Bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Hôm nay, hơn 69 triệu cử tri đi bỏ phiếu

Bộ đội biên phòng bỏ phiếu ở Đắk Lắk. Ảnh: Lê Hường.
Bộ đội biên phòng bỏ phiếu ở Đắk Lắk. Ảnh: Lê Hường.
TP - Ngày 22/5, hơn 69 triệu cử tri cả nước đi bầu cử để chọn ra 500 đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thẻ cử tri, thông tin ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã được gửi đến từng gia đình. Hệ thống loa phường tại các tổ dân phố phát thông tin đầy đủ về các ứng viên trên địa bàn. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực bỏ phiếu số 12 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), khá nhiều cử tri đã đến tìm hiểu thông tin ứng viên và sửa lại thông tin cử tri. Theo tổ bầu cử, tại điểm bỏ phiếu này có 3 trường hợp cử tri đề nghị chỉnh sửa ngày tháng năm sinh. Tại khu vực bỏ phiếu số 12 có 1.190 cử tri, các cán bộ đã túc trực cả ngày để tiếp nhận thông tin bổ sung hoặc sửa đổi phiếu.

Vận động không bầu hộ, bầu thay

Chiều 21/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, cho biết, toàn thành phố có hơn 4.700 đơn vị bầu cử với 5,2 triệu cử tri. “Mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã sẵn sàng. Từ vấn đề an ninh đến các vấn đề liên quan công tác bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu, công tác thông tin tuyên truyền, vận động bầu cử… Tất cả mọi việc đều rất tốt, các phương án đến giờ phút này nói chung đều ổn”, ông Tuấn nói. “Tất cả cử tri thuộc diện tạm giam, tạm giữ, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những lao động tự do ở bến xe, công trường, nhà máy, những người đang thụ án treo đều được thống kê, rà soát kỹ. Quyền bầu cử của tất cả mọi người đều được bảo đảm”, ông Tuấn cho biết. Theo ông Tuấn, để hạn chế tình trạng bầu hộ, bầu thay, ngoài tuyên truyền, vận động, thành phố còn nhắc nhở các thành viên trong tổ bầu cử vận động không để một người dân cầm 2-3 thẻ cử tri đi bầu. “Nếu một người mang ba thẻ cử tri đến thì chỉ cho bỏ một. Không được bầu hộ, người thân bị nhắc nhở trên loa thì sẽ tiếp tục phải đi bầu thôi”, ông Tuấn nói.

Tối 21/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, mọi công tác chuẩn bị ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn tất, sẵn sàng cho cho ngày hội bầu cử và không có điều gì bất thường xảy ra. Vấn đề an ninh luôn được đảm bảo ở mức tối đa, sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra các tình huống bất thường như cháy nổ, cấp cứu… Ngày 21/5 có 7 tỉnh đã tiến hành bầu cử sớm, như Kom Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Cà Mau… Công tác bầu cử sớm đúng quy định, an ninh trật tự được đảm bảo và không có điều gì bất thường xảy ra. 

Dũng Nguyễn - Trường Phong

* Đà Nẵng: Gửi 20.000 tin nhắn nhắc cử tri

Chiều 21/5, Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng cho biết, Tổng đài Dịch vụ công 1022 của Đà Nẵng đã nhắn 20.000 tin nhắn vào 20.000 thuê bao điện thoại để nhắc cử tri đi bầu cử. Nội dung tin nhắn “Ngày 22/5/2016, kính mời cử tri đi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và Đại biểu HĐND các cấp 2016 - 2021”  được tổng đài 1022 gửi đến 20.000 thuê bao di động ngẫu nhiên thuộc tất cả các nhà mạng. Ngày 22/5, hơn 683.000 cử tri tại Đà Nẵng sẽ đến 538 tổ bầu cử để bỏ phiếu. Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng yêu cầu các tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và kiểm phiếu trước 19 giờ ngày 22/5.

Nguyễn Thành

* Cần Thơ, Sóc Trăng: Lực lượng vũ trang bỏ phiếu sớm

Sáng 21/5, hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ đến từ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam bộ, Công an thành phố Cần Thơ, Cảnh sát PCCC, Công an quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ bỏ phiếu sớm ở 5 điểm. Thiếu tá Trương Quốc Hùng, Chính ủy Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam bộ, cho biết, các chiến sỹ nhận thức sâu sắc về quyền của công dân của mình trong đợt bầu cử. Đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, chiến sỹ vừa thực hiện quyền bầu cử vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh. trật tự.

Sáng cùng ngày, lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng cũng bỏ phiếu bầu cử sớm. Trung sỹ Nguyễn Lê Đăng Khoa nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cầm lá phiếu đi bầu cử. Tôi rất vui và xúc động. Sau khi bỏ phiếu xong, tôi trở về đơn vị để làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đợt bầu cử quan trọng này”.

Sáng 21/5, cán bộ, chiến sĩ của 7 đồn biên phòng ở huyện Ea Súp và Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đi bầu cử. Đại úy Lê Minh Hưng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê, cho biết, Đồn biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê (ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp) có gần 100 cử tri là cán bộ, chiến sĩ của đồn. Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Đắk Lắk, cử tri các đồn biên phòng đã đi bầu cử đủ quân số, đúng quy trình. Các đơn vị đã hoàn thành bầu cử trong sáng 21/5.

