Hơn 29 tỷ đồng đào tạo bồi dưỡng cho 14 nghìn cán bộ trẻ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
TPO - Từ năm 2015 đến năm 2020 đã có 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã tại 42 tỉnh được đào tạo bồi dưỡng, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng.  

Ngày 19/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).

Thông tin về Chiến lược phát triển thanh niên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, về cơ bản các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. Thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu học tập và lao động; nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi.

Đối với Đề án 567, từ năm 2015 đến năm 2020, đã bồi dưỡng cho 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã tại 42 tỉnh, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, đạt 87,8% kinh phí được cấp. Kết quả cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ đã chủ động học tập, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, lúng túng, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương; lĩnh hội kiến thức, phát huy tính sáng tạo trong học tập và hình thành kỹ năng phát triển năng lực vận dụng các kiến thức vào trong thực tiễn.

Với Đề án 500 trí thức trẻ, được triển khai nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã đặc biệt khó khăn. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành; đồng thời, tạo nguồn cán bộ, công chức cho hệ thống chính trị ở các địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các Đề án và mở rộng đến các xã, phường thị trấn, đặc biệt ở các huyện miền núi, hải đảo để bồi dưỡng cho cán bộ, công chức có tuổi đời dưới 30. Đại biểu cũng đề nghị tăng cường nguồn lực cán bộ cho sự nghiệp phát triển thanh niên ở địa phương; quan tâm bố trí kinh phí để triển khai kế hoạch thực hiện các Đề án, đảm bảo có môi trường cho thế hệ trẻ phát triển tốt nhất.

Đổi mới cách làm, tránh bề nổi

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đặc biệt khó khăn. Phó Thủ tướng lưu ý về đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy, năng lực và sức sáng tạo để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

Về Đề án 567, cần chú ý đến đối tượng cán bộ, công chức trẻ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời xác định rõ nội dung, chương trình, nguồn kinh phí; tập trung ưu tiên việc bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, bảo đảm thiết thực, phát huy bản sắc dân tộc, phù hợp với đặc thù địa phương.

Với Đề án 500 trí thức trẻ, Phó Thủ tướng lưu ý, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách phù hợp cho Đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Đối với những địa phương đã có phương án bố trí, sử dụng Đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, theo đúng quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG