Hơn 500 trẻ em chưa thoát cảnh “chim xệ cánh”

Hơn 500 trẻ em chưa thoát cảnh “chim xệ cánh”
TP - Tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, hàng trăm trẻ em bị xơ hóa cơ delta (teo cơ vai). Ngoài 447 ca đã phẫu thuật, vẫn còn 529 cháu chưa được chữa trị. Câu hỏi đặt ra: Kinh phí ở đâu?

“Những trẻ em bị teo cơ vai, đủ mọi thành phần. Nhiều trường hợp là con cháu của các thầy thuốc. Nhưng chủ yếu là con em nông dân, ngư dân, hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Thu tiền của các cháu thì không nỡ. Nhưng không thu tiền, trong khi ngân sách địa phương đang eo hẹp, kinh phí phẫu thuật lấy đâu ra?” - Ông Trịnh Ngọc Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân tâm sự.

Số liệu khảo sát sơ bộ cho thấy: Toàn huyện có 976 người bị xơ hóa cơ delta. Điển hình là các xã Xuân Thành (398 em); Xuân Hải (166); Xuân Phổ (113); Xuân Đan (34); Cương Gián (14)…

Ngoài 117 ca phẫu thuật thực hiện tại BV Nhi TW, 2 đợt mổ vừa rồi tại Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân đã phẫu thuật 330 ca.

“529 cháu còn lại, tôi e rằng đó chưa phải là con số cuối cùng. Nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ xuất hiện một thế hệ… chưa già mà lưng đã còng” - BS Phan Chí Thành - Chủ nhiệm UBDS -GĐ&TE huyện Nghi Xuân nói.

Ngoài Nghi Xuân, tại Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) và một số địa phương khác đã phát hiện hiện tượng trẻ bị teo cơ vai.

Tại xã Xuân Phổ, Xuân Hải, nhiều gia đình cắn răng dốc nốt đồng tiền tiết kiệm cuối cùng; vay mượn thêm của láng giềng, người thân, đưa con ra Hà Nội chữa trị.

Mỗi chuyến đi như vậy, tiêu tốn từ 5 đến 10 triệu đồng (tiền tàu xe, ăn ở, thuốc thang cả tuần lễ). Đồng tiền “xương máu”, “mồ hôi nước mắt” của nhà nghèo, không tiếc; chỉ mong cho con sớm được phẫu thuật, lành lặn trở lại.

Nhưng đâu phải gia đình nào cũng tích góp được dăm bảy triệu đồng để chữa bệnh cho con.

Năm ngoái tôi về Xuân Phổ tìm hiểu hội chứng xơ hóa cơ delta, một người cha đã khóc khi bất lực nhìn cô con gái bé bỏng đã xấu xí vì lưng còng. Ông nói: “Tôi muốn đưa con đi Hà Nội mổ, nhưng vay mượn mãi vẫn không đủ 5 triệu”.

Cuối năm 2005, tin vui bay đến: Kíp mổ của BV Nhi TW về Nghi Xuân phẫu thuật cho trẻ bị xơ hóa cơ ngay tại quê nhà. Bệnh nhân ùn ùn kéo đến. Trung tâm y tế huyện Nghi Xuân phải huy động hàng chục nhân viên y tế hỗ trợ kíp mổ.

Do thời gian có hạn, 2 đợt chỉ mới thực hiện 330 ca mổ. Kinh phí cho mỗi ca hết khoảng 1,5 triệu đồng (bao gồm tiền vật tư y tế, thuốc men…).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Hà Văn Thạch:

Quyết tâm giúp các cháu phục hồi cơ năng!

Trao đổi với Tiền phong, đồng chí Hà Văn Thạch cho biết: Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ huy động từ nhiều nguồn.

Ngoài sự trợ giúp của địa phương, các gia đình có con bị xơ hóa cơ delta cũng nên đóng góp một phần để thể hiện trách nhiệm của mình. Phải quyết tâm giúp các cháu bị bệnh sớm phục hồi cơ năng. 

Võ Minh Châu

“Nếu phải đưa trẻ đi Hà Nội, số tiền chi phí sẽ lớn gấp nhiều lần” - BS Hà Chu Thanh – GĐ TTYT Nghi Xuân cho biết. 330 ca mổ, tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, Quỹ Bảo trợ TEVN: 50 triệu đồng. Gia đình các bệnh nhân chưa phải chi phí đồng nào.

Theo tính toán của huyện Nghi Xuân, để phục hồi cơ năng cho hàng trăm trẻ bị teo cơ còn lại trên địa bàn, cần trên 2 tỷ đồng.

Lực bất tòng tâm, UBND huyện có CV số 40/CV-UB ngày 8/2/2006 thỉnh thị UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị tỉnh hỗ trợ và can thiệp với các nguồn kinh phí khác; đồng thời, cho phép huyện vận động các gia đình có con bị bệnh phải phẫu thuật vai thứ 2 đóng góp 500.000 đồng (trong số 976 cháu, khoảng 80% phải phẫu thuật 2 ca, ở 2 vai).

Như vậy, hàng trăm trẻ em bị xơ hóa cơ delta đã tìm được lối thoát: Y học có thể ra tay phục hồi cơ năng cho trẻ bị teo cơ vai!

Nhưng hiện tại huyện chưa tìm được kinh phí phẫu thuật. Hy vọng rằng “bài toán kinh phí” sẽ sớm có lời giải.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.