Hồi tỵ

Hồi tỵ
TP - Theo TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, Hồi tỵ có nhiều nghĩa trong đó có nghĩa liên quan đến bố trí quan lại trong bộ máy Nhà nước nói chung chứ không chỉ giới hạn ở tòa.

Từ điển Bách khoa Việt Nam giải thích Hồi tỵ là việc không để những người có quan hệ họ hàng cùng tham gia một phiên tòa.

Trừ các cơ quan chuyên môn như khâm thiên giám, thái y viện cần người kinh nghiệm cha truyền con nối, những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè, thông gia, không được cùng làm việc tại một công sở, không được tham gia giải quyết cùng một việc như coi thi, xử kiện...

Gặp trường hợp như vậy, phải Hồi tỵ, tức đổi bổ quan lại đi nơi khác. Quy định đó được tuân thủ nghiệm ngặt đến mức người ta gọi nó là Luật Hồi tỵ. Luật này được áp dụng từ thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) và mạnh nhất dưới thời Vua Minh Mạng (1820 - 1841).

Ở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhân vụ con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng, người ta mới có cơ hội chỉ ra hàng loạt vi phạm Luật Hồi tỵ. Thứ trưởng Tiến với chục  thân quyến để PMU 18 quản 33.000 tỷ đồng, gấp hàng chục lần ngân sách một tỉnh, thành Cty gần như của gia đình.

Đình đám nhất có lẽ là chuyện 2 cháu ruột của Thứ trưởng Tiến đều được xếp làm Phó tổng giám đốc 2 đơn vị ở Bộ GTVT. Rồi chuyện cả hai đệ tử ruột là Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Bắc, cũng được đích thân ông đề xuất Bộ trưởng cất nhắc các chức Tổng Giám đốc PMU18 và Phó Tổng Giám đốc Cty Đầu tư&Phát triển.

Đổi lại, thân thuộc của Bộ trưởng Bình cũng “bị ép” vào các vị trí béo bở. Tỷ như, hai anh em cọc chèo với Bộ trưởng, một được đề bạt làm Cục phó Cục Đường sắt và một đóng chức Giám đốc Cty Đầu tư & Xây dựng nhà ở Bộ GTVT.

Hay chị ruột Bộ trưởng không làm cơ quan nào thì chuyên cung cấp thịt lợn cho Xí nghiệp Vận dụng Toa xe Khách Hà Nội - nơi nấu ăn cho các đoàn tàu hỏa tuyến Bắc Nam. Còn nam tử được đề bạt làm phó tổng một doanh nghiệp cũng trong ngành. Vân vân và vân vân.

Không vỡ lở vụ đánh bạc thì sao nhỉ? Những trái khoáy với Hồi tỵ kia chắc không ai dám nhắc. Không nói ra song ai cũng tin hầu như chẳng bộ ngành nào không vi phạm Hồi tỵ cả và hầu như các sai phạm đều bắt nguồn từ các nhân vật được bố trí theo kiểu “phản” Hồi tỵ.

Theo dõi vụ việc ở Bộ GTVT, Carl Thayer - Chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam ở Đại học New South Wales (Úc) - cảnh báo “tham nhũng đang hủy hoại những thành tựu đạt được nhờ  tinh thần ái quốc và tăng trưởng kinh tế” ở nước ta.

Đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công chống tham nhũng ở Singapore, báo cáo của Transparency International (Minh bạch Quốc tế) về bảng xếp hạng chống tham nhũng năm 2005 nhấn mạnh đến việc đảo quốc tý hon này thi hành rất nghiêm khắc Luật Hồi tỵ.

Một nghiên cứu mới của Leslie Palmier về Hồng Công, Ấn Độ và Indonesia, xác định 3 yếu tố chính tạo nên tham nhũng. 2 trong 3 yếu tố đó là cơ hội (đặc biệt liên quan đến việc viên chức nắm các vị trí ngon ăn hay kiểm soát các hoạt động hái ra tiền) và khả năng khó bị phát hiện và ít bị trừng phạt.

Củng cố 2 yếu tố ấy, không gì tuyệt bằng cài thân quen vào các vị trí vừa vớ bẫm vừa sẵn sàng bịt bất cứ “âm mưu” tố cáo nào.

Chính vì cái cơ chế nhân sự tế nhị tồn tại bên cạnh những răn đe “sấm sét” của luật pháp, không ít kẻ xem tham nhũng là hoạt động có rủi ro thấp, ít khả năng bị tù tội. Phải chăng đấy là một trong những lý do khiến tham nhũng có dấu hiệu ngày càng kinh.

Một trong những bài học ở Bộ GTVT là, một khi cơ chế Hồi tỵ còn bị xem nhẹ, khó hy vọng có được bộ máy lãnh đạo thực tâm chống tham nhũng, sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.

Nếu chỉ “những con cá nhỏ” bị xử lý, chiến dịch chống tham nhũng sẽ mất uy tín và khó tránh khỏi thất bại. Thực thi nghiêm Luật Hồi tỵ mà cha ông ta từng áp dụng phải trở thành ý chí chính trị nếu không muốn biến cuộc chiến chống tham nhũng thành đánh nhau với cối xay gió. 

MỚI - NÓNG