30 năm đại thắng mùa Xuân, thống nhất đất nước (1975-2005)

Hội nghị lịch sử quyết định số phận chế độ Sài Gòn

Hội nghị lịch sử quyết định số phận chế độ Sài Gòn
Sáng 31/3, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược thứ ba, đòn cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Không khí phấn khởi tràn ngập “Nhà con rồng”. Những nét mặt rạng rỡ, những ánh mắt sáng ngời, những cái bắt tay hứa hẹn…

Bắt đầu cuộc họp, anh Ba nêu những vấn đề cần bàn. Thay mặt Quân ủy Trung ương, tôi báo cáo tổng quát tình hình chiến trường một tháng qua, đặc biệt nêu rõ diễn biến chiến sự trong hạ tuần tháng 3.

Từ Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, quân và dân ta  đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn chủ lực mạnh của quân ngụy và khoảng 40% các binh chủng kỹ thuật hiện đại, thu và phá hủy trên 40% cơ sở vật chất và hậu cần của chúng; giải phóng địa bàn hai quân khu gồm 12 tỉnh với gần một nửa số dân ở miền Nam.

Âm mưu co cụm chiến lược của địch đã bị phá sản. Chúng đang lâm vào tình trạng hoang mang và bế tắc. Tuy vậy, địch vẫn ngoan cố lập tuyến phòng ngự từ xa, từ Phan Rang trở vào. Chúng hy vọng ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công của ta, giữ thế cầm cự cho tới mùa mưa, sau đó sẽ củng cố những lực lượng còn lại, phản công tái chiếm các vùng đã mất.

Địch tập trung ở Phan  Rang một lực lượng khoảng hai sư đoàn gồm Sư đoàn 2 bộ binh vừa được khôi phục, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động quân, có Sư đoàn 6 không quân đóng ở sân bay Thành Sơn yểm trợ.

 Đồng thời, chúng tập trung mọi cố gắng thu thập tàn quân, chấn chỉnh các đơn vị còn lại, điều chỉnh thế bố trí nhằm tăng cường phòng thủ khu vực Sài Gòn – Gia  Định và đồng bằng sông Cửu Long.

Về phía ta, với trận Huế - Đà Nẵng, ta đã bắt đầu chuyển sang tổng tiến công chiến lược. Quân ta đang trong thế thừa thắng xông lên. Ta hoàn toàn có khả năng tập trung lực lượng cả nước đến mức cao nhất, áp đảo địch trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn. Thời cơ lớn đã xuất hiện.

Chắc chắn ta sẽ  giành toàn thắng trong trận quyết  chiến chiến lược cuối cùng này. Tôi đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía đông và phía tây Sài Gòn – Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Đánh một trận là thắng. Phương châm là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ,  chắc thắng”.

Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị phát biểu ý kiến, đồng ý với đề nghị của Quân ủy Trung ương. Anh Trường Chinh tâm đắc với phương án thọc sâu mà anh gọi là “percée stratégique” (thọc sâu chiến lược).

Hội nghị nhất trí nhận định những nhân tố mới đã xuất hiện rõ nét trong trận Đà Nẵng. Ta hơn hẳn địch cả về  thế chiến lược lẫn lực lượng quân sự, chính trị. Dù Mỹ có tăng viện cũng không thể cứu vãn ngụy sụp đổ. Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất.

Phương thức tác chiến chiến lược của ta là phát huy sức mạnh của ba đòn chiến lược (chủ lực, nông thôn và thành thị), từ ngoài đánh vào, kết hợp với lực lượng tại chỗ từ trong đánh ra, lấy chủ lực từ ngoài đánh vào là quyết định, tập trung lực lượng tiến công địch,  nhanh chóng lợi dụng thời cơ, dồn dập phát triển thắng lợi.

Về bố trí lực lượng chiến lược, Bộ Chính trị chủ trương gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng Tây Sài Gòn, chia cắt và bao vây chiến lược ở hướng Tây Nam, triệt đường số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.

Các lực lượng phía đông đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, bao vây Sài Gòn từ hướng Bà Rịa, Vũng Tàu. Quả đấm chủ lực phải thật mạnh, kể cả binh khí kỹ thuật, sẵn sàng đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu và quan trọng nhất của địch ở trung tâm Sài Gòn khi thời cơ xuất hiện. ở đồng bằng sông Cửu Long, các lực lượng quân sự, chính trị hoạt động mạnh, giải phóng các địa phương, phối hợp với mặt trận trọng điểm.

Ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch hành động với lực lượng sẵn có trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Các lực lượng của ta ở Tây Nguyên cần nhanh chóng tiến vào chiến trường trọng điểm. Bộ Tổng tham mưu đôn đốc cho Quân đoàn I khẩn trương vào kịp thời gian.

Cuộc họp kết thúc.

Đồng chí Bí thư thứ nhất điện ngay vào chiến trường: “… Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “Một ngày bằng  hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ”. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc” (1).

Từ cuộc họp ngày 31/3/1975, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt. Quyết tâm của Bộ Chính trị cổ vũ mạnh mẽ nhiệt tình cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Tất cả cho ngày toàn thắng.

________

(1) Lê Duẩn: sđd, tr. 387

MỚI - NÓNG