Hơn 3.000 cử tri đặc biệt bỏ phiếu tại Trại tạm giam Công an Hà Nội

Hình ảnh bầu cử tại Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội.
Hình ảnh bầu cử tại Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội.
TP - Hôm qua (22/5), hơn 3.000 cử tri tại Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội tham gia bầu cử. Trong số đó, có 2.884 cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ đã thực hiện quyền bỏ phiếu tại đây.

Việc người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử là quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng.

Theo ghi nhận của PV, mới hơn 6 giờ sáng, cử tri là cán bộ, chiến sỹ cũng như người bị tạm giam, tạm giữ trong trại tạm giam xếp hàng chờ đến giờ bỏ phiếu. Sau lễ khai mạc, đúng 7 giờ sáng, Tổ Bầu cử tại Trại tạm giam số 1 – Công an Hà Nội (thuộc khu vực bỏ phiếu số 7, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tiến hành bỏ phiếu.

 Nhờ chủ động thực hiện tốt các mặt công tác chuẩn bị, điểm bỏ phiếu tại Trại tạm giam số 1 – Công an Hà Nội đảm bảo được tính dân chủ, đúng luật. Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cũng bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu Trại tạm giam số 1 Hà Nội. Sau khi tất cả cử tri là những người  bị tạm giam, tạm giữ bỏ phiếu, cán bộ chiến sỹ thuộc Trại tạm giam mới thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Không để sót trường hợp nào

Cầm trên tay lá phiếu, cử tri Nguyễn Quốc Đạt - người đang bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội chia sẻ: “Ngay lúc này đây, tôi rất xúc động khi vẫn được thực hiện quyền bỏ phiếu, lựa chọn những người đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân cũng như cho chính bản thân mình. Không biết nói gì hơn, tôi xin tự hứa với bản thân sẽ cải tạo thật tốt để sớm trở về với cộng đồng, trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội, cũng như đóng góp một phần sức mọn cho đất nước”.

Trên cả nước có khoảng 30 nghìn người đang bị tạm giam, tạm giữ đã thực hiện quyền cử tri trong ngày 22/5. Trong số đó có hơn 200 người đã bị tuyên án tử hình nhưng do bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc trong thời gian kháng cáo nên những người này vẫn được thực hiện quyền công dân.

Trao đổi với PV, thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết, thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (năm 2015), từ những tháng trước đó, Công an Hà Nội đã yêu cầu các cán bộ quản giáo tăng cường công tác quán triệt phổ biến các văn bản đến các can phạm nhân, đảm bảo cho can phạm nhân hiểu về quy định và quyền bầu cử cũng như giúp họ thực hiện tốt quyền của mình, thể hiện sự tôn trọng quyền con người và quyền công dân của những cử tri đặc biệt này. 

“Chúng tôi tiến hành rà soát rất kỹ lưỡng, không để sót trường hợp nào thuộc diện được bầu cử mà không được đi bầu”, thiếu tướng Đinh Văn Toản nói.

Với đặc thù riêng của Trại tạm giam, việc chuẩn bị cho công tác bầu cử tuy có gặp những khó khăn nhất định, song với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của đơn vị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021 tại Trại tạm giam số 1 – Công an Hà Nội đã diễn ra tốt đẹp.

“Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén đi bầu cử

“Sau gần 18 năm mất quyền công dân, hôm nay tôi rất vui, rất hãnh diện được thực hiện quyền công dân”, ông Huỳnh Văn Nén, “người tù thế kỷ” nói với phóng viên báo Tiền Phong, ngày 22/5.

Sáng 22/5, ông Nén cùng người thân đến nhà cộng đồng khu phố 2, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp. “Tôi đọc tên, đọc tiểu sử các ứng cử viên kỹ lắm, chắc phải mất 30 phút để hoàn thành việc chọn lựa các ứng cử viên trong 4 phiếu bầu”, ông Nén nói.

Ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giam từ ngày 17/5/1998 đến ngày 22/10/2015, bị TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt 2 án tù với tội danh “giết người”. Ông bị án tù chung thân do bị cho là giết bà Lê Thị Bông ở xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh vào tối 23/4/1998. Trong vụ án bà Dương Thị Mỹ bị giết đêm 18/3/1993, nổi tiếng với tên gọi “vụ án vườn điều”, ông Nén bị kết án 6 năm tù. Cả hai án “giết người” này của ông Nén đều đã được các cơ quan pháp luật thừa nhận là án oan. Sáng 3/12/2015, các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén và gia đình ông. Đến tháng 3/2016, ông Nén được nhận CMND và đăng ký hộ khẩu, hoàn toàn phục hồi quyền công dân.

Nguyễn Đình Quân

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.