Hôm nay, khánh thành cầu treo Chôm Lôm

Hôm nay, khánh thành cầu treo Chôm Lôm
TP - Sau 8 tháng thi công, cầu treo Chôm Lôm (Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) đã hoàn thành. Có cầu mới, cuộc sống của một bộ phận người dân miền tây Nghệ An sẽ có nhiều thay đổi.

Sáng 7/10/2006, tại bến Chôm Lôm xảy ra vụ đắm đò tang thương, 19 học sinh trường THCS  Lạng Khê chết và mất tích. Để chia sẻ với người dân huyện Con Cuông, báo Tiền phong quyết định khởi xướng cuộc vận động xây cầu.

Đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đã sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động, kết quả số tiền ủng hộ đã lên tới 4,3 tỷ đồng. Tháng 2/2007, dự án cầu Chôm Lôm được khởi công cách bến đò cũ 125m về phía thượng lưu.

Ngày 8/11/2007, chúng tôi trở lại Lạng Khê. Chiếc cầu treo hiên ngang vượt qua sông Lam nối nhịp đôi bờ. Trước khi trận lũ lớn miền Tây đổ về, cũng là lúc chiếc dầm cuối cùng được kết nối, kịp phục vụ các em học sinh đến trường. Người dân Chôm Lôm không còn phải lo lắng mỗi lần vượt sông mùa lũ lụt.

Cầu treo Chôm Lôm do Sở GT-VT Nghệ An làm chủ đầu tư, Cty TNHH 201 (Hà Nội) và Cty Ngọc Bích (Bắc Cạn) thi công. Anh Phan Trường Sơn- người được giao nhiệm vụ điều hành công trình cho biết: “Lúc cao điểm, chúng tôi huy động trên 40 công nhân, đây là một dự án có ý nghĩa đặc biệt nên các B tập trung nhân lực đến mức tối đa, đẩy nhanh tiến độ”.

Cty 201 và Ngọc Bích điều đến công trường 15 máy ủi, máy xúc, xe lu, ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng. Hai đầu cầu, hai tốp công nhân cùng thi công, người xây dựng mố trụ và phần thượng bộ, người đảm nhận kéo cáp treo, hối hả ngày đêm, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền sơn cước.

Từ bên này sông nhìn sang bản Chôm Lôm, cổng cầu sừng sững vươn cao. Dây cáp treo vắt qua cổng, truyền lực xuống bể neo giữ cho thân cầu vững chãi; Trụ tháp và hố neo chịu lực được bao bọc bằng bê tông.

Ngoài cây cầu mới, người dân Lạng Khê còn có thêm con đường bê tông dài gần nửa cây số tiến sâu vào làng bản, thay cho đường đất sình lầy mùa mưa lũ.

“Qua cuộc vận động do báo Tiền phong khởi xướng, chúng ta đã biến đau thương thành hành động thiết thực!”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc phát biểu.

Nhịp cầu nhân ái do bạn đọc và các nhà hảo tâm gần xa chung tay góp sức, đã phần nào xoa dịu nỗi đau của 16 gia đình có con bị nạn ở Chôm Lôm.

Người dân Lạng Khê nói gì về cây cầu mới?

“Vậy là mong ước ngàn đời của người dân Chôm Lôm đã thành hiện thực!”, ông Kha Văn Minh (74 tuổi) tâm sự.

Ông Minh sinh ra ở Lạng Khê, hơn 7 thập kỷ phải qua sông bằng đò, chung sống với dòng nước lũ. Trong trí nhớ của ông, hầu như năm nào dân bản cũng tiễn đưa những người xấu số bị tai nạn trên bến Chôm Lôm.

“Qua đò ngang, có năm một người, có năm vài ba người chết đuối tại bến sông này, đau lòng lắm. Chiếc cầu treo giúp dân bản tránh xa chỗ hiểm nguy, lụt lội không thể đe dọa tính mạng dân Lạng Khê nữa”, ông Minh nói.

“Cảm ơn các đơn vị, cá nhân đã quyên góp tiền xây cầu thông qua báo Tiền phong, Đài PTTH và Tỉnh Đoàn Nghệ An. Cầu Chôm Lôm không chỉ phục vụ học sinh đến trường, mà còn làm thay đổi cuộc sống của người dân Lạng Khê.

