Hôm nay, xét xử vụ Huỳnh Ngọc Sĩ

Hôm nay, xét xử vụ Huỳnh Ngọc Sĩ
TPO – Ngày hôm nay, 24/9, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nguyên hai cán  bộ ở Ban quản lý dự án (BQLDA) Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM, gây xôn xao dư luận thời gian qua.

>> Khởi tố, bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sỹ

Hôm nay, xét xử vụ Huỳnh Ngọc Sĩ ảnh 1

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt ngày 11/2/2009 - ảnh Hữu Vinh

Thông tin từ Vụ Thông tin báo chí nước ngoài - Bộ Ngoại giao, đến nay có trên ba hãng thông tấn báo chí của Nhật Bản (trong đó có Kyodo) đăng ký tham dự phiên tòa.

Hai ông Huỳnh Ngọc Sĩ (56 tuổi) - nguyên Phó giám đốc (GĐ) Sở Giao thông - Công chính, kiêm GĐ BQLDA và Lê Quả (70 tuổi) - nguyên Phó BQLDA, bị Viện KSND Tối cao truy tố ra tòa tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn.... ,theo điều 281 Bộ luật Hình sự.

Chánh tòa hình sự TAND TPHCM Nguyễn Đức Sáu làm chủ tọa. Có bốn luật sư tham gia bào chữa cho hai bị cáo. Luật sư Phan Trung Hoài và Phạm Danh Tín bào chữa cho ông Sĩ; luật sư Lê Nhân Kiệt và Nguyễn Đình Khỏe bào chữa cho ông Quả.

Theo cáo trạng, giữa năm 2001, Cty tư vấn quốc tế Thái Bình dương (PCI, Nhật) trúng gói thầu tư vấn thiết kế đại lộ Đông Tây. Ông Sakashita (đại diện PCI) đặt vấn đề với ông Lê Quả sẽ thuê lại trụ sở tại địa chỉ số 3 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3 làm trụ sở.

Việc cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước này đã không xin phép cơ quan có thẩm quyền của thành phố nhưng với sự đồng tình của ông Sĩ, ông Quả đã trực tiếp thực hiện vụ việc này.

Theo đó, từ tháng 8/2001 - 11/2002, PCI đã đưa tổng cộng cho ông Quả là 1,2 tỷ đồng (giá thuê trụ sở 5.000 USD/ một tháng). Nhưng ông Quả đã không nhập vào sổ sách của cơ quan mà tự quản lý để chi tiêu. Ông Quả đã chi 350 triệu đồng vào việc giao dịch, tiếp khách nhưng không có hóa đơn chứng từ.

Số tiền còn lại, ông Quả đã giao cho một nhân viên phòng hành chính lập danh sách chia cho 87 cán bộ, nhân viên BQLDA. Trong đó, ông Sỹ được chia hơn 52 triệu đồng, ông Quả được gần 54 triệu đồng. Khi cơ quan điều tra thụ lý vụ án, ông Sỹ và những người liên quan đã nộp trên 1,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Viện KSND Tối cao  nhận định, những người khác là cán bộ, nhân viên có liên quan đến việc chia chác này không tham gia vào việc bàn bạc kế hoạch cho thuê trụ sở để hưởng lợi. Họ chỉ là những người làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, đã thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả nên không cần phải xử lý hình sự mà chỉ cần xử lý hành chính.

Điều mà dư luận quan tâm ở đây là vụ việc nói trên bị phanh phui sau khi vụ án tiêu cực đưa hối lộ của PCI được phía Nhật điều tra trong dự án mà ông Sĩ từng đương nhiệm GĐ BQLDA.

Tháng 8/2008, cơ quan tố tụng Nhật đã đề nghị Việt Nam cùng hợp tác điều tra khi có nghi vấn PCI đưa hối lộ để được chọn là nhà thầu tư vấn giám sát dự án đại lộ Đông - Tây.

Ngày 12/11/2008, báo chí Nhật Bản đưa tin, các cựu lãnh đạo PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TPHCM. Ba tháng sau thời điểm trên, ông Sĩ và Lê Quả bị bắt để điều tra. Tuy nhiên, bước đầu cơ quan điều tra chỉ khoanh vùng sai phạm trong quản lý tài chính khi BQLDA nói trên cho PCI thuê văn phòng.

Song, cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam cũng cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, đã nhận được khoảng 4.000 trang tài liệu do phía Nhật chuyển giao để phục vụ cho việc làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ và cần phải có thời gian để chuyển hóa  hết nội dung của những văn bản này. Nếu tiếp tục phát hiện thêm sai phạm, nhiều khả năng ông Sĩ sẽ phải đối mặt với tội danh mới.

MỚI - NÓNG