Hội nước ngoài ở Việt Nam: Rất nhạy cảm nhưng vẫn phải cho lập?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
TPO - Ngày 9/9, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến dự thảo Luật về hội. Có nhất thiết phải quy định các hội muốn thành lập phải đăng ký, có khuyến khích các hội ở nước ngoài hoạt động ở trong nước hay không là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Băn khoăn phân loại hội

Đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) cho rằng, tất cả các hội đều phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Những hội có số lượng hội viên lớn, tác động xã hội rộng, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, có thể đăng ký với các cơ quan Trung ương. Còn các hội phạm vi tác động nhỏ có thể đăng ký với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí là cấp xã. Tất cả các hội đều phải đăng ký.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định, các hội đều phải đăng ký sẽ thuận cho công tác quản lý Nhà nước nhưng rất nhiều hội khó đăng ký, không biết đăng ký ở đâu và quản lý thế nào. Theo ông Thắng, có thể phân định thêm một tiêu chí nữa là hội chính thức và hội không chính thức.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, hội nào cần đăng ký phải nói rõ, tránh trường hợp đi vào thực hiện lại lúng túng. Cần sử dụng phương pháp loại trừ, liệt kê những loại hội phải đăng ký để vừa đảm bảo quyền lập hội, vừa đảm bảo sự quản lý Nhà nước. Đối với hội không đăng ký, có thể bổ sung quy định thông báo với chính quyền sở tại để nếu cần có thể theo dõi. Như vậy vừa thỏa mãn quyền lập hội, vừa đảm bảo quản lý Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng có nhiều cách phân loại hội, có thể theo tên, theo hình thức, theo pháp nhân hay không pháp nhân. Luật tiếp cận theo hướng có đăng ký hay không có đăng ký bởi tiếp cận theo hướng quyền lập hội là quyền tự do của cá nhân, quyền của công dân. Nhiều hội không đăng ký nhưng vẫn hoạt động tốt, không thể bắt họ đăng ký được. Khi họ không đăng ký vẫn hoạt động hợp pháp. Dù đăng ký hay không, Nhà nước vẫn thừa nhận, vẫn bảo vệ, yêu cầu họ hoạt động theo pháp luật.

Nhạy cảm nhưng không thể không cho

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, vấn đề bức thiết hiện nay là công dân Việt Nam phải được lập hội ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu cho quá nhiều chủ thể nước ngoài tham gia thành lập hội ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề rủi ro chưa lường trước được, vì các hội này không cẩn thận sẽ biến tướng, chuyển hóa lệch lạc.

Bảo vệ quan điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền tham gia hội do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập và được thành lập hội theo quy định Chính phủ, ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dứt khoát phải cho bởi đây là nhu cầu thực sự của họ, cũng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Thực tế Chính phủ đã có Nghị định 08/2008/NĐ-CP về việc thành lập hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam trên cơ sở tự nguyện, phi Chính phủ, phi chính trị và phi lợi nhuận. “Vấn đề này rất nhạy cảm nhưng không thể không cho”, ông Định nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, luật không thể quy định chi tiết, cụ thể về tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, nhưng phải quy định những vấn đề lớn có tính nguyên tắc, làm cơ sở cho việc sau này Chính phủ quy định. Sở dĩ giao Chính phủ quy định là bởi đây là những vấn đề phức tạp, có yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự, có những vấn đề có thể thay đổi trong thời gian tới, điều chỉnh bằng văn bản của Chính phủ sẽ kịp thời, linh hoạt hơn.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...