Hội thảo về quyền con người tại Việt Nam

Hội thảo về quyền con người tại Việt Nam
“ Cơ chế hoạt động của các Uỷ ban Công ước về quyền con người của Liên hợp quốc và việc thực hiện các Công ước ở Việt Nam” là chủ đề của cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Đại sứ quán Thuỵ Sỹ tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Thành, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại sứ Thuỵ Sỹ tại Việt Nam Jean Hubert Lebet; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các nhà nghiên cứu khoa học và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự hội thảo.

Những báo cáo được trình bày tại Hội thảo đều khẳng định các công ước về quyền con người được đại bộ phận các nước trên thế giới chấp thuận ký kết và tham gia. Mỗi nước đều thừa nhận tính phổ biến và tầm quan trọng của quyền con người, tuyên bố đảm bảo các quyền cơ bản cho công dân của mình trong Hiến pháp và luật pháp quốc gia.

Giới thiệu về cơ chế quyền con người của Liên hợp quốc, ông Paul Dalton, Viện Quyền con người Đan Mạnh nhấn mạnh: “ Hiến chương Liên hợp quốc là văn bản lịch sử mang tính khai phá trong nhiều lĩnh vực, xét về bản chất, gần như đây là lần đầu tiên các quyền con người được công nhận cả về mặt hiện thực trên phạm vi toàn cầu”.

Ông Paul Dalton cho biết, trong hệ thống Liên hợp quốc có nhiều cơ chế kiểm soát quyền con người khác nhau. Các cơ chế quan trọng nhất nhằm bảo vệ và hiện thực hoá các quyền ở cấp quốc gia là các cơ quan công ước và các Thủ tục đặc biệt của Hội đồng nhân quyền.

Trong đó, Hội đồng nhân quyền được ra mắt tháng 6/2006, thay thế Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc trước đây. Đây là cơ quan trung tâm trong Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy sự tôn trọng triệt để quyền con người và là diễn đàn chính để đối thoại trong Liên hợp quốc về các vấn đề nhân quyền...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thuỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước nhân quyền quan trọng của Liên hợp quốc và nghiêm chỉnh thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền.

Nhà nước Việt Nam coi bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững và hiện đại hoá đất nước. Bằng kinh nghiệm của chính mình và kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam hiểu rằng quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi nhận trong Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng.

Thể hiện cam kết và quyết tâm trong việc bảo đảm và thực hiện các quyền con người theo các tiêu chuẩn quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người. Mặc dù còn là một nước nghèo, nhưng Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quyền con người và đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền trong những năm đổi mới vừa qua như xoá đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, phòng chống HIV/AIDS...

Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, nghiên cứu, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người; đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp với các chuẩn mực của các điều ước quốc tế. “Hầu hết các quyền và tự do cơ bản, phổ biến của con người nêu trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và các công ước khác đã được thể chế hoá trong pháp luật Việt Nam”.

Nhân dịp này, Viện nghiên cứu quyền con người đã công bố cuốn sách “ Bình luận và khuyến nghị chung của các Uỷ ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người” do Viện tổ chức dịch và xuất bản.

Theo Bích Thuỷ
TTXVN

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.