'Hơn 40 năm rồi Hà Nội vẫn không quên chúng tôi'

Vùng quê trù phú của người Hà Nội trên cao nguyên.
Vùng quê trù phú của người Hà Nội trên cao nguyên.
TP - Nhiều người dân ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã xúc động thốt lên như thế khi hay tin UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tiếp tục hỗ trợ phát triển huyện Lâm Hà giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, Hà Nội hỗ trợ xây dựng 2 công trình giao thông và 1 trường học với kinh phí 94 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc; giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Lâm Hà nghiên cứu, đề xuất nội dung cụ thể hỗ trợ huyện trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, giao Sở Công thương đề xuất các nội dung xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao như cà phê, tơ tằm, trà Ô Long, rau và hoa công nghệ cao. Hà Nội cũng giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch hỗ trợ quảng bá, giới thiệu danh mục thu hút đầu tư của Lâm Hà tới các doanh nghiệp ở thủ đô.

Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết, chỉ tính riêng 10 năm (2004 - 2015) Hà Nội đã hỗ trợ hơn 258 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo các công trình phục vụ dân sinh như bệnh viện, trường học, đường giao thông; đầu tư máy móc, thiết bị… Đó là chưa kể nhiều hoạt động khác như xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ gia đình chính sách, trẻ em khó khăn... thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, trách nhiệm của thủ đô dành cho những người con đi lập nghiệp nơi xa…

'Hơn 40 năm rồi Hà Nội vẫn không quên chúng tôi' ảnh 1 Hỗ trợ Lâm Hà làm đường giao thông nông thôn.

“Xé rào” để lo cho “núm ruột” phương xa

Là bí thư Đoàn của lực lượng thanh niên tiền trạm đi xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) này, ông Phan Hữu Giản (nay đã 76 tuổi) kể: Vì mới trải qua thời kì thắt lưng buộc bụng, tất cả cho tiền tuyến nên lúc ấy người dân rất nghèo. Bởi thế, họ không chỉ mang theo xoong nồi, bát đĩa, chăn màn mà đến cả cây chuối non cũng đánh lên, bọc đất đem đi. Đoàn xe chở dân đi KTM được lệnh phải mang tất cả, không được tự tiện bỏ lại, không được để mất thứ gì của dân. Đi ròng rã bao nhiêu ngày mới đến Lâm Đồng nhưng lại thấy núi rừng thâm u, hổ gầm, vượn hú nên đàn bà, con nít khóc như ri, thương lắm!

Theo hồi tưởng của ông Vũ Hoa Mỹ (Trưởng ban xây dựng vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng), năm 1978 cây ngô Tài năng 11 thắng lợi giòn giã vụ 2. Nhìn đâu cũng thấy ngô, ngô xếp chật nhà, ngô treo hong lủng liểng ở hàng hiên hội trường, trụ sở, trường học, rạp chiếu bóng… Ngô là “quân chủ lực” trong bữa ăn hàng ngày của cán bộ và anh em tiền trạm. Có ngô xay đã là hạnh phúc rồi nhưng nhiều khi phải nhá ngô hạt. Vì thiếu vôi để ngâm cho mềm nên hạt ngô rắn nhai sái quai hàm, ăn từ sáng đến chiều bụng còn đầy ăng ắc. Đang là  thời buổi “ngăn sông cấm chợ” nên làm ra nhiều ngô thì phải ăn ngô chứ chẳng biết làm sao!

Khi vào thăm, thấy tình cảnh “éo le” đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng  đã can thiệp cho vùng KTM Hà Nội được đem ngô đi đổi gạo ở TPHCM và ĐBSCL để người dân đỡ phải ăn độn nhiều ngô. Thủ tướng có tới 4 lần đến thăm, trực tiếp tháo gỡ nhiều vấn đề cụ thể đang còn những ý kiến khác nhau về vùng KTM Hà Nội, có lần quyết định cho vùng KTM Hà Nội tham gia trồng 2.000ha cà phê trong chương trình hợp tác với Tiệp Khắc. 

Năm 1980, người dân khu vực Lán Tranh bị mất mùa, đói khổ, ngô cũng chẳng đủ mà ăn. Có hợp tác xã chỉ qua một đêm “bốc hơi” 30 mái nhà tôn. Thì ra người dân phải lột cả mái nhà của mình để bán lấy tiền mua lương thực chạy bữa cho tới vụ sau. Năm đó ông Lê Văn Lương (Bí thư Thành ủy Hà Nội) vào thăm và giải quyết cứu đói cho bà con 50 tấn gạo. Bí thư gợi ý “vùng này dù nuôi bò sữa hay trồng cà phê cũng cần lương thực cho dân. Đây là vấn đề chiến lược lâu dài. Những lúc nghe các anh báo cáo mất mùa, dân đói, chúng tôi rất lo. Cứu các anh thì vừa khó vừa xa mà lương thực của Hà Nội cũng rất căng thẳng. Các anh nên nghĩ vấn đề này đi...”.

Giai đoạn đó tỉnh Long An còn nhiều đất bỏ hoang và vẫn nhận dân miền Bắc vào xây dựng vùng KTM nhưng cái khó là Chính phủ phân cho Hà Nội đưa dân vào Lâm Đồng chứ không đi Nam bộ. Ban xây dựng vùng KTM đề nghị Bí thư ký giấy giới thiệu để nhờ Tỉnh ủy Long An giúp đỡ. Dẫu đang bị ốm phải nằm điều trị tại bệnh viện, Bí thư vẫn vui vẻ ký ngay. Nhờ đó mượn được 500 ha đất ở Long An trong vòng 10 năm để thành lập một trại sản xuất lúa, đay, vịt cung ứng cho người dân đang canh tác cây công nghiệp.