Hòa Hội - Xuân Lương - Lê Hường

* Gia Lai: Đảm bảo quyền cho những cử tri đặc biệt

Trại tạm giam T20 Công an tỉnh Gia Lai hiện có 150 bị can, bị án được đưa vào danh sách cử tri. Cán bộ quản giáo, giám thị đã tích cực hướng dẫn luật bầu cử cho người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đã có bản án của cấp sơ thẩm nhưng đang kháng cáo, chờ kháng nghị; lập danh sách đề nghị lên Ủy ban bầu cử để cấp phát thẻ cử tri. Thùng phiếu đã được đưa đến từng buồng tạm giam cho các cử tri bỏ phiếu. Theo Thượng tá Trần Văn Thanh, Giám thị T20, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền về luật bầu cử, hướng dẫn cách thức bầu cử chi tiết, rõ ràng cho các cử tri, giúp họ nâng cao nhận thức về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của việc bầu cử.

Về phía Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Gia Lai, ngay từ đầu tháng 4 đã báo cáo số lượng học viên cai nghiện bắt buộc và tự nguyện là 106 người cho Ủy ban bầu cử xã Biển Hồ (nơi đứng chân của Trung tâm). Trung tâm có một Tổ bầu cử, hòm phiếu riêng. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm cho biết, thông qua các buổi sinh hoạt chung của học viên, Trung tâm đã tuyên truyền các quy định để học viên nắm rõ.

Thiên Linh

* Kon Tum, Nghệ An: Các huyện biên giới hoàn thành bầu cử

Kon Tum có 3/10 huyện, thành phố tổ chức bầu cử vào ngày 21/5, sớm hơn 1 ngày so với ngày bầu cử toàn quốc. Đó là các huyện biên giới Đăk Glei, Sa Thầy và Ngọc Hồi. Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kon Tum, đến 11 giờ ngày 21/5, hơn 3.300 cử tri (đạt tỷ lệ 100%) của 20 khu vực bỏ phiếu của 3 huyện đã đi bầu cử sớm. Bà con dân tộc Giẻ-Triêng ở xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei nô nức đến 7 điểm bỏ phiếu. Sau lễ khai mạc lúc 6 giờ, 1.560 cử tri của xã Đăk Nhoong đã đi bỏ phiếu.

Hôm nay, hơn 69 triệu cử tri đi bỏ phiếu ảnh 1

Địu con đi bỏ phiếu. Ảnh: Báo Nghệ An.

Tổng cộng 145 điểm bầu cử sớm ở 34 xã thuộc 4 huyện vùng biên giới của tỉnh Nghệ An  đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng các cử tri, đa số đồng bào là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… đều đến đông đủ, đều đảm bảo 100% cử tri đi bầu. Việc bỏ phiếu diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, đúng luật. Tại các điểm bầu cử sớm đều diễn ra các chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng thành công ngày hội lớn. Ngày 22/5, cùng với cử tri cả nước, hơn 2 triệu cử tri Nghệ An sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Nguyễn Phim - Việt Hương

* Náo nức biên giới, vùng sâu ĐBSCL

Ngày 21/5, người dân nhiều địa phương vùng biên giới, nông thôn sâu ở ĐBSCL náo nức chờ đón ngày hội trọng đại của đất nước.

Hôm nay, hơn 69 triệu cử tri đi bỏ phiếu ảnh 2

Cán bộ trang trí điểm bầu cử tại xã Tân Long, Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ảnh: Hòa Hội.

Chị Cao Kim Mơ, Bí thư xã đoàn Tân Long, huyện Phụng Hiệp thuộc vùng sâu của Hậu Giang, cho biết, từ sáng sớm, chị cùng với các thành viên trong Ủy ban bầu cử trang trí các điểm bỏ phiếu, kiểm tra danh sách cử tri, phát loa tuyên truyền… “Anh em trong tổ bầu cử ai cũng vui, nhiệt tình. Người thì lo trang trí, người lo kiểm tra danh sách, đóng dấu… Mọi công việc đến giờ cơ bản đã xong, chỉ chờ sáng mai cử tri đến bỏ phiếu”, chị Mơ vui vẻ nói.

Các xã, thị trấn thuộc huyện biên giới Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp đã phát thẻ cử tri đến tận tay hơn 84.430 người. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Thành B, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã, ngày 21/5 cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cho lực lượng Công an, Quân sự tuần tra giữ vững tình hình an ninh trật tự và phân công canh giữ các điểm bầu cử để đúng 7 giờ ngày 22/5, các điểm bầu cử đồng loạt khai mạc đúng theo quy định”.

Chị Lê Thị Tuyết Nhi (22 tuổi, ngụ ấp Phú Lâm, xã Phú Thành B) nói: “Tôi đang trông chờ tới ngày bầu cử 22/5. Chính mình cầm lá phiếu bầu tự tay bỏ vào thùng phiếu để chọn những người có đức, có tài bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Tôi mong muốn các ứng cử viên trúng cử hãy quan tâm nhiều đến đời sống, chính sách an sinh xã hội, công ăn việc làm của người dân”.

Thị trấn Tràm Chim có rất đông cử tri theo đạo Thiên chúa. Ngày bầu cử đúng vào Chủ nhật - ngày bà con giáo dân đi lễ tại nhà thờ. Tuy nhiên, vấn đề này không ảnh hưởng việc đi bầu cử của giáo dân. Linh mục Nguyễn Văn Học, Chánh xứ Giáo xứ Thiên Phước, thị trấn Tràm Chim, cho biết: “Chúng tôi rất hân hoan chào đón ngày trọng đại này và chúng tôi có bổn phận tạo điều kiện dễ dàng nhất cho bà con giáo dân để tất cả giáo dân thực thi quyền công dân của mình”.   

Hòa Hội - Trọng Trí

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.