Hơn 300 nghệ sĩ tiễn đưa Phương khói lửa

Hơn 300 nghệ sĩ tiễn đưa Phương khói lửa
TP - Sáng qua, Bệnh viện Nhân Dân 115, nơi cấp cứu ông Hồ Sĩ Cường (81 tuổi, đại tá, từng công tác tại Cục Tình báo - Bộ Công an), nạn nhân trong vụ nổ hôm 24-2, xác nhận ông đã trút hơi thở cuối cùng.

> Vụ nổ 10 người chết: Nỗi đau tột cùng
> Nỗi đau sau vụ nổ: Chờ con về giám định ADN
> Sẽ khởi tố vụ nổ làm mười người chết

Ông Hồ Sĩ Tùng (con trai ông Hồ Sĩ Cường) cho biết, ông Cường rơi vào trạng thái hôn mê, huyết áp xuống rất thấp từ sáng 25-2.

Như vậy, vụ nổ kinh hoàng đã cướp đi sinh mệnh 3 người thân của ông Tùng là ông Cường (cha), bà Nguyễn Thị Tân Xuân (vợ) và con gái Hồ Kiều Anh (17 tuổi).

Chiều 26-2, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự - xã hội (PC64) – Công an TPHCM gặp mặt báo chí để thông báo về các vấn đề liên quan sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng PC64, chỉ có cơ quan, tổ chức, công ty 100% vốn nhà nước mới được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Trong đó, sản xuất và kinh doanh mặt hàng này phải là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sử dụng vật liệu nổ phải được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an, cấp phép. Vận chuyển vật liệu nổ phải được cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp phép.

“Do vậy, để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm các quy định mà pháp luật đề ra trong công tác phòng chống cháy nổ. Người dân khi phát hiện tổ chức, cá nhân tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ có nghĩa vụ phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng để tiến hành xác minh”, Đại tá Dung khuyến cáo.

Trả lời câu hỏi, việc quản lý hiệu ứng cháy nổ trong phim hiện nay có phải xin phép cơ quan nào không, ông Dung nói: Từ trước đến nay chưa có văn bản nào quy định về quản lý hiệu ứng cháy nổ trong phim. Tuy nhiên, súng trường, đại bác cổ… không gây nổ phải xin phép vận chuyển.

Theo ông Dung, cơ quan điều tra công an TPHCM và Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đang phối hợp để xác định loại vật liệu nổ và nguyên nhân gây ra vụ cháy nổ.

Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục khám nghiệm hiện trường để thu thập thêm một số thông tin liên quan. Các thùng đạn mã tử, gói giấy hình tròn có chứa chất nghi thuốc nổ đã được gửi đi giám định.

Hơn 300 nghệ sĩ đưa tiễn Phương “khói lửa”

14 giờ ngày 26-2, người thân, bạn bè… của gia đình nghệ sĩ khói lửa Lê Minh Phương đến Nhà tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm đưa 6 nạn nhân (vợ chồng, 3 con và em gái ông Phương) đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Người dân đưa tiễn gia đình nghệ sĩ khói lửa Lê Minh Phương. Ảnh: T.N.A
Người dân đưa tiễn gia đình nghệ sĩ khói lửa Lê Minh Phương. Ảnh: T.N.A.

Trưa 26-2, nhiều văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, văn chương… đến đưa tiễn ông cùng 5 người thân.

Chị Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, cho biết do gia đình ông Phương tử nạn hết nên ban đầu Hội chủ trương đứng ra lo liệu, nhưng UBND TPHCM đã có cuộc họp khẩn và quyết định giao Mặt trận Tổ quốc TPHCM đứng ra làm đám tang.

Đầu giờ chiều, 6 linh cữu được đưa về nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Đi sau đoàn xe linh cữu là đoàn xe 5 ô tô lớn, và xe riêng, với hơn 300 nghệ sĩ trong giới đạo diễn, kịch bản, diễn viên, đóng thế, hóa trang, âm thanh… của điện ảnh TPHCM, nhiều người dân cũng đi theo bằng ô tô, xe máy.

