Hôm nay, HĐND TP. Hà Nội: Chất vấn 12 vấn đề bức xúc

Hôm nay, HĐND TP. Hà Nội: Chất vấn 12 vấn đề bức xúc
Theo báo cáo tổng hợp của HĐNDTP, có 12 vấn đề bức xúc đã được các đại biểu cử tri quan tâm và gửi đến chất vấn tại kỳ họp và sẽ được các đại biểu đưa ra chất vấn vào ngày hôm nay, 9/12.

Hôm qua (8/12), HĐNDTP đã xem xét và thông qua các Nghị quyết về phân bổ dự toán thu chi ngân sách năm 2006; Nghị quyết về Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2006-2010; Chương trình giám sát của HĐNDTP năm 2006, nghị quyết phê chuẩn tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2006, bầu bổ sung nhân sự thành viên ủy ban.

Theo đó các ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội; Hoàng Hoa Châu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố được bổ sung làm uỷ viên UBNDTP. Tờ trình của UBND TP về việc điều chỉnh giá đất được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Giá đất: Vẫn nhiều bất cập

Liên quan đến tờ trình của UBNDTP về điều chỉnh giá đất, có đại biểu đề nghị nên giảm tối đa 15-20% (thay vì 10% như tờ trình) đối với đất sản xuất phi nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Khắc Thọ (Q. Cầu Giấy) cho biết: “Giá đất tăng làm cho nhiều doanh nghiệp như Khoá Việt Tiệp, Cty Phúc Thịnh phải trả tiền thuê đất cao hơn năm 2004 từ 10-16 lần. Không ít doanh nghiệp lao đao, hoặc bị thua lỗ hàng tỷ đồng. Để cạnh tranh đầu tư, giá thuê đất phải thấp hơn hoặc bằng các tỉnh khác”.

Trong khi đó, theo đại biểu Đào Xuân Mùi (huyện Thanh Trì), vẫn còn bất hợp lý giữa các vùng giáp ranh, tại Văn Điển giá đất là 13 triệu đồng nhưng ngay sát cạnh đó là xã Tứ Hiệp chỉ có 4,5 triệu đồng, chênh lệch tới 3 lần. Những bất hợp lý này sẽ được HĐND xem xét và đề xuất với cấp có thẩm quyền.

Tuy còn một số ý kiến nhưng HĐND đã nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh giá đất. Về cơ bản, giá đất vẫn giữ mức giá tại QĐ 199/2004/QĐ-UB ngày 29/12/2004 của UBNDTP Hà Nội. Chỉ điều chỉnh cục bộ giá tại một số đường phố, xã ngoại thành, đường phố mới.

Theo Nghị quyết, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại quận Hoàng Mai, Long Biên, các thị trấn, đầu mối giao thông, ven đường giao thông chính và vùng dân cư nông thôn tại các huyện ngoại thành sẽ được giảm bình quân 10% nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển ra ngoại thành.

Riêng  tại huyện Sóc Sơn, giá đất kinh doanh phi nông nghiệp giảm 10-20%. Ngược lại, một số xã thuộc các huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh, cơ sở hạ tầng đã được nhà nước đầu tư, tăng 20%, mức tối đa là 1,5 triệu đồng/m2 (Xuân Phương, Phú Diễn, Minh Khai, Thuỵ Phương, Đại Mỗ, Tây Mỗ  của huyện Từ Liêm); tại một số  trục đường giao thông chính ở các huyện đã có quy hoạch cũng cho phép tăng 20%.

Chất vấn 12 vấn đề

Hôm nay, HĐND TP. Hà Nội: Chất vấn 12 vấn đề bức xúc ảnh 1
Nhà chung cư cũ nát, lún nứt nguy hiểm là một trong những vấn đề bức xúc cần giải quyết của TP Hà Nội.

Theo báo cáo tổng hợp của HĐNDTP, có 12 vấn đề bức xúc đã được các đại biểu cử tri quan tâm và gửi đến chất vấn tại kỳ họp và sẽ được các đại biểu đưa ra chất vấn vào ngày hôm nay (9/12).

Đặc biệt, kết quả thực hiện Nghị quyết số 34 của HĐNDTP về một số giải pháp, cơ chế chính sách để kiềm chế, giảm dần tai nạn và ùn tắc giao thông được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm, gửi câu hỏi chất vấn.

12 vấn đề kiến nghị và chất vấn của cử tri

- Kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về việc hoàn thành bàn giao hệ thống điện nông thôn cho ngành điện quản lý, bán điện trực tiếp cho hộ dân.

- Kế hoạch xây dựng 15 cơ chế, quy chế đến nay đã ban hành những cơ chế, quy chế nào.

- Kết quả  thí điểm xây dựng mô hình doanh nghiệp nông thôn.

- Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở cho nhân dân tại các khu vực giáp ranh rất khó khăn, một số nơi không giải quyết cho nhân dân, ai chịu trách nhiệm về việc này.

- Kết quả thực hiện việc chuyển giao quỹ nhà tự quản của các cơ quan Trung ương, quân đội về thành phố để quản lý và cấp Giấy chứng nhận.

- Tình trạng nhà siêu mỏng, kỳ dị vẫn mọc lên và tồn tại trên các tuyến phố và nút giao thông mới mở.

- Bán và cho thuê nhà cho người có thu nhập thấp.

- Chung cư cũ lún nứt, nguy hiểm nghiêm trọng nhưng chưa được giải quyết, nếu xảy ra sự cố hoặc sập đổ ai chịu trách nhiệm.

- Biện pháp giải quyết tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt ở khu vực đê La Thành.

- Nhà ở, sinh hoạt cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

-Quỹ đất cho các trường học chưa được tách cấp, việc di dời dân ra khỏi khuôn viên trường học chưa được hoàn thành.

- Nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai 3 công viên (Tuổi Trẻ, Yên Sở, Đống Đa) thuộc 9 cụm công trình trọng điểm của thành phố.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.