Vạch chỉ giới cho đất trồng lúa

Hơn 1.600 khu vực quy hoạch treo

Hơn 1.600 khu vực quy hoạch treo
TP - Kết quả tự kiểm tra của 51/64 đơn vị hành chính cấp tỉnh phát hiện trên 1.600 khu vực thuộc diện quy hoạch treo với tổng diện tích hơn 344.000 ha.

Thống kê cho thấy, từ năm 2006 đến nay, 11 tỉnh thành trực thuộc T.Ư chỉ tính riêng giao đất, cho thuê đất 98 công trình dự án không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt với tổng diện tích hơn 17.500 ha.

Trong số đó, tổng diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi để giao đất là hơn 1.200 ha (có khoảng 600 ha đất chuyên trồng lúa).

Tính trên địa bàn chín tỉnh, diện tích đất hoang hóa tới gần 900 ha, trong đó có hơn 470 ha đất chuyên trồng lúa nước.

Sau khi kiểm tra và đánh giá tình trạng quy hoạch treo ở các địa phương, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.400 khu quy hoạch treo tại 42 tỉnh thành.

Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho rằng, dễ dãi trong thẩm định, cấp phép đầu tư các dự án của dẫn đến tình trạng quy hoạch treo.

Trong đó có khoảng 860 khu quy hoạch đã hoàn thành xử lý và gần 600 khu đang trong quá trình xử lý.

Còn lại hơn 300 khu chưa được xem xét xử lý với diện tích trên 18.400 ha.

Từ năm 2005 đến nay, có 48/55 tỉnh thành báo cáo kết quả, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Có hơn 1.200 trường hợp vi phạm pháp luật trong sử dụng đất với tổng diện tích trên 38.600 ha, trong đó tổng diện tích vi phạm khoảng trên 24.500 ha (chiếm 63,5 phần trăm).

Đến nay, các địa phương đã xử lý thu hồi gần 19.000 ha, gia hạn sử dụng cho trên 3.000 ha và điều chỉnh dự án cho hơn 750 ha. Từ đầu năm 2008 đến nay, cơ quan chức năng tiến hành hơn 14.400 cuộc thanh tra, kết thúc khoảng 12.000 cuộc và phát hiện hơn 8.000 ha đất có sai phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.800 ha, đã thu hồi khoảng 360 ha đất.

Vạch chỉ giới cho đất trồng lúa

Bộ TN&MT đánh giá, nhiều quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch định hướng không gian chưa được phân kỳ, thiếu lộ trình thực hiện và không biết đến bao giờ mới thực hiện được, trong khi chính quyền địa phương đã hạn chế các quyền của người dân nằm trong các khu quy hoạch nói trên.

Nhiều địa phương nôn nóng cạnh tranh, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị đã quy hoạch sử dụng đất cho các lĩnh vực này số diện tích vượt quá khả năng đầu tư và điều kiện thực tiễn dẫn đến tình trạng chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, thu hồi đất quá nhiều.

Định hướng sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 sẽ giữ ổn định diện tích đất trồng lúa khoảng 3,7 - 4 triệu ha, đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 120 triệu dân với nhu cầu tối thiểu khoảng 300kg/người/năm.

Nhằm đạt mục tiêu này, quan điểm của Bộ TN&MT là xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hồi đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng phải được tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng và phải vạch chỉ giới đường đỏ đối với các diện tích trồng lúa để đảm bảo chiến lược an ninh lương thực không chỉ cho giai đoạn trước mắt và cho cả các thế hệ mai sau.

Mặt khác, cơ quan chức năng sẽ rà soát, phát hiện và kiên quyết thu hồi diện tích treo, dự án treo. Đất giao, cho thuê  không đúng đối tượng, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, vi phạm quy hoạch, tiến độ đầu tư chậm, hiệu quả chưa được phát huy, gây lãng phí tài nguyên đất sẽ bị thu hồi để đưa vào sử dụng, bổ sung quỹ đất dự trữ phát triển, nhất là đối với các khu vực đô thị, các thành phố lớn.           

MỚI - NÓNG