Có cầu qua sông, việc buôn bán, đi lại sẽ thuận tiện hơn nhiều, đời sống của dân bản cũng nhờ đó mà được cải thiện!”, ông Hà Văn Minh (57 tuổi) trú tại bản Chôm Lôm xúc động nói.

Tại mố cầu Bắc, tôi gặp lại anh Vi Văn Biển - người lao xuống dòng nước lũ cứu học sinh trong vụ chìm đò sáng ngày 7/10.

“Dân Chôm Lôm đón nhận chiếc cầu mới với hai tâm trạng, vừa thương nhớ 19 em học sinh bị nạn, vừa  mừng vui vì miền rẻo cao có thêm một công trình phục vụ dân sinh. Từ đây chấm dứt những vụ đắm đò đau lòng, mỗi lần qua sông chúng tôi không còn phải lo lắng gì nữa”, anh Biển nghẹn ngào.

Gia đình anh Vi Văn Biển có 6 người, cậu con trai Vi Văn Qúi hiện đang học lớp 9B trường THCS Lạng Khê. Khi nước lũ dâng cao, anh phải bỏ nương rẫy chèo đò đưa con đến trường; Giờ thì con trai anh và bạn bè cùng lớp có thể yên tâm vượt sông trên chiếc cầu vững chắc.

Xã Lạng Khê có 4.397 nhân khẩu, gồm các dân tộc Kinh, Đan Lai, Thái. Một số người thoát ly quê hương, nhưng phần nhiều bám trụ làng bản, gắn bó với nghề nương rẫy. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 50%.

Bấy lâu nay việc vận chuyển lương thực, hàng hoá từ trung tâm xã vào Chôm Lôm hết sức khó khăn, vì đường sá lầy lội và phải đi đò ngang rất nguy hiểm. Việc bắc cầu treo sẽ giúp ích rất nhiều cho dân Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa.

Cha mẹ hết lo lắng, thầy cô yên lòng

"Cầu treo Chôm Lôm tổng số vốn đầu tư là 5,9 tỷ đồng, dài 167m, rộng 2,2m, gồm nhịp treo và hai nhịp dẫn, có thể chịu được tải trọng xe ô tô 2,5 tấn".

Thầy Trần Duy Quang - Hiệu trưởng trường THCS Lạng Khê - cho biết 3 bản bên kia sông có hơn 160 học sinh theo học cấp 2, hàng ngày các em phải đi bộ từ 4 đến 10km tới trường.

“Khi chưa có cầu treo, học sinh phải đi vòng xuống bến đò cũ, xa thêm khoảng 1km. Mùa mưa gió miền rừng, đường xa bao nhiêu là cực khổ bấy nhiêu. Bây giờ có cầu bắc qua sông, đoạn đường từ nhà các em đến lớp rút ngắn hơn, an toàn hơn, các thầy cô cũng thấy yên lòng”, ông Quang kể.

Một tuần một lần, thầy cô trường THCS Lạng Khê lại thay phiên nhau vào Chôm Lôm dạy bổ túc văn hoá cho thanh niên trong bản. Nhiều hôm tan tiết học thì trời đã về khuya, không ai chèo đò qua sông nên các thầy cô phải ngủ nhờ nhà dân đợi sáng mai mới quay về trường.

Kể từ tháng 11/2007, việc đi lại ở Lạng Khê thuận tiện hơn, khoảng cách giữa nhà trường và gia đình học sinh cũng trở nên gần gũi hơn.

Bước vào năm học 2007- 2008, số lượng học sinh Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hoà tăng vọt. Từ đầu năm học đến nay, nhất là thời điểm cầu treo được thông tuyến, sỹ số học sinh tại các lớp dần dần ổn định, không còn cảnh bỏ học do mưa lũ.

Hiệu trưởng Trần Duy Quang cho biết: “Có cầu mới, học sinh phấn khởi đến trường, cha mẹ các em cũng hết lo lắng!”.

Buổi sáng thanh bình đến với đất Lạng Khê. Tôi chờ đợi ở bờ Bắc sông Lam, ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên của bước chân học sinh bản Chôm Lôm trên cây cầu mới.

Vết thương lòng đã dịu, trên khuôn trẻ thơ rạng rỡ nụ cười tươi. Cầu treo Chôm Lôm vươn mình như một nét chấm phá trong bức tranh phong cảnh, tô đẹp cho bản làng miền Tây xứ Nghệ. 

MỚI - NÓNG