Đạo diễn Lê Cung Bắc nói: “Điện ảnh TPHCM chỉ có khoảng năm người làm về lĩnh vực khói lửa, trong đó anh Phương là một trong những người nhiều kinh nghiệm nhất. Anh đã cộng tác với tôi trong một số phim. Tôi đánh giá anh là một người tâm huyết, cẩn thận. Tai nạn xảy ra thật đáng tiếc”.

Ngậm ngùi một lúc, đạo diễn thổ lộ: “Tai nạn cháy nổ chất tạo khói lửa điện ảnh đã cướp đi 11 sinh mạng cả nghệ sĩ và dân thường đã làm cho giới điện ảnh chúng tôi chấn động mạnh. Chúng tôi có cùng chung suy nghĩ là phải làm sao để việc sản xuất phim trở nên an toàn hơn”.

Chưa xác định được việc bồi thường thiệt hại

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc bồi thường thiệt hại sau vụ nổ làm 11 người tử vong ở TPHCM, luật sư Lê Anh Trung, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, có nhiều rắc rối.

Nếu cơ quan điều tra xác định vụ nổ do ông Lê Minh Phương chứa các loại pháo gây ra thì có thể đình chỉ vụ án, vì người gây ra vụ nổ đã chết. Trong trường hợp này gọi là “sự biến pháp lý”, có nghĩa là sự việc xảy ra ngoài mong muốn. Và vì vậy, người thân của ông Phương cũng không chịu trách nhiệm về sự việc này.

Cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm liên đới của chủ nhà. Theo đó, phải xem thỏa thuận hợp đồng thuê nhà giữa ông Phương và chủ căn nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa để xem có ràng buộc về các điều khoản hay không.

“Nếu chủ nhà khi cho thuê biết được ông Phương thuê nhà để chứa các vật liệu nổ nguy hiểm trong khu dân cư thì chủ nhà phải chịu trách nhiệm vì vi phạm về an toàn cháy nổ”, luật sư Trung nói.

Theo luật sư Trung, trong trường hợp hợp đồng cho ông Phương thuê nhà để bán bún bò và cà phê như vợ ông Phương đã thực hiện trong gần 2 tháng qua thì chủ nhà vô can.

Trong khi đó, theo quy định tại điều 495 Bộ luật Dân sự, việc thuê nhà phải làm hợp đồng và hai bên cho thuê và thuê có những thỏa thuận như bên thuê nhà phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản tài sản của căn nhà, không được làm hư hỏng nhà, đảm bảo nghĩa vụ về an toàn phòng cháy chữa cháy, trả tiền thuê nhà đầy đủ… Nếu trong quá trình sử dụng nhà xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ do lỗi của bên thuê gây ra thì bên thuê phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ nhà và những nhà xung quanh nếu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo luật sư Trung, do chưa xác định được nguyên nhân từ đâu nên việc có bồi thường hay không còn phải chờ.

Luật sư Trung cho rằng, khi đưa một lượng lớn chất nổ, vật liệu gây cháy trái phép về nhà như vậy mà không khai báo với cơ quan chức năng nơi sở tại và không được các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, giám sát là điều không thể chấp nhận.

Theo quy định, các vật liệu gây cháy, gây khói, nổ… để làm phim phải để ở kho chuyên dụng, ở phim trường có đủ diện tích và phương án phòng cháy chữa cháy an toàn. Ngoài ra, phải khai báo với cơ quan
thẩm quyền.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước khi cho ông Phương thuê căn nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Ngôn và bà Cẩm Tú đã ở đây 20 năm.

Cách đây 5 tháng, vợ chồng ông rao bán căn nhà này nhưng vẫn chưa ai mua. Trước đó, ông Ngôn cho biết muốn bán căn nhà này, để ra nước ngoài định cư với hai con. Một nguồn tin cho biết, trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn, vợ chồng ông đã đi nước ngoài thăm con.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG