Hơn 4.000 căn hộ công vụ được quản lý thế nào?

TP - Sau thông tin 12 cựu cán bộ về hưu chưa chịu trả nhà công vụ dù Bộ Xây dựng nhiều lần gửi công văn đòi, một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thủ tục trả nhà công vụ rất đơn giản: Kiểm kê tài sản rồi thanh lý hợp đồng thuê nhà.

Theo vị này, Bộ Xây dựng được giao quản lý nhà ở công vụ từ năm 2014. Hiện nay, nhà ở công vụ được hình thành từ hai nguồn là nhà ở được tiếp quản từ chế độ cũ do thực hiện các chính sách về cải tạo nhà đất trước đây. Số còn lại là nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng sau năm 1975.

Hơn 4.000 căn hộ công vụ được quản lý thế nào? ảnh 1 Chung cư CT1-CT2 Khu đô thị Yên Hoà, Cầu Giấy (Hà Nội) có 76 căn hộ làm nhà ở công vụ. Ảnh: Trọng Tài.

Tổng quỹ nhà công vụ hiện nay là 315.280m2 sàn, bao gồm 49 biệt thự, 6.377 căn hộ và nhà ở một tầng. Trong đó, quỹ nhà của các cơ quan trung ương quản lý là 198.091m2, nhà ở công vụ của các địa phương là 117.189m2.

Quỹ nhà ở của các cơ quan trung ương bao gồm 42 biệt thự, 4.890 căn hộ và nhà ở một tầng, trong đó có 100 căn được mua mới từ quỹ nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Số lượng nhà ở công vụ của các cơ quan trung ương tập trung nhiều nhất vào Bộ Quốc phòng (khoảng 83.000m2) và Bộ Công an (khoảng 67.000m2).

Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản cho biết, theo quyết định của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, hầu hết các cựu quan chức nêu trên đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2.

Trong trường hợp các cựu quan chức này ở cùng gia đình sẽ được cộng thêm 6m2 nhà ở/1 thành viên. Bộ Xây dựng thuê đơn vị quản lý vận hành nhà công vụ ký hợp đồng với người thuê, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm và nghĩa vụ hai bên, giá thuê, thời hạn thuê, việc thu hồi nhà...

MỚI - NÓNG