Hơn 500 khối gỗ được sử dụng trùng tu chùa Diệu Đế

Phần đại điện chùa Diệu Đế sẽ được hạ giải đại trùng tu. Ảnh: Võ Thạnh
Phần đại điện chùa Diệu Đế sẽ được hạ giải đại trùng tu. Ảnh: Võ Thạnh
Kinh phí trùng tu ngôi chùa vốn là nơi sinh vua Thiệu Trị hơn 32 tỷ đồng, hoàn toàn được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Sáng 11/6, Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế làm lễ khởi công, đặt đá đại trùng tu chùa Diệu Đế, một trong những Quốc tự dưới triều Nguyễn.

Theo đó, chùa Diệu Đế với công trình chính là Đại Giác điện sẽ được hạ giải làm mới theo kiến trúc nhà rường bằng gỗ. Dự kiến, khoảng 500 khối gỗ sẽ được sử dụng cho việc đại trùng tu chùa Diệu Đế. Kinh phí trùng tu hơn 32 tỷ đồng, hoàn toàn được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Theo Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều hạng mục công trình của chùa Diệu Đế như Đại Giác điện, cổng tam quan đã xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Việc trùng tu chùa nhằm bảo tồn tổng thể loại hình kiến trúc chùa Huế triều Nguyễn, đáp ứng không gian cho các hoạt động Phật sự, nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân.

Chùa Diệu Đế có khuôn viên rộng hơn 10.000 m2, nằm trên đường Bạch Đằng (phường Phú Cát, TP Huế). Xung quanh chùa từng có thành bao bọc, có 6 cổng ra vào với nhiều công trình như cổng tam quan, chung đình, bi đình, chung lâu, cổ lâu...

Hơn 500 khối gỗ được sử dụng trùng tu chùa Diệu Đế ảnh 1 Phối cảnh chùa Diệu Đế khi trùng tu. Ảnh: Võ Thạnh

Diệu Đế từng là phủ, cũng là nơi sinh của vua Thiệu Trị. Năm 1844, nhà vua đã tôn tạo và sắc phong chùa làm Quốc tự, các trụ trì được triều Nguyễn bổ nhiệm.

Với kiến trúc cổ kính, chùa Diệu Đế là một trong những di tích nổi tiếng của xứ Huế. Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa mỗi mùa Phật đản.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG