Hơn 5,4 tỷ USD vốn ODA cam kết cho Việt Nam

Hơn 5,4 tỷ USD vốn ODA cam kết cho Việt Nam
Kết thúc Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ  (CG) cho Việt Nam, chiều nay 7/12, mức vốn ODA các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2008 đạt mức kỷ lục là 5,426 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với năm ngoái.
Hơn 5,4 tỷ USD vốn ODA cam kết cho Việt Nam ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN Ajay Chhibber sau khi phát biểu tại hội nghị  - Ảnh: Tuổi trẻ

Trong đó, tổng giá trị cam kết song phương đạt 2,626 tỷ USD với hai nhà tài trợ lớn tiếp tục là Nhật Bản với trên 1,1 tỷ USD và EU với 962,8 triệu USD. Tổng giá trị cam kết đa phương đạt 2,55 tỷ USD; trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dẫn đầu với 1,35 tỷ USD; tiếp đến là Ngân hàng Thế giới với trên 1,1 tỷ USD.

Đáng chú ý là số vốn cam kết của Chính phủ Nhật Bản năm nay tăng khá cao so với trên 890 triệu USD năm 2006. ADB cũng thể hiện sự ủng hộ quá trình phát triển của Việt Nam bằng số vốn cam kết tăng vượt trội so với 1,14 tỷ USD năm ngoái.

Mức cam kết của các tổ chức phi Chính phủ năm nay đạt 250 triệu USD, cũng tăng đáng kể so với 180 triệu USD năm 2006.

Trong phiên bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam Ajay Chhibber đều chung nhận định rằng, con số cam kết lần này một lần nữa cho thấy sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho những nỗ lực trong quá trình Đổi mới của Việt Nam.

Điều này cũng thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với hiệu quả sử dụng nguồn vốn này tại Việt Nam tiếp theo tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc rằng Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA và đảm bảo thực hiện các cam kết với tinh thần trách nhiệm cao.

Ông Ajay Chhibber nói rằng sự cởi mở và minh bạch của Chính phủ Việt Nam đã cho các nhà tài trợ hiểu rõ hơn mong muốn của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, kiểm soát lạm phát, thực hiện tốt lộ trình cam kết gia nhập WTO, thu hút nhiều hơn nữa và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông Chhibber, các nhà tài trợ cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đưa ra những chương trình kế hoạch ứng phó sự tác động của biến đổi khí hậu và “đây sẽ là cơ sở để cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này”.

Xây dựng khung pháp lý cho phòng, chống tham nhũng

Tội tham ô chiếm tỉ trọng lớn

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ tháng 10/2006 đến hết tháng 8/2007, các ngành, địa phương đã phát hiện 441 vụ việc, trong đó đã khởi tố 406 vụ. Tổng thiệt hại do tham nhũng xác định được là 286 tỷ đồng.

Trong các tội danh tham nhũng bị khởi tố, tội tham ô chiếm tỉ trọng lớn (56% số vụ và 55% số bị can), tiếp đến là tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật cũng như tăng cường hoạt động của các đơn vị chuyên trách.

Báo cáo tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2007, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài 8 văn bản đã được ban hành theo chương trình hành động thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020, soạn thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và hoàn tất các thủ tục cho việc phê chuẩn Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng.

Đánh giá về kết quả thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội và củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế.

Việc phát hiện, xử lý một số vụ tham nhũng lớn như vụ PMU 18, Đề án 112, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Nhằm phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện để các cơ quan ngôn luận tiếp cận đầy đủ, chính xác nguồn thông tin chính thống về hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cũng đã tăng cường mở rộng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống tham nhũng và đã thu được những kết quả rõ rệt. Việt Nam đã ký thoả thuận, ghi nhớ về hợp tác phòng chống tham nhũng với các quốc gia như Inđônêxia, Lào; ký thoả thuận đa phương về phòng chống tham nhũng gồm 8 nước ASEAN. Việt Nam còn tổ chức tham gia nhiều hội thảo, chương trình làm việc về phòng chống tham nhũng với các quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó khẳng định quyết tâm của Việt Nam đối với công tác này.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.