Hơn 10.000 đồng bào Mường sẽ mang hộ khẩu Hà Nội

Hơn 10.000 đồng bào Mường sẽ mang hộ khẩu Hà Nội
Sáng 28/3, HĐND tỉnh Hòa Bình đã họp bất thường, bỏ phiếu tán thành việc sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - trọng điểm du lịch của tỉnh vào Hà Nội.

Bốn xã của huyện Lương Sơn sáp nhập về Hà Nội gồm: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung với diện tích gần 8.800 ha, dân số hơn 20.000 người. 70% số dân các xã này là người dân tộc Mường. Nông nghiệp và chăn nuôi chiếm chủ yếu trong cơ cấu kinh tế.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của 4 xã hiện nay chỉ xấp xỉ 6,4 triệu đồng/năm, nhưng đây được xác định là khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp - du lịch của tỉnh Hòa Bình. Một nhà đầu tư lớn đã chọn Lương Sơn để xây dựng khu đô thị, giải trí - thương mại lớn nhất nước. Nhiều dự án khác trên địa bàn huyện đã lập xong quy hoạch 1/500.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, việc sáp nhập 4 xã của huyện Lương Sơn về Hà Nội phần nào xáo trộn cơ cấu kinh tế của tỉnh. “Khu trọng điểm phát triển công nghiệp sẽ phải điều chỉnh ra khỏi các xã sáp nhập, nằm sát với địa giới hành chính Hà Nội mở rộng” - Ông Tỉnh nói.

Trong cuộc họp ngày 28/3, tỉnh Hòa Bình cũng nhất trí kiến nghị Quốc hội điều chỉnh toàn bộ diện tích và dân số 6 xã nằm phía Tây đường Hồ Chí Minh của huyện Chương Mỹ (Hà Tây) về huyện Lương Sơn (Hòa Bình), lấy đường Hồ Chí Minh làm mốc địa giới của hai tỉnh.

Theo ông Tỉnh, việc điều chỉnh này trước khi sáp nhập về Thủ đô là cần thiết để dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai “cài răng lược” giữa Hòa Bình và Hà Tây. Việc này cũng sẽ giúp Lương Sơn giữ vững vị trí huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh Hòa Bình trong tương lai.

Trước đó, ngày 22 và 27/3, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội đã nhất trí cao phương án điều chỉnh địa giới Thủ đô do Bộ Xây dựng trình bày. Tháng 4/2008, đề án mở rộng Thủ đô sẽ được trình Quốc hội.

Nguyễn Hưng
Theo VnExpress

MỚI - NÓNG