc Sơn giữ khá nguyên vẹn. Sự điều chỉnh lớn nhất chính là kiệu giò hoa tre và trầu cau thay vì về đền Hạ, đền Mẫu phục lễ sẽ được tiến cung. Kích cỡ giò hoa tre và trầu cau thu gọn lại cho vừa với lối vào hậu cung, sau khi dâng Thánh được dân làng đội lễ về hai đền lễ tạ. Hoa tre về đền Hạ rất nhanh chóng và an toàn, xong được phát cho những người có mặt tại đó. Trầu cánh phượng đựng riêng vào khay đem xuống đền Mẫu được tán lộc sau khi tất lễ. Dân làng biết “quy trình” tán lộc mới nên xong hết nghi lễ dâng lễ vật nhanh chóng tụ tập ở đền Thượng. Hàng dài xếp hàng chờ tới lượt phát lộc hoa tre và trầu cau. “Ngoài 500 cây tre ở giò hoa tre dâng lễ, chúng tôi chuẩn bị 15 nghìn cây hoa tre riêng để phát lộc cho du khách về hành lễ”, ông Đoàn Văn Sinh cho biết. Không gian phát lộc tại đền Thượng khá nhỏ, người xếp hàng đông nên cũng có chút chen lấn nhưng không có chuyện giẫm đạp lên nhau hay cướp lộc.

Hội Gióng: Xin lộc thay cho cướp lộc ảnh 1 Rước lộc hoa tre. Ảnh: Toan Toan.

Muốn văn minh cần thay đổi tập tục

Những người ủng hộ sự thay đổi theo hướng văn minh cảm thấy hài lòng, bởi mùa Hội Gióng 2018 đi qua trong bình yên. Người dự hội không cần chen chân, bị chèn cho nghẹt thở tại đền Hạ, đền Mẫu để xem hay chụp ảnh cướp lộc. Thanh niên trai tráng phần đông đứng xem với vẻ bình thản, vài người vẫn sẵn tinh thần xông vào xin lộc trầu cau tại đền Mẫu nhưng chỉ cần công an nhắc nhẹ một tiếng liền lùi ra ngay. Không cần dùng sức tranh cướp, trên tay mỗi người rời hội vẫn có chút lộc hoa tre, trầu cau cầm tay lấy may.

Sự thay đổi này dù vậy vẫn phân hóa ngay trong những người tham gia phục vụ lễ hội. Ông Đỗ Bá Sơn, Phó thôn Đan Tảo phụ trách văn hóa và là chủ tế thôn dâng lễ trầu cau là một trong những người còn chút nuối tiếc tục cướp lộc. “Năm đầu tiên bỏ cướp lộc nên nhìn ra xung quanh cũng nhạt nhẽo đi một chút. Chúng tôi vẫn chuẩn bị thêm trầu cánh phượng để nếu mọi người có cướp vẫn được, nhưng sẽ không vui bằng để cả cây trầu cau”, ông Sơn nói. Tuy nhiên ông thừa nhận mọi năm người dân cướp cả cây trầu dễ xảy ra xô xát, tục này cần thay đổi để phù hợp với xã hội. “Năm nay đoàn rước không cần mang gậy đi theo là cái vui nhất rồi”, ông Sơn nói.

Gặp bà Đàm Thị Luật áo tế chỉnh tề bước ra khỏi đền Mẫu, hỏi cảm giác năm nay thế nào, bà cười: “Thế là ngon lành, chứ năm ngoái mệt quá”. Hội Gióng năm ngoái bà Luật bị đám thanh niên xô ngã dúi cả vào cây trầu, sau vài phút đám thanh niên cướp hết lộc thì đầu tóc, khăn vấn của bà cứ gọi là tơi tả, chỉ được cái may mắn giữ nguyên vòng và hoa tai. Bà khoe gia đình cung tiến hai buồng cau cho giò trầu cau dâng lễ. Từ 1993 khởi dựng giò trầu cau bà Luật tham gia vào ban khánh tiết, năm nay tiếp tục giữ chân lễ Thánh từ đền Thượng tới đền Mẫu.

Từ lãnh đạo huyện tới Ban quản lý đền Sóc chung ý chí thay đổi tục cướp lộc. Ngoài kịch bản chặt chẽ, họ còn cố gắng đưa thêm nhiều trò chơi dân gian, nghi thức kéo mỏ vào cho phần hội thêm xôm tụ và văn minh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.