Hơn 6.000 Việt kiều đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Các đại biểu trả lời báo chí xung quanh hoạt động của Bộ Tư Pháp quý I/2014. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các đại biểu trả lời báo chí xung quanh hoạt động của Bộ Tư Pháp quý I/2014. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Theo quy định, đến ngày 1/7/2014 tới, người Việt định cư ở nước ngoài không đăng ký, sẽ mất quốc tịch Việt Nam. Báo cáo của Bộ Ngoại giao cho biết, đến nay, trên 6.000 người đang định cư ở nước ngoài đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Hơn 2.000 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam

Tại họp báo quý I/2014 của Bộ Tư Pháp sáng 8/4, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) trả lời báo chí những thắc mắc xung quanh vấn đề đăng ký giữ quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài.  

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, đến nay, trên 6.000 người đang định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, song không có thống kê chính xác trong số đó những ai có hoặc chưa có quốc tịch nước ngoài.

Phần lớn công dân Việt Nam đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đang định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp. Còn những địa bàn theo nguyên tắc một quốc tịch, thì rất ít người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. 

Còn báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trong Quý I/2014, Bộ này tham mưu, đề xuất và trình Chủ tịch nước giải quyết 2.062 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Trong đó, 2.055 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam; 4 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam và 3 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời 771 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch cho Sở Tư pháp các địa phương, Cục Quản lý xuất nhập cành – Bộ Công an, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Bộ này cũng đã hoàn thiện, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án Luật Hộ tịch.

Khó khăn

Theo Bộ Ngoại giao, thời điểm năm 2008, hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác trong số 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, bao nhiêu người có quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam, bao nhiêu người còn quốc tịch Việt Nam mà chưa có quốc tịch nước ngoài.

Sự không rõ ràng về quốc tịch của phần lớn người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã gây khó khăn không những cho bản thân họ trong việc tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, mà còn gây khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

Ông Nguyễn Công Khanh cho biết, trước tình trạng này, Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực đã cùng Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự và một số đơn vị hành chính, trị sự liên qua đã liên tục họp để đề xuất các phương án như sửa như thế nào, kéo dài thêm thời gian hay không, hoặc kiến nghị các phương án khác…

Phương án chốt cuối cùng sẽ chờ Bộ trưởng Hà Hùng Cường trình Thủ tướng tới đây rồi mới công khai được.

Theo ông Nguyễn Công Khanh, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo quy định của Luật sửa đổi Luật Quốc tịch năm 2008, vẫn có quốc tịch Việt Nam. Trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, những người này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam. Hết 5 năm (tức tới ngày 1/7/2014 này) mà không đăng ký, sẽ mất quốc tịch Việt Nam.

Đó là quy định của dự thảo luật, sau đó đã được Quốc hội thông qua, chính thức đi vào thực hiện từ 1/7/2009.

MỚI - NÓNG