Đang bận túi bụi với công việc mua bán tại cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở trung tâm thị trấn Nam Ban, bà Phạm Thị Nguyệt (gần 60 tuổi) ngừng tay góp chuyện: Chúng tôi là những người đầu tiên vào khai hoang vùng đất này. Tháng 4/1976, khi vào đến nơi chỉ thấy toàn rừng là rừng. Lãnh đạo dặn dò buổi tối có nghe súng nổ cũng đừng ra ngoài, đề phòng gặp phỉ Fulro. Rồi thì sốt rét rừng, mất mùa thiếu đói đủ cả. Không ít người đã nằm xuống vì tai nạn, sốt rét, Fulro tấn công… Ban đầu, sự hỗ trợ của Hà Nội chưa nhiều nhưng cũng là nguồn động viên rất lớn, khiến chúng tôi không cảm thấy bơ vơ giữa chốn xa lắc xa lơ. Sau đó Hà Nội hỗ trợ nhiều hơn. Các bác thấy đó đường sá ở đây rất tốt, từ đường lớn đến đường bé đều được bê tông hóa. Tiền từ Hà Nội gửi vào đấy. Hơn 40 năm rồi, họ vẫn không quên chúng tôi”, bà Nguyệt nói.

Bà Nguyệt là vợ ông Trần Ngọc Lành. Ở tuổi đôi mươi, hai người ở hai xã khác nhau nhưng cùng “đầu quân” vào Lâm Hà. Sau ba năm nghĩa vụ, hơn 2.460 thanh niên tiền trạm trở về Hà Nội, chỉ có 200 người tình nguyện ở lại sinh sống tại Lâm Hà, trong đó có đôi bạn trẻ này. Họ cưới nhau, làm ăn phát đạt. Ba người con của họ lần lượt học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định. Hai vợ chồng thường xuyên giúp những đồng đội năm xưa sửa chữa nhà cửa hoặc hướng dẫn họ cách làm ăn để vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

'Hơn 40 năm rồi Hà Nội vẫn không quên chúng tôi' ảnh 2 Du khách nước ngoài ưa chuộng sản phẩm dệt ở Lâm Hà.

Đội ngũ giáo viên tình nguyện đông đảo

Với phương châm “san người, sẻ của”, Hà Nội đã lựa chọn những cán bộ có uy tín, trách nhiệm, giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn làm nòng cốt để xây dựng đội ngũ cán bộ cho vùng KTM. Đồng hành cùng những đoàn dân di cư từ Hà Nội vào Lâm Hà là hàng trăm giáo viên tình nguyện, phần lớn vừa tốt nghiệp. Sau đó, hàng năm, Hà Nội lại tăng cường thêm các giáo viên mới.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở Ban lãnh đạo vùng KTM “phải chăm lo phát triển giáo dục, từng bước đầu tư xây dựng trường ra trường, không được để trẻ em thất học; phải chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, đào tạo con người mới, phát huy truyền thống văn hiến của thủ đô”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã vào thăm, động viên, nhắc nhở và chụp ảnh lưu niệm cùng với một số cán bộ giáo viên ở vùng KTM này.

Bản thân những người Hà Nội xa quê cũng ý thức vấn đề học hành là vô cùng quan trọng nên ưu tiên đầu tư cho bọn trẻ đến trường. Nhiều gia đình khá giả nhưng không xây nhà lầu, sắm xe hơi mà đầu tư cho con cháu học hành, lập nghiệp. Trải qua mấy mươi năm, nét văn hóa Tràng An vẫn được gìn giữ; con cháu được dạy dỗ tử tế để nhớ gốc gác, nguồn cội. Tỉ phú thương binh Lã Văn Tuấn đưa vợ con vào Lâm Hà năm 1978; lam lũ với vườn cà phê, chuồng bò, ao cá suốt mấy thập niên nhưng bù lại 9 đứa con được học hành bài bản, có đứa rất thành đạt. Ông khoe đã tích cóp “tậu” liền 2 mảnh đất 600m2 ở TPHCM để lo cho tương lai của các con. 

“Hà Nội luôn hướng về Lâm Hà, máu thịt thủ đô trên cao nguyên. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn dành tình cảm sâu đậm, gắn bó, trách nhiệm và tích cực hỗ trợ để góp phần tạo nên diện mạo khang trang cho vùng KTM này”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng

Là bí thư Đoàn của lực lượng thanh niên tiền trạm đi xây dựng vùng KTM này, ông Phan Hữu Giản (nay đã 76 tuổi) kể: Vì mới trải qua thời kì thắt lưng buộc bụng, tất cả cho tiền tuyến nên lúc ấy người dân rất nghèo. Bởi thế, họ không chỉ mang theo xoong nồi, bát đĩa, chăn màn mà đến cả cây chuối non cũng đánh lên, bọc đất đem đi. Đoàn xe chở dân đi KTM được lệnh phải mang tất cả, không được tự tiện bỏ lại, không được để mất thứ gì của dân. Đi ròng rã bao nhiêu ngày mới đến Lâm Đồng nhưng lại thấy núi rừng thâm u, hổ gầm, vượn hú nên đàn bà, con nít khóc như ri, thương lắm! 

MỚI - NÓNG